Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu

15:00 | 04/02/2021

|
(PetroTimes) - Nhờ việc tăng hạn ngạch nhập khẩu đối với các nhà máy lọc dầu độc lập, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 1/2021 đã tăng 1/3 so với tháng 12/2020.
Liệu sắp tới Trung Quốc còn cần khí của Nga và Trung Á như hiện nayLiệu sắp tới Trung Quốc còn cần khí của Nga và Trung Á như hiện nay
Trung Quốc tăng gấp đôi xây dựng các cơ sở năng lượng mặt trời và năng lượng gióTrung Quốc tăng gấp đôi xây dựng các cơ sở năng lượng mặt trời và năng lượng gió
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu

Dự trữ dầu thô ngày càng tăng đang là một yếu tố cản trở tăng trưởng nhập khẩu của nước này. Chính quyền Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục chính sách tự do hóa trong lĩnh vực lọc dầu nhưng sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát giá các sản phẩm dầu mỏ.

Các cơ sở lọc dầu độc lập tăng nhập khẩu

Theo số liệu của Refinitiv, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 1/2021 lên tới gần 12 triệu bpd, cao hơn 33% so với lượng nhập khẩu tháng 12/2020 ở mức 9,06 triệu bpd. Sản lượng nhập khẩu tăng nhanh ngay trong tháng đầu năm mới được cho là xuất phát từ việc chính quyền nước này tăng hạn ngạch nhập khẩu cấp cho các nhà máy lọc dầu độc lập. Trong tháng 11/2020, Chính phủ Trung Quốc đã cấp hạn ngạch năm 2021 cho các nhà máy lọc dầu độc lập là 4,88 triệu bpd (244 triệu tấn cho cả năm), tăng 21% so với hạn ngạch năm 2020.

Theo các nguồn tin của Trung Quốc, vào cuối năm 2020, các công ty dầu khí độc lập lớn nhất của nước này đã sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu dầu thô được cấp, dẫn đến việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thô cho các nhà máy lọc dầu trong tháng 12/2020. Các tàu chở dầu cập cảng Trung Quốc buộc phải chờ đến tháng 1/2021 để dỡ hàng. Theo S&P Platts, các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc đã tăng đáng kể lượng dầu nhập khẩu trong năm 2020 lên 188,1 triệu tấn, cao hơn 42,2% so với năm 2019. Trong năm 2019 và 2018, nhập khẩu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu độc lập đã tăng lần lượt là 25% và 13,9%.

Bất chấp sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu do khủng hoảng đại dịch Covid-19 gây ra, tổng sản lượng nhập khẩu dầu thô của nước này năm 2020 đã tăng 7,3% so với năm 2019 và đạt kỷ lục 542,4 triệu tấn. Từ năm 2006, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu theo đuổi chính sách tự do hóa đối với các nhà máy lọc dầu độc lập. Khi nhận được cơ hội nhập khẩu dầu thô, các nhà máy lọc dầu độc lập đã bắt đầu mở rộng và hiện đại hóa sản xuất.

Trong 5 năm qua, tổng công suất lọc dầu ở Trung Quốc đã tăng 2,7 triệu bpd, chủ yếu đến từ khu vực tư nhân. Hai doanh nghiệp tư nhân sở hữu các nhà máy lọc dầu lớn nhất là Hengli Petrochemical (sở hữu nhà máy lọc dầu công suất 400.000 bpd) và Rongsheng (tổng công suất lọc dầu đạt 800.000 bpd). Sự tăng trưởng về công suất của các nhà máy lọc dầu đã đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong thời gian đại dịch và góp phần vào sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc.

Chiến thuật ảnh hưởng

Hầu hết các chuyên gia dầu khí nhận định rằng, sự gia tăng công suất và sản lượng lọc dầu sẽ đảm bảo sản lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc ở mức cao trong năm 2021. Tuy nhiên, điều này sẽ còn phụ thuộc vào khối lượng dự trữ trong các kho dự trữ dầu chiến lược và thương mại.

Các lô hàng chở dầu đến Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sau khi giá dầu lao dốc mạnh vào tháng 3/2020 do cuộc chiến giá dầu giữa KSA và Nga và sự bùng phát của đại dịch. Kết quả là giá dầu trung bình đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng thời cơ này, bắt đầu mua dầu thô với khối lượng vượt quá nhu cầu quốc gia và công suất của các nhà máy lọc dầu. Toàn bộ lượng dầu dư thừa được chuyển đến các kho dự trữ chiến lược và thương mại.

Theo nhiều ước tính khác nhau, các cơ sở dự trữ dầu thô của Trung Quốc trong năm 2020 đã nạp trung bình 1,29 triệu bpd. Kho dự trữ dầu thô chiến lược và thương mại của Trung Quốc đã tăng khoảng 65 triệu tấn. Trong trường hợp giá dầu tăng đáng kể, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể sử dụng lượng dự trữ tích lũy và giảm nhập khẩu dầu, do đó hạn chế sự gia tăng giá trên thị trường thế giới.

Chính sách tự do hóa sẽ tiếp tục được duy trì

Chính quyền Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách linh hoạt đối với các công ty dầu mỏ, kết hợp chính sách tự do hóa và kiểm soát giá cả. Nhiệm vụ chính mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cho các nhà máy lọc dầu là đảm bảo đầy đủ nguồn cung cho thị trường nội địa các sản phẩm dầu mỏ cần thiết. Các nhà máy lọc dầu cũng phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường, phấn đấu giảm phát thải các chất độc hại. Đồng thời, điều quan trọng là phải đảm bảo tăng trưởng sản xuất, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, chính quyền nước này cũng đang cảnh giác với tự do hóa ngành lọc dầu. Các nhà máy lọc dầu độc lập đã tăng đáng kể hạn ngạch nhập khẩu dầu, nhưng rất ít nhà máy trong số đó được cấp phép xuất khẩu, bất chấp nguy cơ sản xuất dư thừa và tình trạng cung vượt cầu tại thị trường nội địa. Chính phủ Trung Quốc sẽ không hoàn toàn từ bỏ kiểm soát giá đối với các sản phẩm xăng dầu, nhưng sẽ tiếp tục tự do hóa thị trường và nâng dần vai trò của các nhà máy lọc dầu độc lập trên thị trường sản phẩm xăng dầu nội địa.

Ngoài ra, giao dịch dầu thô tương lai trên Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE) sẽ tiếp tục phát triển. Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ do đại dịch Covid-19 gây ra, khối lượng dầu thô được giao dịch trên INE tăng đáng kể nhờ các chính sách tự do hóa của Trung Quốc. Các nhà máy lọc dầu độc lập đang ngày càng mua các nguyên liệu thô cần thiết từ INE, nơi các giao dịch được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ.

Trong năm 2020, Trung Quốc đã củng cố vị trí dẫn đầu trong thị trường năng lượng toàn cầu. Các nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc là KSA (84,92 triệu tấn) và Nga (83,57 triệu tấn).

Viễn Đông