Trung Quốc xúc tiến bán hàng chục lô hàng LNG

09:46 | 21/01/2022

|
(PetroTimes) - Các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn của Trung Quốc hiện đang đề nghị bán lại một số hàng hóa trên thị trường giao ngay trong năm nay, cho thấy rằng Trung Quốc đã tích trữ đủ nhiều để có thể vượt qua mùa đông và giảm bớt lo ngại về tình trạng khủng hoảng khí đốt toàn cầu.
Trung Quốc xúc tiến bán hàng chục lô hàng LNG

Giá khí đốt tự nhiên đã giảm vào thứ Tư và thứ Năm sau khi xuất hiện báo cáo rằng các nhà nhập khẩu LNG thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc đã chuyển sang thị trường giao ngay để bán một số hàng hóa.

Chi nhánh thương mại của Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), đã ban hành trong tuần này một gói thầu bán hàng chục lô hàng LNG để giao hàng từ tháng 2 đến tháng 10, các thương nhân nói với Bloomberg hôm 19/1.

Theo đó, đây sẽ là lần đầu tiên Sinopec chào bán số lượng lớn hàng hóa LNG như vậy.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Trung Quốc, cũng đang đấu thầu một lô hàng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 11.

Các động thái từ một số nhà nhập khẩu LNG lớn nhất ở Trung Quốc cho thấy nước này đã quản lý được nguồn dự trữ khí đốt tốt trước khi cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt vào cuối năm ngoái. Thời tiết ôn hòa hơn ở Trung Quốc vào mùa đông năm nay cũng giúp Bắc Kinh có nguồn cung khí đốt thoải mái.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch lo lắng rằng việc chào bán LNG có thể báo hiệu kỳ vọng từ các công ty nhà nước của Trung Quốc rằng chính sách "Zero Covid" có thể ảnh hưởng đến nhu cầu khí đốt ở nước này, Bloomberg lưu ý.

Trong khi đó, dòng chảy của hàng hóa LNG đến châu Âu đã bù đắp lo ngại về nguồn cung của Nga thấp và căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng khiến giá khí đốt của châu Âu giảm vào thứ Tư.

Dòng chảy LNG đã đẩy giá khí đốt của châu Âu xuống thấp hơn, bất chấp các xu hướng địa chính trị như căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, sự chậm trễ tại dự án Nord Stream-2, và dòng chảy về phía đông trên tuyến đường ống quan trọng Yamal-Europe chưa hẹn ngày trở lại.

Bình An