Việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt

16:06 | 23/04/2024

|
(PetroTimes) - Nếu căng thẳng Iran - Israel leo thang dẫn đến việc đóng cửa eo biển Hormuz, điều này sẽ khiến giá dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng vọt.
Việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt

Cảnh báo kể trên đến từ các nhà phân tích của Công ty Dịch vụ Tài chính Motilal Oswal Ấn Độ.

Công ty này thừa nhận rằng những nỗ lực giảm leo thang sẽ giúp tránh tăng giá nhưng lưu ý đến tầm quan trọng của eo biển Hormuz, nơi hiện xử lý 21 triệu thùng dầu thô và các loại hàng hóa năng lượng lỏng khác mỗi ngày.

Trong trường hợp đóng cửa, việc tìm kiếm các tuyến đường thay thế sẽ gần như không thể thực hiện được.

Trên thực tế, nguy cơ Iran đóng cửa eo biển Hormuz nằm ngoài khơi nước này đã đeo bám thị trường dầu mỏ quốc tế trong nhiều năm. Iran từng nhiều lần đe dọa làm điều này, tuy nhiên, họ chưa bao giờ thực hiện, có thể vì việc đóng cửa Hormuz cũng trực tiếp làm mất cơ sở tiếp cận thị trường dầu mỏ của chính Iran.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, trong khi các nhà giao dịch dường như đang chú ý nhiều hơn đến thị trường dầu mỏ, thì khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ chứng kiến ​​giá tăng mạnh hơn.

Nhóm phân tích bình luận: "Trong khi các nhà đầu tư tập trung vào dầu mỏ, chúng tôi tin rằng giá LNG giao ngay sẽ còn tăng giá mạnh hơn nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa do không có tuyến đường thay thế".

Dầu từ UAE và Ả Rập Xê-út có các tuyến đường thay thế qua Biển Đỏ, nhưng không có tuyến đường nào như vậy dành cho LNG.

Eo biển Hormuz xử lý khoảng 20% ​​lượng dầu thô mà thế giới tiêu thụ hàng ngày. Năm ngoái, tỷ lệ trung bình hàng ngày ở mức khoảng 20,5 triệu thùng, theo dữ liệu Vortexa được Reuters trích dẫn.

Đối với LNG, eo biển Hormuz là cửa ngõ chính của Qatar cho thị trường toàn cầu, xử lý gần như toàn bộ lượng hàng xuất khẩu của nước này. Theo số liệu của Vortexa, sản lượng LNG hàng năm đi qua nút thắt này năm ngoái là khoảng 80 triệu tấn, bằng 1/5 tổng sản lượng toàn cầu.

Bình An

OP