Trung Quốc tăng gấp đôi xây dựng các cơ sở năng lượng mặt trời và năng lượng gió

15:00 | 27/01/2021

|
(PetroTimes) - Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, nước này đã tăng gần gấp đôi việc xây dựng các cơ sở năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới trong năm 2020. 71,67 GW công suất điện gió đã được lắp đặt, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019.
IFM Investors chào mua một phần gã khổng lồ năng lượng Tây Ban Nha với giá 5 tỷ euroIFM Investors chào mua một phần gã khổng lồ năng lượng Tây Ban Nha với giá 5 tỷ euro
Chuyển đổi xanh toàn cầu: Thế giới sẽ vận hành như thế nào?Chuyển đổi xanh toàn cầu: Thế giới sẽ vận hành như thế nào?
Trung Quốc tăng gấp đôi xây dựng các cơ sở năng lượng mặt trời và năng lượng gió

Tăng trưởng được thúc đẩy nhờ chính phủ Trung Quốc tuyên bố chấm dứt trợ cấp cho các dự án điện gió mới trên đất liền từ năm 2021. Công suất điện mặt trời đã tăng thêm 48,2 GW (dự tính 40 GW) sau 2 năm sụt giảm. Đến cuối năm 2020, Trung Quốc có 281,5 GW điện gió và 253,4 GW điện mặt trời. Jeanette Bergan, người đứng đầu bộ phận đầu tư của Quỹ hưu trí lớn nhất Na Uy, KLP, nói với tờ South China Morning Post: “Các kỷ lục về trang trại điện gió ấn tượng của Trung Quốc và sự tăng trưởng ổn định về công suất điện mặt trời khiến đất nước này trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư năng lượng xanh nước ngoài”. Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo: vào đầu năm 2020, sản lượng điện khoảng 800 GW - gấp đôi so với Mỹ, nước đứng thứ hai thế giới.

Các nhà sản xuất linh kiện điện mặt trời của Trung Quốc cũng đang tích cực gia tăng năng lực sản xuất của mình. Sau khi JinkoSolar thông báo bắt đầu xây dựng nhà máy pin mặt trời quy mô lớn nhất thế giới với công suất 20 GW/năm tại tỉnh Vân Nam, hãng sản xuất pin mặt trời LONGi đã thông báo kế hoạch đầu tư 1,23 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất pin mặt trời tinh thể đơn với công suất 15 GW/năm tại tỉnh Thiểm Tây. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022. LONGi hiện là nhà sản xuất các tấm silicon lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ đạt sản lượng hơn 100 GW/năm trong tương lai gần. Bên cạnh đó, LONGi hiện đang cạnh tranh với JinkoSolar cho vị trí nguồn cung module năng lượng mặt trời số 1 thế giới. LONGi đang tiến tới hoàn thiện toàn bộ chuỗi sản xuất (tấm silicon - tấm wafer - tế bào quang điện - module mặt trời) nhằm ngừng phụ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện mặt trời khác. Công suất sản xuất tế bào quang điện của LONGi sẽ đạt 45 GW/năm vào năm 2022. Rõ ràng, sản xuất linh kiện điện mặt trời đang ngày càng tập trung hóa. Việc tăng quy mô sản xuất cũng sẽ góp phần giảm hơn nữa giá pin mặt trời và tế bào quang điện.

Cùng với việc xây dựng các nhà máy điện thân thiện môi trường mới, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng công suất nhiệt điện: năm 2020, các nhà máy điện than và điện khí mới với tổng công suất 56,37 GW đã được đưa vào vận hành, đây là một con số kỷ lục so với 5 năm qua. Tuy nhiên, trong khuôn khổ quá trình chuyển đổi sang trung lập carbon vào năm 2060, ưu tiên sử dụng lưới điện sẽ được trao cho năng lượng tái tạo. Theo các chuyên gia, công suất lắp đặt tại các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc hiện đang vận hành chưa đến 4.000 giờ/năm, thấp hơn nhiều so với mức thiết kế 5.500 giờ/năm.

Trung Quốc đứng thứ đầu thế giới về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chiếm khoảng 30% lượng khí thải CO2 toàn cầu, tương đương khoảng 10 tỷ tấn mỗi năm. Mỹ đứng thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 15% lượng khí thải CO2 (5 tỷ tấn mỗi năm). Trung Quốc có kế hoạch tăng công suất năng lượng mặt trời và điện gió lên 1.200 GW. Theo Chủ tịch Trung Quốc, tỷ lệ nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc sẽ đạt 25% vào năm 2030.

Viễn Đông