Trung Quốc yêu cầu các công ty nhà nước giảm tiêu thụ năng lượng
![]() |
Theo đó, các công ty do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc phải cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD) giá trị sản lượng vào năm 2025 xuống thấp hơn 15% so với mức đã nhìn thấy vào năm 2020, hãng Reuters dẫn tuyên bố của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC).
Cơ quan giám sát tài sản này cho biết, lượng khí thải CO2 tại các công ty nhà nước trên mỗi 1.570 USD giá trị sản lượng cũng phải giảm 18%vào năm 2025 so với năm 2020.
Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, và có mục tiêu tạm thời là phát thải CO2 đạt đỉnh trước năm 2030.
Hồi đầu năm nay, giới chức Trung Quốc đã ra chỉ thị cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như lọc dầu, luyện thép, sản xuất nhôm và xi măng phải đảm bảo rằng hơn 30% công suất của họ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về hiệu quả năng lượng.
Bất chấp các cam kết giảm phát thải và chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo, Trung Quốc vẫn tiếp tục dựa vào than khi nền kinh tế nước này phục hồi sau cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra vào năm 2020 nhanh hơn dự kiến. Trung Quốc tiếp tục bổ sung công suất than vào năm 2020, trước sự phẫn nộ của các nhà môi trường.
Sự phục hồi kinh tế từ đại dịch đang đưa sản lượng điện than lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2021, với nhu cầu than toàn cầu có thể sẽ đạt mức cao mới trong năm tới, làm suy yếu các nỗ lực không phát thải ròng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo về than thường niên năm 2021.
IEA nói rằng, sự sụt giảm nhu cầu than vào năm 2020 trên thực tế lại nhỏ hơn dự đoán, vì sự phục hồi của Trung Quốc bắt đầu sớm hơn dự kiến và mạnh hơn dự báo ban đầu.
Trong hai năm tới, nhu cầu than toàn cầu thậm chí có thể xác lập kỷ lục mới khi các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng tiêu thụ.
Bình An