Châu Phi hướng tới ôtô chạy bằng khí tự nhiên

07:00 | 07/07/2021

|
(PetroTimes) - Báo cáo của Liên minh Khí đốt quốc tế (UIG) công bố ngày 4-6-2021 cho thấy, cuối năm 2020, trên thế giới có 29,5 triệu xe ôtô chạy bằng khí tự nhiên được lưu hành, trong đó, khu vực châu Á và châu Á - Thái Bình Dương chiếm 73%, châu Mỹ chiếm 19%, châu Âu chiếm 7%, châu Phi chỉ chiếm chưa đầy 1%.
Châu Phi hướng tới ôtô chạy bằng khí tự nhiên
Ở châu Phi, phần lớn các bộ chuyển đổi nhiên liệu phải nhập khẩu

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, một số quốc gia châu Phi đã nỗ lực đưa việc sử dụng khí tự nhiên vào vận tải đường bộ, nhằm giảm lượng khí thải carbon, tăng cường an ninh năng lượng và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu dầu khí.

Khí đốt rẻ hơn và lượng khí thải thấp đang thúc đẩy sự phát triển xe ôtô chạy bằng khí đốt ở châu Phi. Khí đốt dùng cho các phương tiện giao thông bao gồm khí nén tự nhiên (CNG) và khí hóa lỏng (LPG). Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn Ấn Độ Mordor Intelligence, lượng phương tiện sử dụng khí CNG và LPG ở châu Phi dự kiến sẽ tăng 3%/năm trong giai đoạn 2021-2026. Tuy nhiên, việc thiếu các công ty châu Phi sản xuất xe chạy bằng khí tự nhiên là một lực cản lớn. Hầu hết việc chuyển đổi được thực hiện từ thiết bị nhập khẩu.

Sau đây là tổng quan một số nước châu Phi chuyển đổi xe ôtô chạy bằng khí đốt.

Ai Cập

Với khoảng 300.000 phương tiện chạy bằng khí đốt hiện nay, Ai Cập là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Phi cho các phương tiện vận tải. Ai Cập dự kiến sẽ tiếp tục thống trị thị trường châu Phi trong trung hạn nhờ một chiến dịch hiện đang được thực hiện với mục tiêu chuyển đổi khoảng 2 triệu xe ôtô sang khí đốt vào năm 2023, được trang bị động cơ kép chạy bằng cả xăng và gas.

Chiến dịch bắt đầu thực hiện từ năm 2015, cho phép Ai Cập giảm lượng khí thải CO2, cũng như giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ. Hiện cả nước Ai Cập có 72 trung tâm chuyển đổi phương tiện và 187 trạm cung ứng. Con số này sẽ tăng lên 400 vào năm 2022.

Tháng 6-2021, một phần khác của chiến dịch đã lên kế hoạch chuyển đổi 2.200 xe buýt sang sử dụng khí tự nhiên.

Châu Phi hướng tới ôtô chạy bằng khí tự nhiên
Nigeria muốn chuyển toàn bộ đội xe công sang chạy bằng khí đốt

Algeria

Chính phủ Algeria đã khuyến khích việc chuyển đổi phương tiện chạy bằng nhiên liệu thông thường sang phương tiện sử dụng LPG, bằng cách chính phủ sẽ trả 50% chi phí chuyển đổi trực tiếp cho người có nhu cầu. Mục tiêu chính của chương trình được chính phủ Algeria đưa ra là nhằm thúc đẩy các phương tiện vận tải chạy bằng khí đốt, giảm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu.

Năm 2018, Công ty Tiếp thị và phân phối sản phẩm dầu mỏ quốc gia (NAFTAL) Algeria đã đặt hàng hàng nghìn hệ thống phun LPG (loại thiết bị lắp cho các xe chạy bằng LPG). Vào tháng 1-2019, 100.000 xe đã được chuyển đổi sang sử dụng LPG trong cả nước. Chính phủ Algeria có kế hoạch chuyển đổi 500.000 xe sang sử dụng LPG mỗi năm thông qua 650 xưởng chuyển đổi.

Châu Phi hướng tới ôtô chạy bằng khí tự nhiên
Ai Cập đã có 300.000 xe chạy bằng khí đốt

Nigeria

Sau khi chấm dứt trợ cấp đối với xăng dầu, vào năm 2020, Nigeria phải đối mặt với việc giá xăng tăng hơn 20%, làm dấy lên sự bất bình của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, Nigeria đã đưa ra kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe ôtô thuộc sở hữu nhà nước sang chạy bằng CNG và LPG. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng bởi Nigeria có dân số lớn nhất lục địa châu Phi với hơn 200 triệu người. Đối với nhiều nhà phân tích, chính sách này sẽ đẩy nhanh việc khai thác các nguồn khí đốt của Nigeria vốn vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.

Không giống như Ai Cập và Algeria, kế hoạch của Nigeria đang trong giai đoạn thử nghiệm. Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Timipre Sylva cho biết: “Bên cạnh thực tế là giá xăng sẽ rẻ hơn, chúng tôi cũng lo ngại về việc chuyển đổi ôtô với giá cả phải chăng để người dân Nigeria có thể hưởng lợi từ chính sách mới này”.

Hiện tại, một số xe ôtô của chính phủ đã được chuyển đổi, bao gồm cả đoàn xe tổng thống và đội xe chính thức của Bộ Dầu khí. Năm 2019, cả nước Nigeria có hơn 500 xe SUV và xe buýt chuyển đổi thành công từ xăng sang khí CNG. Nigeria có thể tiết kiệm vài tỉ USD mỗi năm nếu toàn bộ đội xe ôtô thuộc sở hữu nhà nước được vận hành bằng khí đốt tự nhiên.

Nam Phi

Nam Phi là quốc gia phát thải CO2 lớn thứ 12 trên thế giới và chịu trách nhiệm cho gần một nửa lượng khí thải CO2 trên “lục địa đen”, chủ yếu là do sản xuất điện bằng than, do khai thác hầm mỏ và vận tải. Johannesburg, thành phố lớn nhất ở châu Phi cận Sahara, là thành phố ô nhiễm thứ 7 trên thế giới.

Nhưng những thay đổi đang đến gần. Khoảng 1.300 xe buýt nhỏ và taxi ở Johannesburg sử dụng khí đốt tự nhiên làm nhiên liệu. Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên tin rằng ngày càng có nhiều xe ôtô thương mại chạy bằng khí đốt trong tương lai, thay vì xăng hoặc dầu diesel. Trong thành phố Johannesburg, ngoài taxi, khoảng 150 phương tiện như xe tải và xe giao hàng đã được cải tiến để sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu.

Ngoài ra, LNG sẽ đến từ dự án khí đốt Virginia đã được lên kế hoạch để cung cấp cho các đội xe tải của African Breweries (SAB) - nhà sản xuất bia lớn nhất nước - và đội xe khoảng 100 xe tải của nhà phân phối các sản phẩm dầu mỏ Black Knight Group. Năm 2020, Renergen, nhà điều hành dự án Virginia, đã ký một thỏa thuận tương tự với công ty vận tải đường bộ Bulk Hauliers International Transport (BHIT) cho 50 xe tải.

Từng chút một, “lục địa đen” đang hòa vào nhịp cùng thế giới chống phát thải CO2. Các quốc gia khác như Kenya, Equatorial Guinea, Côte d'Ivoire, Cameroon đang có kế hoạch chuyển đổi một phần đội xe ôtô sang sử dụng khí đốt tự nhiên.

Theo một nghiên cứu của Công ty Tư vấn Ấn Độ Mordor Intelligence, lượng phương tiện sử dụng khí CNG và LPG ở châu Phi dự kiến sẽ tăng 3%/năm trong giai đoạn 2021-2026.

S.Phương