Dòng tiền của các tập đoàn dầu khí toàn cầu bị siết chặt
![]() |
Các tập đoàn dầu khí lớn như Shell, ExxonMobil, BP, Chevron, TotalEnergies và Eni nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm cổ tức và các chương trình mua lại cổ phiếu trong năm 2025. Hình minh hoạ |
Theo báo cáo mới công bố ngày 26/5 của Rystad Energy, nếu giá dầu tiếp tục dao động quanh mức 60 USD/thùng, các tập đoàn dầu khí lớn như Shell, ExxonMobil, BP, Chevron, TotalEnergies và Eni nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm cổ tức và các chương trình mua lại cổ phiếu trong năm 2025. Đây là các chính sách lâu nay được các tập đoàn duy trì nhằm giữ chân nhà đầu tư.
Kỷ lục chi trả cho cổ đông có thể không kéo dài
Năm 2024, 6 tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đã chi tổng cộng 119 tỷ USD để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu – con số cao kỷ lục, chiếm tới 56% dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, mức trung bình giai đoạn 2012–2022 chỉ dao động khoảng 30–40%.
Nếu tiếp tục duy trì mức chi trả này trong năm 2025, tỷ lệ phân phối lợi nhuận có thể lên tới hơn 80% dòng tiền – một ngưỡng mà các chuyên gia cảnh báo là khó bền vững nếu không điều chỉnh.
Một số tập đoàn đã đặt ra mức mục tiêu cụ thể: BP, Eni và TotalEnergies hướng tới chi 30–40% dòng tiền, trong khi Shell kỳ vọng ở mức cao hơn, khoảng 40–50%. Với mức dòng tiền hiện tại, tổng chi trả cho cổ đông năm 2025 có thể giảm xuống còn 70–95 tỷ USD – tức giảm khoảng 20–40% so với năm nay.
Phải rút tiền dự trữ để giữ lời hứa
Để đảm bảo vẫn có thể trả cổ tức, nhiều công ty đã phải dùng đến tiền mặt dự trữ. Từ gần 160 tỷ USD cuối năm 2022, lượng tiền mặt mà các tập đoàn dầu khí nắm giữ đã giảm còn hơn 120 tỷ USD tính đến quý I/2025. Điều này cho thấy họ đang nỗ lực giữ cam kết với cổ đông, dù doanh thu bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp.
Trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp, việc cắt giảm chương trình mua lại cổ phiếu có thể sẽ là bước đi đầu tiên. “Nếu giá dầu tiếp tục ở mức này, chuyện cắt giảm là điều khó tránh khỏi”, ông Espen Erlingsen, Giám đốc nghiên cứu mảng thượng nguồn của Rystad Energy nhận định.
Các tập đoàn dầu khí đối mặt với lựa chọn khó khăn
Hiện tại, những tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đang đứng trước một bài toán nan giải: Làm sao để duy trì lòng tin của nhà đầu tư, mà không làm tổn hại đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Trong vài quý gần đây, cổ đông đã được hưởng lợi đáng kể nhờ giá năng lượng tăng mạnh. Tuy nhiên, những tín hiệu mới nhất cho thấy xu hướng này đang chững lại và có thể kéo dài trong thời gian tới.
Trước tình hình kém thuận lợi hơn, các tập đoàn dầu khí buộc phải xem xét lại chính sách hoàn vốn cho cổ đông – tức cổ tức và các chương trình mua lại cổ phiếu – để đảm bảo phù hợp với thực tế tài chính hiện tại.
“Với dòng tiền như hiện nay, việc duy trì mức chi trả cao như năm 2024 là điều không thể kéo dài”, ông Espen Erlingsen, Giám đốc nghiên cứu của Rystad Energy nhận định. Đối với nhà đầu tư, những thay đổi sắp tới sẽ là bước ngoặt lớn, khác xa với kỳ vọng hình thành trong thời kỳ giá dầu cao từ năm 2021 đến 2023.
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP