Bản tin Năng lượng xanh: tham vọng thị trường xuất khẩu điện mặt trời và năng lượng tái tạo

14:00 | 23/11/2021

|
(PetroTimes) - Chile có tham vọng xuất khẩu điện mặt trời sang châu Á (Trung Quốc) thông qua cáp ngầm chiều dài tới 15.000 km trong khuôn khổ dự án Antipodas.
Bản tin Năng lượng xanh: tham vọng thị trường xuất khẩu điện mặt trời và năng lượng tái tạo

Nước này sở hữu sa mạc Atacama (mức độ bức xạ mặt trời cao nhất thế giới) có tiềm năng sản xuất 200-600GW điện mặt trời (PV). Điểm nhấn của dự án là có thể thay thế nguồn điện mặt trời Trung Quốc nhờ chênh lệch múi giờ, khi Chile ban ngày – Trung Quốc ban đêm. Xây dựng đường truyền tải điện ngầm chiều dài 15.000 km sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, riêng đoạn cáp ngầm 1.300 km đã có giá khoảng 2 tỷ USD. Hồi tháng 10, Ai Cập và Hy Lạp vừa ký thỏa thuận xây dựng tuyến cáp ngầm xuất khẩu điện mặt trời dài và sâu nhất thế giới qua Địa Trung Hải với chiều dài 1200 km.

Bloomberg NEF (BNEF) mới đây đã công bố báo cáo triển vọng về phát triển lĩnh vực lưu trữ năng lượng toàn cầu. Theo báo cáo, tổng công suất pin lưu trữ được sử dụng trong hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, lưới truyền tải điện và các ứng dụng khác (không bao gồm công suất thủy điện tích năng) sẽ đạt mức 358 - 1028 GWh vào cuối năm 2030, cao gấp 20 lần so với mức của năm 2020 là 17 - 34 GWh. BNEF ước tính, sự tăng trưởng “bùng nổ” này đòi hỏi khoản đầu tư lên tới 262 tỷ USD. Theo BNEF, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là hai thị trường lưu trữ năng lượng lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng dung lượng lưu trữ toàn cầu vào năm 2030. Những tham vọng về năng lượng sạch tại các địa phương tại Mỹ, Trung Quốc và của các công ty tiện ích đang thúc đẩy triển khai thêm nhiều dự án mới. Trung Quốc đặt mục tiêu lắp đặt thêm 30 GW công suất pin lưu trữ mới vào năm 2025. Các thị trường hàng đầu khác sẽ bao gồm Ấn Độ, Úc, Đức, Anh và Nhật Bản. Động lực phổ biến đối với lĩnh vực này sẽ là các chính sách hỗ trợ nhà nước, các cam kết khí hậu tham vọng và nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các nguồn điện ổn định, tin cậy.

Dự báo của BNEF cũng cho biết, 55% dung lượng lưu trữ năng lượng trong năm 2030 sẽ dành cho năng lượng gió và mặt trời. Pin lưu trữ điện năng ở các phân khúc dân dụng, thương mại và công nghiệp sẽ phát triển với tốc độ ổn định. Bộ lưu trữ năng lượng tại các gia đình và doanh nghiệp dự kiến sẽ chiếm khoảng 25% số lượng bộ lưu trữ toàn cầu vào năm 2030. Động lực chính sẽ là nhu cầu sử dụng điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ và điện dự phòng tăng cao.

Bản tin Năng lượng xanh: tham vọng thị trường xuất khẩu điện mặt trời và năng lượng tái tạo
Tổng công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu và của các nước trên thế giới. Nguồn: BloombergNEF.

Viễn Đông