Trung Quốc đưa ra cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải CO2

11:05 | 25/09/2020

|
(PetroTimes) - Trung Quốc sẽ "hướng tới mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon trước năm 2060" - đây là một cột mốc thực sự quan trọng trong chính sách khí hậu quốc tế.

Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9/2020 - rằng Trung Quốc sẽ "hướng tới mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon trước năm 2060" - là một cột mốc thực sự quan trọng trong chính sách khí hậu quốc tế. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công nhận nước này cần phải đạt mức phát thải CO2 bằng 0 vào giữa thế kỷ.

cat-quan-ngai-ve-cam-ket-phat-thai-cua-trung-quoc
Ảnh minh họa.

Niklas Höhne thuộc Viện NewClimate, một trong hai tổ chức đối tác của CAT cho biết: “Đây là thông báo quan trọng nhất về chính sách khí hậu toàn cầu trong vòng ít nhất 5 năm qua. Điều này có nghĩa là Trung Quốc, quốc gia chịu trách nhiệm một phần tư lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới, sẽ loại bỏ mọi hoạt động sử dụng than, dầu và khí đốt thông thường vào giữa thế kỷ này, một viễn cảnh không thể tưởng tượng được vài năm trước đây”.

Nếu Trung Quốc đưa tuyên bố trung hòa carbon thành một cam kết trong Thỏa thuận Paris, điều đó sẽ thay đổi mức dự báo nhiệt độ theo tổng các “cam kết và mục tiêu” quốc gia của CAT khoảng 0,2 đến 0,3°C. Đây là mức giảm lớn nhất trong các dự báo của CAT về tình trạng ấm lên toàn cầu kể từ năm 2015 sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đệ trình các mục tiêu đầu tiên cho thỏa thuận.

Giả sử các quốc gia thực hiện đầy đủ “những cam kết và mục tiêu” của Thỏa thuận Paris mà không có tuyên bố mới đây của Trung Quốc, CAT ước tính mức tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ là 2,7°C vào năm 2100. Tuyên bố của Trung Quốc sẽ làm giảm con số này xuống còn khoảng 2,4 đến 2,5°C, gần hơn với mục tiêu giới hạn nóng lên 1,5°C của Thỏa thuận Paris.

Giám đốc điều hành Climate Analytics Bill Hare cho biết: “Tuyên bố cực kỳ quan trọng của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm EU cũng đang đẩy mạnh hành động về khí hậu, hướng tới mục tiêu năm 2030 tham vọng hơn và mực tiêu khí thải trung tính vào năm 2050”.

“Nếu Trung Quốc và EU - tổng cộng chiếm 33% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu - cùng chính thức đệ trình các bước đi mới này lên Thỏa thuận Paris, thì điều này sẽ tạo ra động lực tích cực thiết yếu mà thế giới - và cả khí hậu - đang rất cần” - Hare nói.

“Và nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, điều này có nghĩa là những nước phát thải hàng đầu thế giới, gồm Trung Quốc, Mỹ và EU - chiếm gần một nửa (45%) lượng khí thải toàn cầu, sẽ có chung mục tiêu đạt mức phát thải bằng không vào giữa thế kỷ này, đưa tham vọng hạn chế mức nóng lên toàn cầu trong khoảng 1,5°C của Thỏa thuận Paris trong tầm tay” - Hare cho biết thêm.

Cam kết của EU và Trung Quốc giúp tăng số lượng các quốc gia có chung tuyên bố mục tiêu về trung hòa carbon hoặc khí hậu lên 126 nước. Đây là những quốc gia chịu trách nhiệm cho tổng cộng 51% lượng phát thải toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng góp 25%.

CAT lưu ý rằng mục tiêu “trước năm 2060” vẫn chưa đủ kịp thời để giữ mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu trong khoảng 1,5°C - một mục tiêu đòi hỏi phát thải CO2 toàn cầu cần phải ở mức bằng 0 vào năm 2050 (theo báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC về 1,5°C).

“Tuy nhiên, cam kết trung hòa carbon từ Trung Quốc rất được hoan nghênh, vì nó đòi hỏi quốc gia này phải xem xét lại tất cả các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trong nhiều thập kỷ tới. Cam kết này cũng sẽ cần áp dụng với tác động khí hậu của các khoản đầu tư tương tự trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc”.

Theo phân tích mới nhất của CAT về hành động khí hậu của Trung Quốc cho thấy, quỹ đạo phát thải ngắn hạn của Trung Quốc theo hướng trung hòa carbon chắc chắn sẽ vượt mục tiêu đề ra năm 2030. Bởi vậy, Trung Quốc có nhiều tiềm năng để cập nhật thêm mục tiêu năm 2030 và trình lên Thỏa thuận Paris.

Trong một cuộc họp báo mới đây, CAT cũng đã phân tích các gói khôi phục kinh tế hậu Covid-19 của 5 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc. Ông Höhne nói: “Rõ ràng là Trung Quốc cần phải xem xét lại công cuộc phục hồi kinh tế của mình và hướng nỗ lực này vào những dự án carbon thấp hơn nếu họ muốn đạt được mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060”.

Có thể thấy rằng, việc Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ cam kết về vấn đề giảm khí thải nhà kính là một hành động cực kỳ đúng đắn, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng thế giới. Dù cho còn nhiều quan ngại nhưng đó cũng là một tấm gương cho hàng trăm quốc gia cần phải xem xét lộ trình giảm phát thải trong những năm tới.

Cam kết đạt trung hòa carbon trước năm 2060 của Trung Quốc sẽ giúp làm giảm mức dự báo ấm lên toàn cầu khoảng 0,2 đến 0,3 độ C.

Tùng Dương

Trung Quốc tăng mua đột biến hơn 1.800% sắt thép Việt Nam Trung Quốc tăng mua đột biến hơn 1.800% sắt thép Việt Nam
Hà Nội phấn đấu giảm 15% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 Hà Nội phấn đấu giảm 15% phát thải khí nhà kính vào năm 2030
Sắp đến “ngày tàn” của than? Sắp đến “ngày tàn” của than?