Đức: Nhân công ngành năng lượng tái tạo thiếu trầm trọng
Trên Instagram, chàng trai 19 tuổi đã nhận được thông báo về đề xuất được đào tạo trong bốn tuần để có thể lắp đặt các tấm pin mặt trời.
Mong muốn học "một cái gì đó mới" và sự hấp dẫn của "công việc ngoài trời" đã thuyết phục anh tham gia khoá học tại một công xưởng nằm ở ngoại ô Berlin.
Nhà kho vang vọng tiếng ồn từ các máy khoan, tuốc nơ vít, được điều khiển bởi các nhóm người học việc, được trang bị mũ bảo hiểm và dây an toàn, họ được hướng dẫn thực hành trên các mô hình mái nhà được đặt trên mặt đất.
Một hình ảnh thể hiện mong muốn có thể làm bùng nổ ngành năng lượng mặt trời tại Đức – một đất nước đang “khát” năng lượng tái tạo để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi và thay thế khí đốt của Nga.
Công suất quang điện được lắp đặt trong cộng đồng đã tăng 40% vào năm ngoái so với năm 2021.
"Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nhiều người đã muốn tự giải phóng mình khỏi nhiên liệu hóa thạch và chi phí năng lượng cao", Wolfgang Gründinger, phát ngôn viên của Enpal cho biết.
Người giao hàng cũng được đào tạo
Enpal, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Berlin, chuyên cung cấp, lắp đặt và bảo trì các tấm pin mặt trời cho thuê dài hạn. Được thành lập vào năm 2017, Enpal cho biết họ đã bán được 40.000 gói đăng ký, bao gồm 18.000 gói đăng ký chỉ tính riêng năm ngoái và hiện đang bán 2.000 bộ dụng cụ mỗi tháng.
"Chúng tôi phải lắp đặt rất nhiều thiết bị càng nhanh càng tốt, trong khi đang thiếu rất nhiều công nhân lành nghề", Alexander Friedrich, một trong những người hướng dẫn được công ty thuê cho biết.
Enpal đã giải quyết một phần vấn đề bằng cách thành lập trường đào tạo riêng cho thợ lắp ráp và thợ điện chuyên nghiệp ở Blankenfelde phía nam Berlin, vào năm ngoái. Đây là một trong những trường mà Pascal Ode tham gia vào đầu năm.
"Chúng tôi tuyển dụng mọi tầng lớp xã hội, người làm bánh pizza, đầu bếp, người giao bữa ăn, tài xế taxi...", ông Gründinger liệt kê. Trường đào tạo khoảng 120 học viên mới mỗi tháng.
Với nhu cầu vô cùng lớn: Đức muốn 80% tổng tiêu thụ điện được bao phủ bởi năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng từ 46% năm ngoái. Đức đặt mục tiêu lắp đặt 215 gigawatt (GW) năng lượng quang điện trong giai đoạn hiện tại, đồng nghĩa sự phát triển hàng năm sẽ được nhân ba (7,2 GW được lắp đặt vào năm 2022).
Việc lắp đặt năng lượng mặt trời cần được triển khai rộng rãi tại các nhà máy, tòa nhà thương mại, trên các cánh đồng, theo kế hoạch của chính phủ.
Nhưng "sự thiếu hụt nhân công lành nghề có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng" ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, theo cảnh báo của Viện Kinh tế Đức (IW).
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Liên đoàn các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời BSW cho biết họ đang trông chờ vào cuộc cải cách di cư lớn do chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz sắp đặt vào mùa hè này, để đáp ứng nhu cầu lao động.
"Chúng tôi sẽ thúc tiến sự hội nhập của người nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng mặt trời sau khi luật mới về nhập cư cho công nhân lành nghề có hiệu lực", chủ tịch Carsten Körnig nói với AFP.
Liên đoàn trích dẫn ví dụ về một thỏa thuận gần đây để gửi công nhân Ấn Độ đã được đào tạo về quang điện tại đất nước của họ đến Đức.
Thợ điện, chuyên gia về sưởi ấm và làm mát, nhà khoa học máy tính, hiện đang thiếu khoảng 216.000 công nhân lành nghề để phát triển năng lượng mặt trời và gió, theo Viện IW.
Chưa kể đến việc tái thiết lại lĩnh vực sản xuất các tấm pin mặt trời, khi phần lớn các thành phần (polysilicon, tấm wafer, tế bào) đều đến từ Trung Quốc, đặt ra vấn đề chủ quyền cho người châu Âu.
Vào những năm 2010, Đức đã có một số doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất tế bào quang điện.
Thế nhưng việc giảm viện trợ nhà nước và sự gia tăng cạnh tranh của Trung Quốc đã bóp nghẹt các nhà sản xuất này, dẫn đến việc sa thải gần 100.000 nhân công trong lĩnh vực này, theo công đoàn IG Metall.
Mặc dù vậy, việc giảm chi phí sản xuất tế bào quang điện và nhu cầu sử dụng tăng sẽ có thể hồi sinh ngành công nghiệp này, chẳng hạn như nhà máy mới được khánh thành vào năm 2021 bởi tập đoàn Meyer Burger của Thụy Sĩ, giữa Berlin và Leipzig, trên địa điểm của một công ty quang điện cũ đã bị phá sản cách đây mười năm.
Nh.Thạch
AFP
- Năm 2025 sẽ có bước ngoặt lớn trong chuyển đổi năng lượng tại Trung Quốc
- Khí đốt sẽ thay thế ngành than đá tại châu Á?
- ADNOC thành lập Công ty Hóa chất và Năng lượng Xanh trị giá 80 tỷ USD
- Bản tin Năng lượng xanh: Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trước những thông điệp trái chiều tại COP29
- Úc công bố dự thảo Luật khuyến khích sản xuất hydro tái tạo