Bàn luận về thỏa thuận LNG đầu tiên giữa Mỹ và Ukraine

09:00 | 19/06/2024

|
(PetroTimes) - Ukraine đã ký kết thỏa thuận với nhà phát triển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, Venture Global, sau khi có thông tin rằng Kiev sẽ không gia hạn thỏa thuận 5 năm với Gazprom của Nga vào cuối năm 2024.
Bàn luận về thỏa thuận LNG đầu tiên giữa Mỹ và Ukraine
Mô hình tàu chở dầu LNG trước lá cờ Hoa Kỳ. Hình minh họa REUTERS/Dado Ruvic

Điều gì đằng sau thỏa thuận LNG mới của chính quyền Kiev?

Công ty năng lượng DTEK Group của Ukraine ngày 13/6 thông báo đã đạt được thỏa thuận với Venture Global để mua lượng LNG chưa xác định từ cơ sở Plaquemines LNG của công ty khí đốt Mỹ ở Louisiana trong suốt năm 2026. Theo Financial Times, DTEK cũng cam kết mua tới 2 triệu tấn LNG mỗi năm từ nhà máy CP2 LNG mới của Venture Global trong 20 năm, sau khi cơ sở này được xây dựng xong.

“Tôi nghĩ hợp đồng này hoàn toàn vì mục đích chính trị” - Igor Yushkov, nhà phân tích hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và chuyên gia của Đại học Tài chính Chính phủ Liên bang Nga, nói với Sputnik -“việc mua khí đốt từ các nhà khai thác Mỹ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị đối với Ukraine. Bằng cách này, họ thể hiện lòng trung thành chính trị của mình với Hoa Kỳ”.

Chuyên gia này cho rằng DTEK có thể bán LNG cho các nước châu Âu khác. Một mặt, Ukraine không có trạm tái hóa khí để nhập khẩu LNG. Mặt khác, theo Yushkov, sẽ cần thêm kinh phí và nỗ lực để chuyển đổi LNG từ dạng lỏng sang dạng khí ở những nơi khác tại châu Âu và sau đó vận chuyển qua đường ống châu Âu trở lại Ukraine.

Chuyên gia nhấn mạnh: “Rất có thể sẽ không có lợi nhuận trong kế hoạch như vậy”, đồng thời nói thêm thỏa thuận này chủ yếu mang tính biểu tượng với việc DTEK đóng vai trò là nhà kinh doanh khí đốt.

Yushkov nói: “Ukraine từng làm điều này với than đá. Nước này mua than của Mỹ và làm nên một sự kiện lớn từ đó. Ukraine muốn chứng minh cho Mỹ thấy rằng họ có thể mang lại nhiều hữu ích với tư cách là một thị trường năng lượng”.

Theo Stanislav Mitrakhovich, chuyên gia hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và Đại học Tài chính cho biết, ngoài việc thể hiện sự ủng hộ của Kiev với Washington, thỏa thuận Mỹ-Ukraine có thể đóng vai trò là công cụ để các nhà khai thác LNG của Mỹ buộc Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu LNG.

Vào tháng 1, chính quyền Biden đã tạm dừng việc cấp giấy phép của Bộ Năng lượng (DoE) cho các dự án xuất khẩu LNG được đề xuất. Đảng Cộng hòa coi quyết định này là nỗ lực của ông Biden nhằm xoa dịu các nhà hoạt động vì khí hậu trước cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Mitrakhovich nói với Sputnik: “Khi cuộc bầu cử kết thúc, lệnh cấm này sẽ được hủy bỏ. Tất nhiên, ngành kinh doanh khí đốt muốn thấy lệnh cấm này được dỡ bỏ nhanh hơn và thỏa thuận với Ukraine không mang tính ràng buộc mà chỉ mang tính tuyên bố: Họ chỉ đặt mục tiêu dỡ bỏ lệnh cấm sớm hơn”.

Ukraine khó có thể ngăn chặn việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu

Thỏa thuận LNG của Ukraine được công bố trong bối cảnh Kiev liên tục tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận 5 năm với Gazprom của Nga về việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu khi hợp đồng này hết hạn vào cuối năm nay. Theo Politico, Brussels ra tín hiệu sẽ để thỏa thuận này hết hạn vì họ tự tin rằng có thể mua thêm khí đốt từ các nơi khác.

“Vẫn còn quá trình vận chuyển khí đốt đi từ Nga qua Ukraine sang phương Tây với khối lượng khoảng 15 tỷ mét khối khí mỗi năm. Quá trình vận chuyển khí có thể bị ngừng lại nhưng rất có thể, việc ngừng vận chuyển này sẽ không xảy ra ngay bây giờ vì trong trường hợp này Ukraine sẽ phải triển khai hệ thống vận chuyển khí đốt để hoạt động ở chế độ ngược lại”, Mitrakhovich giả định.

“Đây sẽ là một áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng kinh tế, hậu cần, xã hội và các lĩnh vực khác của Ukraine. Họ sẽ cố gắng tránh điều này bằng mọi giá, quá trình vận chuyển có thể được tiếp tục dưới một hoặc nhiều lý do pháp lý, chẳng hạn như các công ty phương Tây sẽ mua khí đốt từ biên giới của Nga và Ukraine”, chuyên gia nói.

Những người tiêu dùng khí đốt qua đường ống của Nga ở châu Âu dường như không lạc quan về khả năng tiếp cận nguồn khí tự nhiên mới. Trước đây, Áo, Slovakia, Ý, Hungary, Croatia, Slovenia và Moldova đã nhận khí đốt qua Ukraine.

Áo vẫn nhập phần lớn khí đốt từ Nga qua tuyến đường ống Ukraine. Các nước châu Âu khác tiếp tục nhận nhiên liệu của Nga thông qua Ukraine hoặc qua đường ống TurkStream. Trong tháng 5, lượng cung cấp khí đốt tự nhiên hàng ngày của Gazprom cho lục địa này đã tăng 7,3% so với tháng 4 và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Politico, một số công ty châu Âu được cho là đang đàm phán với Azerbaijan về việc cung cấp thêm khí đốt trong trường hợp quá trình vận chuyển khí qua Ukraine bị tạm dừng.

Mitrakhovich nói: “Điều này thật nực cười vì Azerbaijan không thể tăng sản lượng thêm 15 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm. Azerbaijan có mức khai thác hiện đang được sử dụng để xuất khẩu sang châu Âu thông qua tuyến đường qua Turkiye. Azerbaijan không thể tự khai thác thêm 15 bcm mỗi năm”.

Vào tháng 4, S&P Global đã báo cáo sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu LNG của Nga đã tăng lên vào năm 2024 khi việc vận chuyển khí qua đường ốngcủa Ngagiảm mạnh kể từ năm 2022 do lệnh cấm vận năng lượng của EU và vụ phá hủy đường ống Nord Stream.

Một nhà kinh doanh khí đốt của Pháp nói với S&P Global: “Với các nhà cung cấp chính khác của chúng tôi, chẳng hạn như Na Uy, đang hoạt động ở công suất tối đa, sẽ khó có thể đóng hoàn toàn dòng LNG của Nga. Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng”.

Theo trang web này, tính đến tháng 4, Nga đã cung cấp 4,89 triệu tấn LNG cho EU, tương đương hơn 16% tổng nguồn cung LNG của châu Âu là 33,65 triệu tấn, so với 12,7% trong 4 tháng đầu năm 2023.

Ngành năng lượng Ukraine đang chịu áp lực

Theo các chuyên gia, các tuyên bố của Kiev về hợp tác năng lượng với Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào hydrocarbon của Nga, cũng như các mối đe dọa ngừng vận chuyển khí đốt còn lại qua Ukraine, chủ yếu nhằm mục đích PR.

Mitrakhovich không loại trừ khả năng cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine có thể lọt vào tầm ngắm của Nga nếu chính quyền Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do NATO cấp để tấn công các cơ sở dầu khí bên trong Nga.

Mitrakhovich nói: “Ngành năng lượng Ukraine hiện đang chịu áp lực. Sự căng thẳng này có thể tăng lên bởi các cuộc tấn công quân sự bổ sung. Tôi nghĩ điều này có thể xảy ra, đặc biệt nếu Ukraine bắt đầu sử dụng tên lửa của phương Tây để phá hủy một số nhà máy lọc dầu ở Nga. Tôi nghĩ khi đó Ukraine có thể bị cắt điện”.

Trong khi đó, vào ngày 14/6, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình khác với Ukraine, nhấn mạnh Moscow sẵn sàng đàm phán nếu chính quyền Kiev bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mới của Nga, bao gồm các khu vực Donbass, Kherson và Zaporozhye trong phạm vi biên giới hành chính của nước này, cũng như từ bỏ ý định gia nhập NATO.

Châu Âu có duy trì được dòng chảy trong đường ống khí đốt Nga-UkraineChâu Âu có duy trì được dòng chảy trong đường ống khí đốt Nga-Ukraine
Ukraine quốc hữu hóa nhà máy lọc dầu của 'doanh nhân thân Nga'Ukraine quốc hữu hóa nhà máy lọc dầu của 'doanh nhân thân Nga'
Bằng cách nào Ukraine có thể mua LNG của MỹBằng cách nào Ukraine có thể mua LNG của Mỹ

Nh.Thạch

AFP