Bốn thách thức lớn của ngành lọc dầu

19:00 | 05/07/2021

|
(PetroTimes) - Hãng phân tích thị trường Wood Mackenzie mới đây đã có bài viết phân tích về bốn thách thức lớn của ngành lọc dầu toàn cầu, đó là: khả năng lợi nhuận, hợp lý hóa, khử carbon và xe điện.
Bốn thách thức lớn của ngành lọc dầu

Thị trường dầu thế giới vẫn đang phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ trở lại mức cao nhất trước khủng hoảng vào quý 4/2022. Giá dầu Brent phục hồi ở mức cao và lợi nhuận trong lĩnh vực thượng nguồn tăng kỷ lục là những dấu hiệu tốt cho thấy chính sách tái cân bằng thị trường của OPEC+ đã thành công. Tuy nhiên, lĩnh vực hóa dầu lại hoàn toàn khác. Phó Chủ tịch bộ phận phân tích lĩnh vực tinh chế dầu mỏ Alan Gelder của Wood Mackenzie đã chỉ ra bốn thách thức mà lĩnh vực này phải đối mặt trong ngắn hạn và dài hạn.

Thứ nhất, tỷ suất lợi nhuận lọc dầu đã cao hơn so với một năm về trước nhưng vẫn còn thấp. Sự phục hồi không đồng đều trong tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu. Nhu cầu xăng, dầu diesel đã tăng trở lại với sự dẫn dầu của thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong khi nhu cầu nhiên liệu máy bay trên toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng đại dịch. Các nhà máy lọc dầu đã buộc phải trộn nhiên liệu máy bay với dầu diesel để tăng nguồn cung xăng. Điều này đã đẩy tỷ suất lợi nhuận tinh chế đi xuống.

Với việc một số nhà máy lọc dầu mới sẽ đi vào hoạt động ở Trung Đông và châu Á, Wood Mackenzie không kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của ngành lọc dầu sẽ phục hồi tốt hơn trong năm tới. Mức chênh lệch giữa các tiêu chuẩn dầu thu hẹp cũng gây ra những áp lực giảm tỷ suất lợi nhuận. Hầu hết dầu thô trong khối lượng cắt giảm 6,6 triệu thùng/ngày của OPEC+ là các loại dầu chua trung bình. Hạn chế sản xuất các loại dầu thô này đẩy giá của chúng tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn dầu Brent. Điều này làm giảm biên độ lợi nhuận của các nhà máy tinh chế dầu thô (chủ yếu ở châu Á) sử dụng các loại dầu thô này làm nguyên liệu đầu vào. Theo tổng hợp từ Wood Mackenzie, biên độ lợi nhuận lọc dầu trung bình toàn cầu cho đến nay là 1,8 USD/thùng, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của giai đoạn 2014-2019 là 4,25 USD/thùng.

Thứ hai, việc vận hành các dây chuyền lọc dầu mới chỉ làm nghiêm trọng hơn vấn đề dư thừa công suất lọc dầu, bất chấp việc đóng cửa của một số cơ sở lọc dầu thời gian gần đây. Dự kiến đến cuối năm 2022, lĩnh vực lọc dầu sẽ bổ sung thêm công suất 2 triệu thùng/ngày và thêm 1 triệu thùng/ngày công suất sản xuất nhiên liệu sinh học. Hiệu suất sử dụng công suất lọc dầu toàn cầu (thước đo chính về khả năng sinh lời của lĩnh vực này) sẽ chỉ đạt trung bình 75% trong năm nay, cao hơn mức 68% trong quý II/2020.

Thứ ba, lĩnh vực lọc dầu cần phải cải thiện về khả năng giảm phát thải carbon. Hiện nay, phát thải carbon phạm vi 1 và 2 liên quan đến hoạt động lọc dầu đang chiếm khoảng 5% tổng lượng phát thải trong ngành dầu khí. Lượng phát thải này chủ yếu được sinh ra trong các quá trình chưng cất và xử lý hóa học, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng. Để tạo ra sự khác biệt lớn, các cơ sở lọc dầu cần tiến hành các hoạt động thu gom và lưu trữ carbon cũng như điện khí hóa bằng nguồn điện sạch. Tuy nhiên, các cơ sở lọc dầu có thể tăng biên độ lợi nhuận bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng của mình. Đối với phát thải carbon phạm vi 3.60% lượng khí thải sinh ra từ quá trình đốt cháy các sản phẩm dầu là một thách thức khó khăn. Các tập đoàn Total Energies, Repsol và Eni đang hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu để tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học.

Thứ tư là điện khí hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải gây ra mối đe dọa lớn và lâu dài đối với hoạt động lọc dầu. Tốc độ điện khí hóa sẽ phụ thuộc vào tốc độ của quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo tính toán của Wood Mackenzie, ở kịch bản thông thường, nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trong vòng ít nhất một thập kỷ nữa và đạt mức đỉnh 108 triệu thùng/ngày vào giữa những năm 2030. Ở kịch bản AET-2 của Wood Mackenzie (tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng), nhiều cơ sở lọc dầu sẽ bị đóng cửa hàng năm. Các nhà máy lọc dầu chủ yếu sản xuất xăng, dầu diesel tại các thị trường có tốc độ điện khí hóa cao như Mỹ và Tây bắc Âu sẽ gặp khó khăn. Một số nhà máy lọc dầu nội địa ở Bắc Mỹ dễ bị tổn thương bởi sự tăng trưởng của lĩnh vực xe điện cũng như sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà máy lọc dầu ở Trung Đông và châu Á. Theo kịch bản AET-2, lĩnh vực lọc dầu sẽ ghi nhận giảm khoảng 150/700 cơ sở lọc dầu và giảm 70% công suất hoạt động đến năm 2050. Tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình có thể sẽ ở mức âm (lỗ). Chỉ có những nhà máy lọc dầu cạnh tranh nhất sẽ tồn tại và duy trì biên độ lợi nhuận ở mức dưới 5 USD/thùng.

Theo Wood Mackenzie, các nhà máy lọc dầu có cơ hội “sống sót” cao nhất là các nhà máy tích hợp ở ven biển, nằm trong các khu công nghiệp, chế biến nhiều loại nguyên liệu thô (dầu thô, sinh khối, chất thải) và vận hành carbon thấp (điện khí hóa, sản xuất hydro carbon thấp và ứng dụng công nghệ CCS). Các công ty dầu khí quốc gia vốn sở hữu nhiều tài nguyên dầu khí sẽ duy trì các tài sản lọc dầu như một phương tiện đảm bảo tiêu thụ dầu thô khai thác.

Tiến Thắng