Tại sao ngành công nghiệp Dầu khí không thể quá dựa dẫm vào Trung Quốc?
![]() |
Các nhà phân tích thị trường dầu mỏ của Mỹ và châu Âu dường như đang đặt hy vọng thị trường châu Á phục hồi nhu cầu. Ngay cả các tổ chức tài chính quốc tế, như IMF, WB, ECB và OECD chỉ ra rằng kinh tế có tăng trưởng hay không, nhu cầu năng lượng có phục hồi hay không, tất cả đều phụ thuộc vào tương lai của Trung Quốc và sau đó là Ấn Độ.
Sau nhiều thập kỷ “ưu ái” những nước phương Tây, các nhà sản xuất dầu khí của OPEC, đã thay đổi chiến lược chuyển sang đầu tư nắm bắt hai thị trường này. Trước Covid-19, Trung Quốc đã là trung tâm thương mại, trung tâm đầu tư và trung tâm có tầm ảnh hưởng địa chính trị của toàn cầu. Phớt lờ những tín hiệu cảnh báo về thực trạng kinh tế và tài chính đáng báo động của Trung Quốc, các nhà đầu tư lớn vẫn nhắm Trung Quốc là nơi đầu tư đầu tiên. Bất chấp mối lo lắng về việc Bắc Kinh sẽ mở rộng địa chính trị ở Biển Đông và tác động tiêu cực của sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, các quốc gia và các tập đoàn lớn vẫn lao vào đầu tư cho Trung Quốc. Các nhà sản xuất thuộc bán đảo Ả Rập cũng đầu tư vào Trung Quốc, với hơn 50% tổng số vốn đầu tư. Trung Quốc đưa ra lý lẽ vô cùng thuyết phục với bất kỳ nhà đầu tư nào “Trung Quốc sẽ luôn là đối tác quan trọng của bạn nhờ dân số đông và tầm ảnh hưởng kinh tế chính trị. Sau đó Covid-19 xuất hiện. Vẫn chưa thấy rõ mức thiệt hại thực sự mà Covid-19 gây ra, chủ yếu người ta chỉ biết chính phủ các nước đã phải chi hàng tỷ đô la hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên Covid-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ các mối quan hệ địa chính trị và nhiều tuyến đường thương mại quan trọng. Bây giờ mọi người đã thấy rõ “tầm ảnh hưởng” của Trung Quốc, mức độ nguy hiểm của việc dựa dẫm tin tưởng quá nhiều vào chỉ một quốc gia về cả lĩnh vực kinh tế cũng như an ninh. Rất có khả năng nền kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi trong hệ thống kinh tế toàn cầu, nhất là đối với sản xuất và thương mại, điều này sẽ vô cùng bất lợi cho Trung Quốc trong tương lai. Để giảm thiểu và đối phó với những cuộc khủng hoảng và đại dịch, các nền kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào một quốc gia. Đối với những nhà sản xuất dầu, đặc biệt là các nhà sản xuất thuộc bán đảo Ả Rập và Nga, thật nguy hiểm khi dựa vào Trung Quốc để tiêu thụ phần lớn sản lượng dầu trong tương lai. Giống như ngành đá phiến của Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào kho Cushing nên phải trả giá khi giá WTI giảm xuống mức âm, các nhà sản xuất thuộc bán đảo Ả Rập cũng như vậy bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu dầu của Trung Quốc sụt giảm.
Bây giờ, những nước đang tìm lối thoát cho nền kinh tế cần “nối gót” các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xem xét lại dự án đầu tư sắp tới và các chương trình tài chính hiện tại, đặt trung tâm sản xuất mới ngoài lãnh thổ Trung Quốc hoặc đưa ngành công nghiệp và sản xuất về nước. Điều này nghe có vẻ giống như chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của Trump, nhưng chính điều này đã được nhiều đảng châu Âu áp dụng để đối phó với những ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Chính sách “Tiếp tục phát triển châu Âu lớn mạnh” (MEGA), được thực hiện trong điều kiện châu Âu thiếu hụt hàng hóa của Trung Quốc, đã thu hút sự quan tâm của mọi người. Các ngành sản xuất ô tô, hóa chất và y tế đang cân nhắc lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Rõ ràng điều đang bàn luận ở đây là các nước nên đưa những cơ sở sản xuất của mình về nước hoặc thành lập các cơ sở mới ở Ấn Độ, Ai Cập..., những nơi có trình độ công nghệ cao, trình độ học vấn cao và chi phí thấp.
Các nước OPEC nên lùi một bước và nhìn lại Trung Quốc mỗi khi Trung Quốc đề cập đến lợi ích kinh tế. OPEC và Nga nên cân nhắc một số hướng đi mà các nước trong tổ chức OECD đã áp dụng trước. Nếu không có biện pháp thay đổi, tương lai dầu khí của OPEC sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu dầu của Trung Quốc ngày càng giảm hơn nữa.
![]() |
![]() |
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/
Yến Phạm