Chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông: Nước cờ mở màn cho một chiến dịch dài hơi?

10:28 | 23/07/2020

|
Lập trường mới của Mỹ về Biển Đông nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá và tập hợp sự ủng hộ cho các đối tác của Mỹ.
chien luoc moi cua my tai bien dong nuoc co mo man cho mot chien dich dai hoi
Tàu Hải quân Mỹ ở Biển Đông. (Nguồn: AP)
Lập trường mới có điểm gì khác biệt?

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập đến một thay đổi quan trọng trong tuyên bố chính sách của Mỹ về Biển Đông. Tuyên bố này làm rõ những ngụ ý của các chính quyền Mỹ trước đây. Qua đó, tuyên bố mở đường cho việc truyền đạt hiệu quả hơn các thông điệp ngoại giao và những phản ứng mạnh mẽ hơn trước hành động quấy rối của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Đoạn mở đầu của tuyên bố có viết: “Chúng tôi nói rõ: Những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên biển khơi trên hầu hết diện tích Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này, là hoàn toàn phi pháp”. Bên cạnh đó, Mỹ thể hiện sự ủng hộ kiên định hơn đối với nội dung cơ bản của phán quyết năm 2016 do tòa trọng tài đưa ra theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Theo phán quyết này, Trung Quốc không có cơ sở để khẳng định “quyền lịch sử” hay đưa ra bất kỳ tuyên bố nào khác ngoài những gì được UNCLOS cho phép. Điều này vô hiệu hóa cái được gọi là “đường 9 đoạn” với tư cách một tuyên bố chủ quyền đối với không gian biển.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama đã tích cực ủng hộ Philippines thực thi quyền khiếu nại Trung Quốc lên tòa trọng tài. Mỹ cũng lưu ý rằng phán quyết của tòa trọng tài có tính ràng buộc pháp lý theo UNCLOS và kêu gọi cả hai bên tuân thủ. Tuy nhiên, Mỹ cũng trình bày phản ứng của mình bằng các thuật ngữ thận trọng trong ngành luật.

Chỉ vài giờ sau khi phán quyết được đưa ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng phán quyết này là “cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với cả Trung Quốc lẫn Philippines”. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý: “Mỹ đang nghiên cứu quyết định này và không bình luận về tính chất đúng luật của vụ việc”. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức ở Lào vào cuối tháng 7/2016, và sau đó trong chuyến dừng chân tại Manila, Ngoại trưởng John Kerry đã nhắc lại rằng phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và kêu gọi các bên tuân thủ.

Lập trường mới của Mỹ tự thân nó sẽ không có tác động lớn. Nhưng nếu là một nước cờ mở màn cho một nỗ lực dài hơi nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá và tập hợp sự ủng hộ cho các đối tác của Mỹ, thì điều này có thể có ý nghĩa quan trọng.

Tác động tức thì nhất của sự thay đổi chính sách này sẽ là trên mặt trận ngoại giao. Sẽ dễ dàng huy động cộng đồng quốc tế chống lại hoạt động “phi pháp” hơn là chống lại các hoạt động chỉ đơn thuần gây phiền nhiễu hoặc gây bất ổn. Đối với Trung Quốc, việc bị cáo buộc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế cũng gây tổn hại lớn hơn nhiều.

Các quan chức Mỹ có khả năng sẽ bắt đầu đưa những ngôn từ mạnh mẽ hơn vào các tuyên bố tại các diễn đàn thế giới. Có thể trông đợi điều này không chỉ tại các hội nghị khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), mà còn ở các tổ chức như nhóm Bộ tứ, nhóm G7 và nhiều hội nghị song phương và 3 bên khác.

Chính sách này cũng có thể dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho Trung Quốc. Bằng việc tuyên bố nhiều hoạt động trên biển của Trung Quốc là phi pháp, Chính quyền Mỹ đã đưa ra lý lẽ biện minh cho những biện pháp trừng phạt có thể có nhằm vào các công ty Trung Quốc và các thực thể tiến hành các hoạt động đó. Điều này sẽ kéo theo một loạt mục tiêu tiềm năng có phạm vi rộng và kịp thời hơn so với các đạo luật trừng phạt mà Mỹ từng đưa ra trước đây.

Đương nhiên, các chuyên gia cho rằng, chính sách này cũng có những nhược điểm. Nó sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu được đưa vào một chính sách rộng hơn kết hợp giữa sức ép đối với Bắc Kinh và việc xây dựng liên minh quốc tế rộng lớn hơn thì lập trường mới có thể giúp hướng Trung Quốc tới một sự thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận, tạo ra một hướng giải quyết mới cho những tranh chấp ở Biển Đông.

Các động thái tiếp theo của Mỹ

Chính sách mới của Mỹ cần được coi là một phần trong nỗ lực phối hợp giữa nhiều chính phủ nhằm đẩy lùi các yêu sách của Trung Quốc với các cách tiếp cận ngoại giao và lập luận tương tự nhau, cụ thể là nhấn mạnh UNCLOS và phán quyết năm 2016.

Điều này rất có ý nghĩa nếu các nước tin rằng chủ nghĩa đa phương, hay một “mặt trận thống nhất”, là cách duy nhất để chống lại các hành vi ép buộc của Trung Quốc ở Biển Đông. Tương tự, đây có thể được coi là bước đi đầu tiên nhằm tái khẳng định “trật tự dựa trên các quy tắc” ở Đông Á.

Nếu xem xét theo hướng này, lập trường mới của Mỹ về Biển Đông là một bước đi đúng hướng, song vẫn là một bước đi nhỏ. Dù cần thêm thời gian để xem Mỹ sẽ tiếp tục hành động như thế nào, nhưng chúng ta cũng có thể đưa ra một vài dự đoán về chính sách có thể được thực thi.

Mỹ đang chú ý sát sao hơn tới các nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế như Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) và Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS). ITLOS là cơ quan tư pháp độc lập có chức năng giải quyết các vụ việc pháp lý liên quan đến UNCLOS, tương tự như Tòa trọng tài năm 2016 từng phân xử tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Mỹ cũng có thể tăng cường sự ủng hộ đối với quyền của các nước Đông Nam Á trong việc khai thác nguồn tài nguyên biển, xác định rằng phát triển nền kinh tế biển và sinh kế của các cộng đồng ven biển có vai trò trung tâm đối với sự gắn kết và độc lập của khu vực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ đã triển khai tàu chiến gần các tàu khảo sát của Trung Quốc.

Theo Thu Hiền (Thế giới và Việt Nam)