Alltech kết thúc dự án Pechora LNG

19:00 | 11/05/2020

|
(PetroTimes) - Pechora LNG là dự án sản xuất khí hóa lỏng của tập đoàn đầu tư tư nhân Alltech, LB Nga, bao gồm xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu LNG, hệ thống vận chuyển khí thiên nhiên, một cơ sở xử lý khí, cảng LNG xuất khẩu và 4 tàu phá băng lớp Bắc Cực vận tải LNG (trọng tải 170.000 tấn).
alltech ket thuc du an pechora lngCác ông lớn dầu khí vẫn mạnh tay đầu tư khai thác dầu ngoài khơi
alltech ket thuc du an pechora lngTại sao ngành công nghiệp Dầu khí không thể quá dựa dẫm vào Trung Quốc?
alltech ket thuc du an pechora lng

Tổng vốn đầu tư cho dự án từ 5,5-12 tỷ USD (theo tính toán từ năm 2012). Dự án nhận được sự quan tâm của các tập đoàn lớn như Gazprom, Rosneft và BP. Cơ sở tài nguyên của dự án là hai mỏ khí Kumzhinskoe và Korovinskoe tại khu tự trị Nhenhexky thuộc sở hữu của tập đoàn Alltech với tổng trữ lượng C1+C2 là 165 tỷ m3 khí đốt và 5,6 triệu tấn condensate. Sản lượng khai thác khí đốt dự kiến tại hai mỏ trên là 4,5-13,4 tỷ m3/năm.

Để thực hiện dự án, Alltech đã thành lập Công ty TNHH Pechora LNG (6/2011), vốn điều lệ 6 triệu rúp thuộc sở hữu của CH Invest và Euroseverneft (hai công ty con của Alltech). Vào tháng 9/2012, Alltech công bố kế hoạch vận hành nhà máy LNG vào quý IV/2018. Công suất thiết kế của dự án là 2,6-8 triệu tấn LNG/năm và định hướng xuất khẩu sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Tháng 5/2014, Rosneft và Alltech ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập liên doanh phát triển và kinh doanh khí đốt tại khu tự trị Nhenhexky. Tuy nhiên, thỏa thuận tham gia dự án Pechora LNG của Rosneft bị trì hoãn do dự án không được cấp phép xuất khẩu LNG. Tháng 12/2015, Rosneft thông qua công ty con là RN-Gaz tham gia góp vốn 180 triệu USD vào dự án, sở hữu 50,1% cổ phần, 49,9% cổ phần còn lại thuộc về CH Gas Pte Ltd, công ty con của Alltech, đăng ký tại Singapore.

Rosneft tham gia dự án Petrora LNG với mục tiêu xuất khẩu LNG của dự án thông qua hệ thống phân phối của Rosneft, đồng thời Rosneft lên kế hoạch sở hữu hai mỏ khí Layavozhskoe và Vaneivinskoe (trữ lượng 223 tỷ m3 và 82 triệu tấn condensate) làm cơ sở tài nguyên mới cho dự án. Tuy nhiên, kế hoạch của Rosneft thất bại do Gazprom thắng thầu sở hữu hai mỏ khí trên vào tháng 12/2016, chấm dứt tham vọng xây dựng nhà máy LNG đầu tiên của Rosneft, đồng thời hạn chế cơ sở tài nguyên của đối thủ sản xuất khí đốt NOVATEK tại khu tự trị Nhenhexky.

Tháng 9/2018, do không thấy triển vọng của Pechora LNG, Rosneft đã rút khỏi dự án khi giảm tỷ lệ sở hữu trong dự án xuống còn 1%, CH Gas Pt Ltd tăng tỷ lệ sở hữu lên 99%. Tính đến 1/3/2020, CH Gas Pt Ltd sở hữu 100% dự án cũng như Công ty TNHH Pechora LNG.

Tháng 9/2019, sau một thời gian dài không thể phát triển dự án do không đủ năng lực, Alltech đã rao bán nguồn tài nguyên của dự án Pechora LNG là hai mỏ khí Korovinskoe và Kumzhinskoe. Theo nguồn tin báo chí thì Gazprom có thể trở thành chủ sở hữu mới của hai mỏ khí trên. Alltech là tập đoàn đầu tư tư nhân, được thành lập vào năm 1993 bởi nhóm sinh viên tốt nghiệp Đại học tổng hợp kỹ thuật Matxcơva mang tên Bauman. Chiến lược của Alltech là đầu tư mạo hiểm vào các dự án có lợi nhuận và rủi ro cao bằng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay. Lĩnh vực hoạt động chính của Alltech gồm: dầu khí, than đá, bất động sản và thương mại. Alltech sở hữu một số tài sản tại khu vực Timan-Pechora, Đông Siberia và trên đảo Sakhalin. Tính đến nay, Alltech chỉ còn sở hữu hai mỏ khí nêu trên và công ty than Sibanthracite, Đông Siberia.

Chủ tịch tập đoàn Alltech Dmitry Bosov được phát hiện là đã tự sát vào ngày 6/5/2020. Có thể thấy việc Alltech rao bán nguồn tài nguyên khí thiên nhiên của dự án Pechora LNG đã đánh dấu chấm hết cho dự án LNG đầy triển vọng và nhận được nhiều sự quan tâm trong giai đoạn 2009-2012 tại Nga. Rất có thể Gazprom sẽ là chủ sỡ hữu tiếp theo của hai mỏ khí Korovinskoe và Kumzhinskoe để gia tăng trữ lượng tài nguyên khí đốt tại khu tự trị Nhenhexky.

Phạm TT