Trung Quốc vượt Mỹ để chiếm lĩnh thị trường sản phẩm dầu mỏ tại châu Á-Thái Bình Dương

17:59 | 05/04/2021

|
(PetroTimes) - Sự tăng trưởng mạnh sản lượng tinh chế dầu thô của Trung Quốc, giúp nước này từng bước chiếm lĩnh thị phần từ các công ty dầu khí hàng đầu thế giới (majors) của Mỹ/phương Tây tại các thị trường tiêu thụ tại châu Á - Thái Bình Dương.
“Cuộc đấu” tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc“Cuộc đấu” tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc
Trung Quốc trở thành quốc gia lọc dầu số 1 thế giớiTrung Quốc trở thành quốc gia lọc dầu số 1 thế giới

Bất chấp đại dịch Covid-19, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng sản lượng trong năm 2020 và vượt Mỹ về sản lượng lọc dầu vào cuối năm 2020 để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về lọc dầu. Bước sang năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong quý I/2021, thay thế dần các sản phẩm dầu mỏ của các công ty dầu khí hàng đầu thế giới của Mỹ/phương Tây tại khu vực châu Á.

Trung Quốc vượt Mỹ để chiếm lĩnh thị trường sản phẩm dầu mỏ tại châu Á-Thái Bình Dương

Sản xuất và xuất khẩu cùng tăng trưởng

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, khối lượng lọc dầu trong năm 2020 của nước này đạt 674,41 triệu tấn (trung bình đạt 13,45 triệu thùng/ngày), tăng hơn 410.000 thùng/ngày so với năm 2019.

Sau sự sụt giảm sản lượng trong quý I/2020, ngành lọc dầu của Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và nhu cầu về các sản phẩm dầu mỏ tăng trở lại. Trong tháng 11/2020, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 14,2 triệu thùng/ngày và duy trì ở mức cao trong tháng 12/2020 ở mức 14,12 triệu thùng/ngày. Theo công ty tư vấn dầu khí SIA Energy (Trung Quốc), các khoản đầu tư lớn của chính quyền vào những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, chính sách kích thích xuất khẩu hàng hóa và tiêu dùng nội địa đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi nhanh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong năm 2020, các nhà máy lọc dầu độc lập và các nhà máy thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của việc giá năng lượng thấp, gia tăng đáng kể nhập khẩu dầu và sản phẩm dầu mỏ trên thị trường. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ toàn diện không chỉ cho khối doanh nghiệp nhà nước mà còn cho các công ty tư nhân đã đầu tư vào hiện đại hóa sản xuất và xây dựng các tổ hợp hóa dầu mới. Đối với các nhà máy lọc dầu độc lập, chính quyền nước này đã cho phép tăng hạn ngạch mua nguyên liệu thô ở nước ngoài và cho phép xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ.

Kết quả là Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong nửa cuối năm 2020 và trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản lượng lọc dầu. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, hiệu quả sản xuất của các dây chuyền lọc dầu hiện đại của Trung Quốc cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ. Hiện tại có 4 tổ hợp hóa dầu lớn đang được xây dựng tại Trung Quốc, sẽ nâng tổng công suất lọc dầu của nước này thêm 1,2 triệu thùng/ngày. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm dầu mỏ thông thường như xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay, các khu phức hợp hóa dầu mới sẽ sản xuất ethylene và propylene - những sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất các sản phẩm hóa dầu, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh tại các nước châu Á khác.

Nhờ sản lượng gia tăng từ đầu năm, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, chủ yếu sang các thị trường trong khu vực châuÁ-Thái Bình Dương. Theo dữ liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đạt 10,96 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu xăng trong hai tháng đầu năm nay đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,54 triệu tấn. Xuất khẩu dầu diesel đạt 3,44 triệu tấn, giảm chưa đến 1% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 3 vừa qua, dữ liệu sơ bộ của cơ quan này cho thấy, xuất khẩu nhiên liệu động cơ của nước này ra các thị trường khu vực tiếp tục tăng mạnh do nguồn dự trữ lớn và nhu cầu tiêu thụ tăng ở các nước châu Á.

Mỹ đánh mất vị trí dẫn đầu

Khác với Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã giảm sản lượng lọc dầu trong thời gian đại dịch. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ có thể giành lại vị trí dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực lọc dầu trong năm 2021. Tuy nhiên về dài hạn, Trung Quốc sẽ chiếm vị trí số 1 thế giới về lọc dầu trong bối cảnh nhu cầu trong nước và các nước châu Á ngày càng tăng.

Nhu cầu đối với sản phẩm dầu mỏ giảm do các biện pháp hạn chế được áp dụng trong thời gian đại dịch đã khiến lợi nhuận của hoạt động lọc dầu giảm mạnh và buộc các công ty Mỹ phải giảm tải các nhà máy lọc dầu hoặc ngừng sản xuất hoàn toàn. Vào cuối năm 2020, nhà máy lọc dầu Convent (thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Shell) với công suất 240.000 thùng/ngày ở bang Louisiana đã phải ngừng hoạt động. Kể từ khi nhà máy lọc dầu này đi vào hoạt động từ năm 1967, nó đã tinh chế một lượng dầu nhiều hơn 35 lần so với tất cả các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cộng lại.

Bên cạnh đó, do hậu quả của những đợt lạnh khắc nghiệt, các nhà máy lọc dầu được trang bị kỹ thuật hiện đại nhất tại miền nam nước Mỹ, gần bờ biển Vịnh Mexico, tại bang Texas và các bang lân cận khác đã bị hư hại nghiêm trọng. Theo thông tin từ giới truyền thông Mỹ, trong các đợt lạnh giá khắc nghiệt, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã giảm sản lượng lọc dầu 2,6 triệu thùng /ngày, xuống còn 1,22 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một số nhà phân tích cho rằng, những thiệt hại gây ra cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ trong những đợt lạnh khắc nghiệt vừa qua sẽ khiến nước này mất đi vĩnh viễn vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực lọc dầu.

Majors phương Tây đang mất cạnh tranh tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương

Vào cuối năm 2020, tập đoàn dầu khí Shell đã công bố kế hoạch giảm 50% sản lượng và nhân sự tại nhà máy lọc dầu Pulau Bukom, công suất 500.000 thùng/ngày tại Singapore. Việc cắt giảm sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn cho đến năm 2023. Ngoài Shell, một số majors khác ngày càng thấy khó cạnh tranh với các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc trên thị trường châu Á – Thái Bình Dương.

Tại Úc, ngày càng có nhiều sự lo ngại về sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp các sản phẩm dầu mỏ từ Trung Quốc. Nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Quốc tiếp tục tăng bất chấp sự leo thang căng thẳng trong quan hệ chính trị giữa Úc và Trung Quốc. Quan hệ hai nước đã leo thang căng thẳng sau khi các nhà chức trách Úc cáo buộc phía Trung Quốc cố tình che dấu thông tin về sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và sự lây lan đại dịch ra bên ngoài Trung Quốc. Trong năm 2020, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu từ Trung Quốc sang Úc đạt 300.000 tấn. Cần lưu ý rằng, con số này trong năm 2011 chỉ đạt vài nghìn tấn.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty dầu khí Trung Quốc đã buộc các tập đoàn dầu khí BP và ExxonMobil lần lược thông báo về việc chuẩn bị đóng cửa các nhà máy lọc dầu của mình ở Kiwan và Altona, Úc. Một trong bốn nhà máy lọc dầu của Úc (thuộc sở hữu của Viva Energy) đang trên bờ vực phá sản, song vẫn tiếp tục hoạt động nhờ sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Úc.

Úc hiện không có triển vọng thay thế nguồn cung xăng dầu từ Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, công suất lọc dầu của Trung Quốc sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong vòng 2 năm tới. Cũng trong khoảng thời gian sắp tới này, một số nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị đóng cửa với tổng công suất cắt giảm là 1,2 triệu thùng/ngày. Vì vậy, Trung Quốc sẽ ngày càng chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ tại khu vực châuÁ - Thái Bình Dương, khiến các majors và các nhà máy lọc dầu trong khu vực không còn khả năng cạnh tranh.

Viễn Đông