Xung đột Iran - Israel: Giá dầu tăng chỉ là tạm thời?

17:48 | 15/04/2024

|
(PetroTimes) - Cuộc xung đột chưa từng có của Iran và Israel, đã làm gia tăng mối lo ngại về thị trường dầu mỏ, nơi vốn đã bất ổn do xung đột và căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không có nhiều khả năng rằng giá dầu tăng cao trong thời gian dài.
Xung đột Iran - Israel: Giá dầu tăng chỉ là tạm thời?
Hình minh họa

Các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ bị gián đoạn nếu xung đột giữa Israel và Hamas của Palestine ở Dải Gaza lan sang các nước láng giềng, đặc biệt là Iran.

Vào hôm Chủ nhật 14/4, Tehran kêu gọi Israel không được phản ứng quân sự trước cuộc xung đột vào ngày hôm trước. Họ xem đây là phản ứng chính đáng đối với sự việc phá hủy lãnh sự quán ở Damascus vào hôm 1/4.

Tuy nhiên, phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng “nếu Israel tiếp tục mắc sai lầm, Iran sẽ phản ứng quyết liệt hơn”.

Israel cũng đã tuyên bố đã chặn được “99% các phát súng của Iran”.

Giá dầu đã tăng cao vào hôm thứ Sáu tuần trước, ngay trước vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran nhằm vào Israel vào tối ngày hôm sau. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi nguy cơ leo thang căng thẳng khu vực và khả năng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ cả hai quốc gia.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao vào tháng 6 đã tăng 0,79% trong phiên giao dịch ngày hôm thứ Sáu tuần trước, chốt phiên ở mức 90,45 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, giá dầu đã có lúc lên tới 92,18 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10.

Ông Kamel al-Harami, chuyên gia dầu mỏ người Kuwait, tin rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ Hai 15/4. Ông dự đoán mức giá có thể lên tới 95 USD/thùng. Tuy nhiên, ông cũng cho biết còn quá sớm để khẳng định liệu đây có phải là xu hướng lâu dài hay không.

Ông nói: “Chúng ta vẫn chưa rõ tương lai như thế nào, và không biết liệu rằng Israel sẽ phản ứng như thế nào, liệu Iran có dùng đến biện pháp ngừng cung cấp dầu mỏ để đáp trả không”.

Một số dự đoán

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Cộng hòa Hồi giáo là nhà khai thác dầu thô lớn thứ bảy thế giới vào năm 2022, và có trữ lượng dầu đã được xác minh lớn thứ ba, chỉ sau Venezuela và Ả Rập Xê-út.

Ngoài ra, theo ông Harami, Tehran cũng có nhiều biện pháp để gây rối thị trường, chẳng hạn như làm gián đoạn đường vận chuyển hàng hải ở eo biển Hormuz hoặc gây áp lực lên các nước như Iraq để giảm nguồn cung.

Chuyên gia này đã đề cập đến “một số dự đoán có thể xảy ra”. Nhưng theo ông, nỗi lo sợ là “Iran sẽ ngừng xuất khẩu dầu hoặc phá hủy các cơ sở khai thác dầu”.

Hậu quả của cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas ở Gaza trong hơn sáu tháng, cũng như những căng thẳng và xung đột địa chính trị khác trên thế giới như ở Ukraine, đã khiến giá dầu tăng cao.

Kể từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi ở Yemen đã liên tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào tàu buôn trên Biển Đỏ. Hành động này nhằm bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với người Palestine trong cuộc xung đột tại Dải Gaza.

Từ tháng 1/2024, Mỹ và Vương quốc Anh đã trả đũa phiến quân Houthis, làm trầm trọng thêm lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực.

Một sự gián đoạn lâu dài “khó có thể xảy ra”

Ông Anas al-Hajji, chuyên gia dầu mỏ Texas, cho biết sự lo ngại về các mối đe dọa của Iran đối với Israel là một phần nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng trong những tuần gần đây. Điều đó có nghĩa là bất kỳ tác động bổ sung nào lên giá dầu sẽ là “hạn chế và ngắn hạn”.

Ông Ole Hansen, Giám đốc tại Ngân hàng Saxo cho biết, giá cả có thể tiếp tục tăng do các diễn biến xung quanh Iran ở eo biển Hormuz, nơi kết nối Vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương.

Theo nhà phân tích Ellen Wald “Những lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trừ khi có sự gián đoạn lớn đối với dòng chảy dầu mỏ từ Vịnh Ba Tư, đây là điều rất khó xảy ra, nhưng nó sẽ không phải là thảm họa về mặt kinh tế”.

Bà nói thêm, các dự đoán có thể dẫn đến tăng giá trong dài hạn, chẳng hạn như cuộc tấn công của Israel vào cơ sở khai thác dầu hoặc cơ sở hạ tầng xuất khẩu của Iran dẫn đến mất điện lớn vẫn “cực kỳ khó xảy ra”.

Cuộc xung đột Iran - Israel làm đảo lộn dự tính về giá dầu của OPEC+Cuộc xung đột Iran - Israel làm đảo lộn dự tính về giá dầu của OPEC+

Nh.Thạch

AFP