Tranh chấp giữa Petronas và chính quyền các tỉnh dầu khí ở Malaysia

10:56 | 03/08/2024

|
(PetroTimes) - Chính quyền bang Sarawak nỗ lực gây sức ép với tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas để giành quyền kiểm soát hoàn toàn trữ lượng dầu khí. Động thái này có thể thúc đẩy các bang khác yêu cầu quyền tự chủ.
Tranh chấp giữa Petronas và chính quyền các tỉnh dầu khí ở Malaysia
Thủ hiến bang Sarawak Abang Johari Openg (thứ hai từ trái sang) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (giữa) tại cuộc họp Hội đồng hành động thực hiện Thỏa thuận 63 của Malaysia vào tháng 1 năm 2023. (Ảnh: Facebook/Fadillah Yusof)

Bang Sarawak như đang thách thức chính quyền Thủ tướng Anwar Ibrahim khi kiên quyết đấu tranh cho quyền tự chủ hoàn toàn.

Trong một động thái leo thang mạnh mẽ của bản kiến ​​nghị yêu cầu quyền tự chủ, Sarawak đặt ra thời hạn cuối là ngày 1/10 để tập đoàn dầu khí nhà nước Petroleum Nasional Bhd (Petronas) hoàn tất thỏa thuận trao cho tiểu bang toàn quyền kiểm sát và buôn bán khí đốt khai thác trong khu vực.

Ông Abang Johari Openg, Tổng trưởng Sarawak, cho biết chính quyền của ông sẽ xem xét các lựa chọn khác nếu Petronas không đáp ứng được thời hạn và chuyển giao quyền phân phối, kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Petroleum Sarawak Bhd (Petros), công ty thuộc quyền sở hữu của tiểu bang.

"Các bên khác đã ký thỏa thuận giao dịch trực tiếp với Petros, bao gồm cả Shell. Hiện tại, ExxonMobil dự kiến ​​sẽ đến Sarawak", ông nói với truyền thông Malaysia vào cuối tuần, ám chỉ những ông lớn trong ngành dầu mỏ đã có vị thế vững chắc tại Malaysia. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết về các lựa chọn mà tiểu bang đang xem xét.

Petronas và những rủi ro tiềm ẩn

Bất chấp kế hoạch của chính quyền ông Abang Johari, những động thái tiếp theo của Sarawak có thể gây rắc rối nghiêm trọng cho cả Petronas và chính phủ liên bang trên nhiều mặt trận, đồng thời đặt ông Anwar vào tình thế chính trị - kinh tế phức tạp nhất kể từ khi nhậm chức sau cuộc tổng tuyển cử không có hồi kết vào tháng 11/2022, các nhà phân tích và giám đốc điều hành ngành dầu mỏ lưu ý.

Việc Petros tiếp quản và trở thành đơn vị quản lý trữ lượng dầu khí duy nhất của Sarawak sẽ được coi là một thách thức trực tiếp đối với vị thế độc quyền kéo dài hàng thập kỷ của Petronas kể từ khi thành lập vào năm 1974.

Sarawak chiếm gần 90% lượng xuất khẩu LNG của Malaysia và Petronas nắm giữ toàn quyền mua bán nguồn tài nguyên này, với sự phụ thuộc lớn vào các thỏa thuận cung cấp dài hạn từ khách hàng quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản.

Những thỏa thuận này thu hút hàng tỷ ringgit doanh thu hàng năm cho gã khổng lồ dầu mỏ quốc gia, công ty duy nhất của Malaysia được niêm yết trong danh sách Fortune Global 500 - gồm các tập đoàn lớn trên thế giới.

Petronas hiện đang vận hành các cơ sở LNG khổng lồ tại Sarawak và cơ chế về cách Petros sẽ tiếp quản vai trò của tập đoàn dầu khí quốc gia, cũng như tác động của nó đối với các thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn, vẫn còn là bí mật.

Nhiều nhận định cho rằng tác động đối với Petronas, hiện được xếp hạng là nhà cung cấp LNG lớn thứ ba thế giới, sẽ rất đáng kể.

Theo báo cáo của tổ chức tài chính Malaysia RHB được công bố vào ngày 22/7, Petronas sẽ mất một phần doanh thu đáng kể nếu thỏa thuận mới được tiến hành.

Sẽ có tác động lớn đến ngân sách của tập đoàn dầu khí, làm suy yếu đáng kể khả năng tài trợ cho các hoạt động thăm dò - vốn là nguồn sống của các công ty dầu khí - và hạn chế số tiền mà họ có thể chuyển cho ngân khố quốc gia của chính phủ dưới hình thức cổ tức.

“Doanh thu của Petronas có bị tác động hay không vẫn chưa chắc chắn, nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng chi trả mặc dù công ty đã cam kết trả cổ tức đáng kể cho Chính phủ Liên bang”, báo cáo của RHB nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng mảng khí đốt trong hoạt động của công ty đã đóng góp khoảng 101 tỷ RM (22 tỷ USD Mỹ) doanh thu và khoảng 38%, hay 30 tỷ RM, tổng lợi nhuận cho năm tài chính 2023.

Petronas đã trả 40 tỷ RM cổ tức cho chính phủ vào năm 2023, giảm so với mức 50 tỷ RM của năm trước, theo tập đoàn dầu khí quốc gia này, khoản thanh toán cổ tức trong năm nay dự kiến ​​sẽ lên đến 32 tỷ RM.

Trong các phản hồi chính thức với giới truyền thông, bao gồm cả CNA, tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas cho biết họ đang đàm phán chặt chẽ với cả chính quyền Sarawak và chính quyền của ông Anwar để đạt được "giải pháp chung" cho tình hình phân phối khí đốt của tiểu bang.

Tập ​​đoàn nhấn mạnh rằng: "Tất cả các bên cần hiểu và thừa nhận những hạn chế của nhau".

Liều lĩnh nhưng cần có chừng mực

Bước đi táo bạo của ông Abang Johari, thủ hiến Sarawak cho thấy cán cân quyền lực ở Malaysia đã bị đảo lộn sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2018, dẫn đến bốn lần thay đổi chính quyền kể từ đó.

Bối cảnh chính trị phức tạp ở Malaysia đã biến Sarawak và Sabah, được gọi chung là khối Borneo, thành điểm tựa vững chắc cho chính quyền ông Anwar.

Tuy nhiên, điều này đã khuyến khích nhà cầm quyền ở hai tiểu bang áp đặt các yêu cầu đối với Kuala Lumpur để đáp ứng các điều khoản được thiết lập trong hiến chương khi cả hai tiểu bang gia nhập Malaya để thành lập Liên bang Malaysia vào năm 1963, khi đó bao gồm Singapore. Quốc đảo này đã giành được độc lập vào năm 1965.

Trong số hai tiểu bang thuộc khối Borneo, Sarawak tỏ ra cứng rắn hơn trong các thoả thuận với Kuala Lumpur. Yêu cầu về Petros chỉ là một trong số những mục tiêu mà Sarawak đề ra.

Tháng trước, Sarawak đã ký kết thoả thuận với Quỹ Lực lượng Vũ trang (LTAT), đơn vị quản lý quỹ hưu trí cho một số thành viên của lực lượng vũ trang, để tìm kiếm khả năng hợp tác và chia sẻ thông tin. Ông Abang Johari cho biết họ đang đảm bảo các phê duyệt cần thiết để nắm giữ cổ phần lớn hơn tại tổ chức tài chính Affin Bank, trong đó LTAT là cổ đông lớn nhất.

Hai tuần trước, Sarawak cũng đã giành lại quyền kiểm soát Cảng Bintulu, một cảng trước đây thuộc quyền kiểm soát của chính quyền liên bang.

Theo chính quyền liên bang, trữ lượng dầu khí của Sarawak chiếm 60,87% tổng trữ lượng của Malaysia, trong khi trữ lượng của Sabah chỉ chiếm khoảng 18,8%.

Sarawak nhấn mạnh rằng các nguồn tài nguyên dầu khí trong khu vực phải được quản lý theo Sắc lệnh khai thác dầu khí thời thuộc địa năm 1958, trong đó quy định các nguồn tài nguyên dầu khí được phát hiện trong phạm vi 200 hải lý tính từ vùng biển, sẽ thuộc về tiểu bang.

Chính quyền tiểu bang đề xuất sáu mỏ dầu khí mới được phát hiện ở tỉnh Balingian thuộc thềm lục địa và khu vực Tây Luconia sẽ được phát triển chung với Petronas, nhằm đảm bảo rằng tiểu bang nhận được nhiều hơn 5% tiền bản quyền hàng năm mà họ đang được hưởng.

Các quan chức cấp cao và các nhà hoạt động chính trị thân cận với ông Anwar thừa nhận rằng những yêu cầu của Sarawak và Petros có thể thúc đẩy các tiểu bang khác đưa ra nhiều yêu sách hơn đối với chính quyền liên bang, vốn đang phải vật lộn với những hạn chế nghiêm trọng về ngân sách do khoản nợ 1,22 nghìn tỷ RM.

Một số nhà quan sát chính trị và kinh tế tại Malaysia cho biết ông Abang Johari, một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, cũng có thể đối mặt với nhiều rủi ro.

“Abang Johari cần thận trọng để không vượt quá giới hạn trong cuộc đàm phán với chính quyền liên bang", ông Manu Bhaskaran, chiến lược gia tại Centennial Asia Advisors cho biết.

"Vấn đề phân phối khí đốt cần được giải quyết theo hướng đôi bên cùng có lợi và tôi hy vọng yêu cầu quyền kiểm soát hoàn toàn của Sarawak chỉ là nước cờ mở đầu trong cuộc đàm phán đang diễn ra".

Petronas LNG: Điểm nhấn mớiPetronas LNG: Điểm nhấn mới
Pertamina, Petrochina và Petronas hợp tác nghiên cứu phát triển mỏ dầu ở IndonesiaPertamina, Petrochina và Petronas hợp tác nghiên cứu phát triển mỏ dầu ở Indonesia
PETRONAS, Eni và Euglena xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học ở MalaysiaPETRONAS, Eni và Euglena xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học ở Malaysia

Anh Thư

AFP