Bị Trung Quốc đánh thuế, khí tự nhiên của Mỹ sẽ ra sao?

10:49 | 14/02/2025

|
(PetroTimes) - Các nhà phân tích cho rằng, mức thuế 15% của Trung Quốc đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng của nước này trong việc bán năng lượng ra thế giới.
Bị Trung Quốc đánh thuế, khí tự nhiên của Mỹ sẽ ra sao?
Mức thuế 15% của Trung Quốc đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng của nước này trong việc bán năng lượng ra thế giới. Ảnh AFP

Trên thực tế, người Mỹ không cần quá lo lắng. Mỹ, cường quốc năng lượng của thế giới, hoàn toàn có thể tự duy trì mà không cần nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên từ Trung Quốc. Trong tương lai, nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu này chắc chắn sẽ vượt xa nguồn cung.

Một tiêu đề của Reuters cho biết "cuộc chiến thương mại" với Trung Quốc "đang phủ đám mây đen" lên các dự án LNG mới của Mỹ.

“Trung Quốc đáp trả bằng quyết định áp thuế đối với khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ, điều này sẽ dẫn đến một cuộc đua nhằm tách rời hai đối tác lớn nhất thế giới trong việc mua và bán nhiên liệu siêu lạnh”, Bloomberg News dự đoán.

Đánh giá này sẽ đúng nếu các bên Trung Quốc ngừng mua LNG của Mỹ. Bloomberg đã báo cáo rằng các nhà nhập khẩu Trung Quốc hiện đang chuyển hàng hóa của Mỹ sang các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu, nơi giá cả cao hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng người Trung Quốc sẽ từ bỏ khí tự nhiên của Mỹ, đặc biệt trong dài hạn. Jonathan Bass của Argent LNG đã lưu ý rằng Bắc Kinh có thể bí mật trợ cấp cho khách hàng của mình bằng những khoản thuế mà họ thu được. Dù Bắc Kinh có động thái gì đi chăng nữa, Trung Quốc vẫn cần năng lượng.

Vẫn còn một hiệu ứng thuế quan khác đang khiến nhiều người lo ngại.

“Các công ty Trung Quốc khó có thể ký hợp đồng dài hạn với các dự án do Mỹ đề xuất nếu căng thẳng thương mại không hạ nhiệt”, Bloomberg báo cáo. “Đây là tin xấu đối với những nhà xuất khẩu Mỹ cần phải ký hợp đồng với khách hàng trước khi đảm bảo được nguồn tài chính cần thiết để bắt đầu xây dựng”.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là một mối lo ngại lớn. Thứ nhất, Trung Quốc, nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, đã nhận chưa đến 6% tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ trong năm ngoái.

Vì vậy, các cơ sở xuất khẩu của Mỹ vẫn sẽ được xây dựng, dù có hay không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Hiện tại, có bảy nhà máy xuất khẩu LNG đang hoạt động trên đất liền tại Mỹ. 6 nhà máy khác đang được xây dựng, 5 nhà máy đã được cấp phép và 10 nhà máy đang trong quá trình kiểm duyệt theo quy định.

Nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Bass dự đoán rằng các cuộc chiến trong tương lai sẽ nhằm mục đích giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên cần thiết để sản xuất điện. Các quốc gia thiếu tài nguyên, như những đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ phải chạy đua để tìm nhiên liệu.

Về phần năng lượng tái tạo, “Các nhà hoạt động khí hậu nói về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng sẽ chuyển đổi bằng cách nào?”, Bass đặt câu hỏi. “Không có gì để chuyển đổi cả”.

Một số người lo ngại về việc Mỹ khai thác quá nhiều khí đốt và xây dựng quá nhiều nhà máy xuất khẩu. Nhưng Tổng thống Trump không phải là một trong những người lo ngại đó.

“Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã phê duyệt chính sách ủng hộ năng lượng để tận dụng những tiến bộ gần đây trong sản xuất dầu khí của Mỹ”, K.T. McFarland, khi đó là phó cố vấn an ninh quốc gia, cho biết. “Các tập đoàn năng lượng Mỹ đã phát triển những kỹ thuật mới, lập bản đồ và khoan. Họ có thể phát hiện và khai thác nguồn dầu khí phong phú với chi phí thấp, an toàn và đáng tin cậy hơn so với các nhà cung cấp khác”.

Trump không chỉ hiểu rằng việc tăng sản lượng đã giúp Mỹ độc lập về năng lượng, ông còn nhận ra rằng Mỹ có công cụ để giảm giá năng lượng và tước đi nguồn tài chính của đối thủ.

“Giá thấp đồng nghĩa Iran không thể chi tiền cho các cuộc chiến chống lại Israel và Nga không thể chi tiền cho chiến sự tại Ukraine”, McFarland chỉ ra, đề cập đến sự vắng mặt của những cuộc xung đột này trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. “Các quốc gia Arab nhận ra rằng họ không thể dựa vào doanh thu dầu mỏ để hỗ trợ ngân sách đất nước, vì vậy họ đã tìm kiếm hòa bình với Israel và ký kết Thỏa thuận Abraham”.

Trump đang khôi phục chiến lược này trong nhiệm kỳ mới, đồng thời nhấn mạnh vào việc mở rộng các khu vực khoan. Ông cũng đã chấm dứt lệnh "tạm dừng" của Tổng thống Biden đối với việc cấp phép cho các cơ sở xuất khẩu LNG mới.

John Sterman của MIT gọi Mỹ là một "quốc gia dầu mỏ", sản lượng khí đốt của Mỹ đã tăng 50% trong suốt thập kỷ qua và vào năm 2023, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Dù là quốc gia dầu mỏ hay không, Mỹ đã bắt đầu biết cách tận dụng lợi thế này.

Theo Bloomberg, "chiến lược mạo hiểm của Trump nhằm sử dụng kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên làm đòn bẩy để mở rộng sức ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu và châu Á dường như đã thành công".

“Các quan chức Chính phủ và Giám đốc điều hành năng lượng từ các quốc gia như Ấn Độ, Kuwait và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc đàm phán về việc mua thêm khí đốt Mỹ, theo thông tin từ những người quen thuộc với vấn đề này”. Vào ngày 24 tháng 1, Bangladesh đã ký kết một thỏa thuận 20 năm với Argent LNG của Bass, một công ty Mỹ, để mua 5 triệu tấn CNG mỗi năm.

Đại biểu Carlos Gimenez (R-Fla.) muốn “biến Mỹ trở thành vòi năng lượng của thế giới”. Đó là một ý tưởng tuyệt vời, vì khi người Mỹ khai thác dầu khí vì lợi nhuận, họ cũng sẽ khai thác vì tự do, hòa bình và ổn định.

Morgan Stanley: Khí tự nhiên của Mỹ sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng trưởng nhu cầu mớiMorgan Stanley: Khí tự nhiên của Mỹ sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng trưởng nhu cầu mới
Dự báo về dầu mỏ và khí tự nhiên, liệu sẽ có đột phá mới?Dự báo về dầu mỏ và khí tự nhiên, liệu sẽ có đột phá mới?
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới thể hiện xu hướng tăng mạnhTin Thị trường: Giá dầu thế giới thể hiện xu hướng tăng mạnh

Anh Thư

AFP