Tổng quan tình hình xuất khẩu thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc

08:01 | 30/05/2023

|
(PetroTimes) - Xuất khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh vào năm 2022, đạt 52 tỷ USD (+64%), mặc cho bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu. Nhờ khả năng cạnh tranh chi phí và mở rộng năng lực sản xuất, các module năng lượng mặt trời của Trung Quốc tiếp tục thống lĩnh thị trường quốc tế.
Tổng quan tình hình xuất khẩu thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie (Vương quốc Anh), trong năm 2022, phần lớn thiết bị năng lượng mặt trời mà Trung Quốc xuất khẩu là module năng lượng mặt trời. Đối với sản phẩm này, châu Âu tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, với thị phần chiếm 56%. Mặt khác, vì thị trường quang điện toàn cầu mở rộng, xuất khẩu pin mặt trời của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 100%, với Đông Nam Á chiếm 31%.

Chính sách thuế của Mỹ đối với module năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc đã đẩy gã khổng lồ kinh tế này về Đông Nam Á. Tại đây, nhiều cơ sở sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đã nhập khẩu tế bào quang điện từ Trung Quốc. Trong năm 2022, module có xuất xứ Trung Quốc vẫn duy trì khả năng cạnh tranh về chi phí so với những thị trường khác, với giá rẻ hơn 57% so với giá module được sản xuất tại Mỹ và châu Âu. Chi phí sản xuất thấp đã giúp Trung Quốc đưa sản phẩm ra thị trường với giá cạnh tranh cao. Thật vậy, ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc hưởng lợi nhiều từ chi phí năng lượng thấp, thêm vào đó là quy mô lớn và có chính phủ hỗ trợ. Trong khi đó, module năng lượng mặt trời của Mỹ và EU không thể cạnh tranh lại Trung Quốc nếu chính phủ không trợ cấp cho họ.

Chinh phục thị trường toàn cầu

Ngành sản xuất thiết bị quang điện của Trung Quốc đang mở rộng, giúp quốc gia này chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Ngoài nhu cầu cung cấp trong nước, Trung Quốc còn xuất khẩu wafer và tế bào quang điện cho hoạt động thượng nguồn, với tổng công suất xuất khẩu dự kiến ​​sẽ đạt hơn 230 GW vào năm 2026, đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu bên ngoài Trung Quốc vào thời điểm đó, là 170 GW.

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc có lợi nhuận cao. Họ cũng tái đầu tư lợi nhuận để mở rộng năng lực sản xuất trong nước, đồng thời thu hút thêm những nhà đầu tư mới. Dự kiến vào năm 2026, công suất xuất khẩu module sẵn có của Trung Quốc sẽ là 149 GW, giúp tạo một số cơ hội tăng trưởng cho những thị trường sản xuất module khác.

Hiện nay đang xuất hiện nhiều nhà sản xuất muốn đầu tư vào thượng nguồn của nhiều lĩnh vực, giúp mang lại cho họ nhiều lợi nhuận hơn so với hoạt động sản xuất module. Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu vào năm 2026, 100% module tiêu thụ tại Mỹ sẽ có xuất xứ nội địa. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu khó mà đạt được, do Mỹ thiếu năng lực sản xuất nội địa đối với wafer và tế bào. Chưa kể, những nỗ lực của chính phủ nhằm kích thích sản xuất vẫn không thể giúp quốc gia này thu hẹp khoảng cách hiện tại.

Nhờ có chuỗi cung ứng vững bền và năng lực xuất khẩu mạnh, Đông Nam Á hưởng lợi nhiều từ những chính sách thương mại thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc - vốn dĩ được thiết kế cho thị trường Mỹ. Do Mỹ đánh thuế cao, phần lớn xuất khẩu của Trung Quốc đã hướng đến thị trường Đông Nam Á. Tuy vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc sở hữu 55% năng lực sản xuất quang điện của Đông Nam Á, vì họ lệ thuộc vào linh kiện do Trung Quốc sản xuất. Những công ty bên ngoài Trung Quốc cũng có cơ hội, nhưng họ sẽ khó mà vượt mặt được Trung Quốc, vì quốc gia này sở hữu chuỗi cung ứng với chi phí thấp, kèm theo đó là hơn 10 năm kiến ​​thức chuyên môn.

Liệu đầu tư vào năng lượng mặt trời sẽ sớm Liệu đầu tư vào năng lượng mặt trời sẽ sớm "vượt mặt" khai thác dầu mỏ?
Indonesia tìm kiếm khoản đầu tư lớn vào năng lượng mặt trờiIndonesia tìm kiếm khoản đầu tư lớn vào năng lượng mặt trời
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng sản lượng năng lượng mặt trời theo cấp số nhânThổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng sản lượng năng lượng mặt trời theo cấp số nhân

Ngọc Duyên

AFP