Cú sốc giá khí đốt mới tiếp tục “bóp nghẹt” ngành công nghiệp châu Âu
![]() |
![]() |
![]() |
Ảnh minh họa |
Kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, khi giá khí đốt đạt đỉnh gần 350 euro cho mỗi megawatt giờ (MWh), hàng chục công ty trên khắp châu Âu đã đóng cửa nhà máy và cắt giảm hoạt động cũng như việc làm, vì giá khí đốt cao làm suy yếu khả năng cạnh tranh của họ.
Nhiều nước vẫn duy trì nhu cầu giảm và hoạt động sản xuất thấp hơn, gây tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng chậm chạp của châu Âu.
Hiện tại, nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu thấp hơn 17% so với mức trung bình 5 năm được ghi nhận trong những năm trước đại dịch.
Đồng thời, giá khí đốt đang ở mức cao nhất trong hơn một năm và các nhà phân tích dự đoán giá sẽ còn tăng cao hơn nữa.
"Mối lo ngại là chúng ta đang mất cảnh giác vì giá năng lượng hiện nay thấp hơn so với mức giá chúng ta thấy vào năm 2022", Svein Tore Holsether, Tổng Giám đốc điều hành của Yara - một công ty phân bón, đã nói với Reuters vào tháng 10.
"Điều quan trọng là phải nhắc nhở bản thân rằng chúng ta vẫn đang ở mức giá cao hơn nhiều so với các khu vực quan trọng khác như Hoa Kỳ, Trung Đông và Nga."
Mối lo ngại về việc thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm đã thúc đẩy hoạt động mua.
Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Bank of America, cho biết điều này có thể đẩy giá khí đốt của EU lên tới 70 euro/MWh vào năm tới từ mức gần 50 euro/MWh hiện nay.
Dữ liệu của LSEG cho thấy con số này cao hơn giá khí đốt trung bình của EU là 17,58 euro/MWh trong 5 năm trước đại dịch.
Theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu, lượng khí đốt dự trữ trên toàn EU đã đầy 85%, thấp hơn khoảng 10% so với một năm trước.
Barbara Lambrecht, một nhà phân tích tại Commerzbank, cho biết điều đó khiến mùa đông hiện tại trở nên khó chịu hơn, vì các đợt lạnh giá sẽ khiến mức dự trữ giảm nhanh hơn so với hai mùa đông tương đối ôn hòa trước đây.
Để cố gắng bảo vệ nguồn cung, tuần trước, Ủy ban châu Âu đã tăng mục tiêu dự trữ, có khả năng làm tăng thêm áp lực tăng giá.
Dữ liệu của Bernstein cho thấy hàng chục nhà máy ở châu Âu đã đóng cửa và gần một triệu việc làm trong ngành sản xuất đã bị mất trong 4 năm qua.
Trong báo cáo về khả năng cạnh tranh của châu Âu hồi tháng 9, cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết việc mất nguồn khí đốt tương đối rẻ của Nga sau khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine vào năm 2022 đã gây ra "thiệt hại rất lớn" cho nền kinh tế, vì nhiên liệu hóa thạch sẽ cần thiết ít nhất cho phần còn lại của thập kỷ này.
"Mặc dù giá năng lượng đã giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm, các công ty EU vẫn phải đối mặt với giá điện cao gấp 2-3 lần so với giá ở Hoa Kỳ. Giá khí đốt tự nhiên phải trả cao gấp 4-5 lần", báo cáo cho biết.
Giá khí đốt hiện tại của EU cao hơn gần 5 lần so với giá khí đốt của Hoa Kỳ - hiện đang giao dịch ở mức 3,095 đô la/mmBtu, tương đương 10,02 euro/MWh.
Một cuộc khảo sát của Phòng thương mại Đức (DIHK) vào tháng 8 cho thấy giá năng lượng cao và việc thiếu nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy, đang cản trở sản xuất công nghiệp và thúc đẩy một số công ty Đức cân nhắc chuyển ra nước ngoài.
Tại Pháp, các ngành công nghiệp dự kiến sẽ hoạt động ở mức 70-80% công suất vào mùa đông năm nay do giá năng lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất, Nicolas de Warren, chủ tịch nhóm vận động hành lang công nghiệp Pháp Uniden, nói với Reuters.
Yến Anh
Reuters