Toàn thế giới có và còn bao nhiêu trữ lượng khí đốt?

08:00 | 20/07/2023

|
(PetroTimes) - Trữ lượng khí được tính từ lượng khí đốt tự nhiên có thể thu hồi được trong những mỏ đã khai thác hoặc có thể khai thác theo những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Do đó, trữ lượng khí đốt dao động tùy thuộc vào sự sẵn có của những phương tiện kỹ thuật phù hợp với công việc khai thác, cũng như giá cả thị trường tại thời điểm thăm dò.
Toàn thế giới có và còn bao nhiêu trữ lượng khí đốt?
Sự phân bố trữ lượng khí đốt đã được chứng minh trên thế giới vào cuối năm 2013, theo dữ liệu từ Đánh giá thống kê của BP

Trữ lượng được khai thác nhiều nhất là trữ lượng khí từ nguồn khí đốt “truyền thống”. Còn trữ lượng khí đến từ nguồn "phi truyền thống" đòi hỏi phải sử dụng những kỹ thuật khai thác đắt tiền hơn để khai thác khí đốt trong điều kiện rất khó khăn: Khí than có trong những mỏ than sâu, khí đá phiến sét bị mắc kẹt trong tầng đá không thấm nước và khí nén (tight gas) có trong tầng đá có độ xốp thấp.

Vào cuối năm 2014, trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh trên thế giới là 187.100 tỷ m3, theo dữ liệu của BP.

5 quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới (vào năm 2021, theo nguồn của BP) là:

• Nga: 37.400 tỷ m3 (19%).

• Iran: 32.000 tỷ m3 (16%).

• Qatar: 24.700 tỷ m3 (hơn 12%).

• Turkmenistan: 13.600 tỷ m3 (9,8%).

• Mỹ: 12.600 tỷ m3 (6,5%).

Phân loại trữ lượng khí

Trữ lượng khí đốt tự nhiên được tính và phân cấp theo tiềm năng kinh tế như sau:

• Trữ lượng có tỷ lệ thu hồi thương mại ít nhất là 90% tổng lượng khí tồn tại, xét theo dữ liệu kinh tế và kỹ thuật hiện có.

•Trữ lượng có thể đã được thử nghiệm khai thác nhưng không thực hiện khai thác, với tỷ lệ thu hồi thương mại lớn hơn 50%.

•Trữ lượng trong mỏ chỉ có tỷ lệ thu hồi thương mại là 10%.

Những tiêu chí này có tác động đến hoạt động kinh tế của những công ty dầu khí, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Có rất nhiều quy định về việc được niêm yết. Nếu một công ty muốn có mặt trên thị trường tài chính của New York, thì công ty đó phải tuân thủ bộ quy định do SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch) ban hành. SEC chỉ bắt buộc tiết lộ trữ lượng khí đốt đã được chứng minh.

Kiểm soát trữ lượng khí

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hiện không có nhiệm vụ chứng minh tính chính xác của trữ lượng đã được công bố. Do đó, nếu các quốc gia không tuân thủ những tiêu chuẩn chung, thì khó mà duy trì tính minh bạch của thông tin. Ngoài ra, mỗi công ty dầu mỏ cũng có phương pháp tính trữ lượng riêng.

Trữ lượng của một quốc gia hoặc một công ty dầu mỏ được tính toán lại hàng năm, dựa theo:

• Trữ lượng đã được thu hồi từ bể chứa trong một năm.

• Trữ lượng bổ sung từ phát hiện khí đốt mới.

• Ước tính lại trữ lượng từ những giếng đang trong giai đoạn khai thác hoặc có khả năng khai thác.

Gọi là “ước tính” vì rất khó để xác định chính xác được trữ lượng từ giếng khí đang trong giai đoạn khai thác, vì không phải lúc nào bên công ty cũng thực hiện hồ sơ khai thác. Hệ số thu hồi (tỷ lệ phần trăm khí chứa trong lòng đất có thể được đưa lên bề mặt) chỉ được tính toán chính xác một khi giếng khí đã kết thúc vòng đời của nó.

Vai trò của khí đốt đối với năng lượng

Trong nhiều năm, khí đốt đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong tình hình tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Khí đốt chiếm gần 21,3% tỷ lệ tiêu thụ toàn cầu năm 2012. Hơn nữa, việc phát hiện và khai thác những mỏ phi truyền thống như khí đá phiến đã giúp khí đốt có một vị trí quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và thay đổi những mối quan hệ địa chính trị.

Toàn thế giới có và còn bao nhiêu trữ lượng khí đốt?
Phân tích trữ lượng khí tự nhiên đã được chứng minh trên thế giới vào cuối những năm 1991, 2001 và 2011

Những chủ thể quan trọng trong ngành khí đốt

Tập đoàn công nghiệp: Tập đoàn có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất là gã khổng lồ Gazprom của nhà nước Nga. Đối với công ty này, công việc thăm dò là điều cần thiết để duy trì vị thế của nhà khai thác và cung cấp khí đốt lớn nhất trên thế giới. Vào cuối năm 2021, Gazprom tự đánh giá trữ lượng khí đốt tự nhiên của mình là 30.227 tỷ m3, tương đương gần 15% trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh trên toàn thế giới.

Các quốc gia: Các quốc gia sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên hiện có trong lãnh thổ và dưới lòng biển trong khu vực cách bờ biển không quá 200 hải lý (370,4 km). Công ty nào có trách nhiệm thăm dò khí đốt phải xin được giấy phép thăm dò và sau đó là giấy phép hoạt động từ những quốc gia sở hữu mỏ khí đốt.

Các tổ chức quốc tế: Diễn đàn quốc tế FPEG (Diễn đàn Các nước xuất khẩu khí đốt) và Hiệp hội quốc tế CEDIGAZ - gồm những quốc gia khai thác khí đốt khác nhau. Các quốc gia thành viên báo cáo về trữ lượng khí đã được phát hiện.

Đơn vị đo lường và số liệu chính

Nhờ có những phương pháp thăm dò cải tiến, trữ lượng khí đá phiến trên thế giới không ngừng tăng lên. Mặc dù các loại khí phi truyền thống khác vẫn chiếm đa số, chẳng hạn như khí đốt than ở Mỹ, nhưng theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ, chỉ riêng tài nguyên khí đá phiến của thế giới đã áp đảo trữ lượng khí đốt truyền thống.

Về vấn đề khai thác, khí đốt có tỷ lệ thu hồi (trung bình khoảng 60%) hiện nay cao hơn nhiều so với dầu (trung bình khoảng 35%).

Ước tính tuổi thọ của trữ lượng theo từng loại tài nguyên (theo Đánh giá thống kê của BP năm 2014): Cập nhật tuổi thọ trữ lượng của nhiều nguyên liệu thô khác nhau dựa theo tình trạng khai thác hiện nay.

• Dầu mỏ: Xấp xỉ 53 năm

• Khí đốt: Xấp xỉ 55 năm

• Than đá: Xấp xỉ 113 năm

• Uranium: Xấp xỉ 100 năm (dựa theo hiệu quả của lò phản ứng thế hệ thứ 2; tuy nhiên, nếu ngành công nghiệp ứng dụng lò phản ứng tái sinh (breeder reactor), thì tuổi thọ của uranium sẽ có thể lên đến hàng nghìn năm).

Phân bố tài nguyên khí

Trữ lượng khí đốt tự nhiên phân bố không đều trên toàn thế giới. Gần 60% trữ lượng khí đốt nằm ở Nga và vùng Trung Đông. Iran, Nga và Qatar cùng nắm giữ gần một nửa trữ lượng khí đốt đã được chứng minh trên toàn thế giới.

• Trung Đông có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới (42,3% trữ lượng chứng minh vào cuối năm 2013) nhưng chỉ đóng góp 16,7% vào sản lượng khí đốt toàn cầu trong năm 2013.

• Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là nước khai thác khí đốt lớn thứ ba.

• Mỹ, quốc gia chỉ có 5% trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới vào cuối năm 2013, là nước khai thác khí đốt hàng đầu thế giới.

Đổi mới công nghệ cho phép thăm dò khí và phát hiện những trữ lượng khó tiếp cận hơn. Ngày nay, gần 2/3 những phát hiện khí đốt mới là trữ lượng ngoài khơi.

Nhiều trữ lượng khí đốt phi truyền thống, đặc biệt là khí đá phiến, đang dần được phát hiện. Chúng nằm rộng rãi trên khắp hành tinh: Bắc và Nam Mỹ, Trung Quốc, Úc và một số nước châu Âu. Đi tiên phong trong việc khai thác khí đá phiến là nước Mỹ, với trữ lượng đáng kể trên hầu khắp lãnh thổ, đặc biệt là ở bang Colorado. Khí đá phiến hiện là nguồn năng lượng quan trọng thứ hai ở Mỹ, cung cấp cho hơn một nửa số hộ gia đình trên cả nước.

Quá khứ và hiện tại

Kể từ những năm 1970, hàm lượng năng lượng của khí đốt đã được công nhận và nhu cầu với loại nhiên liệu này tăng không ngừng. Sự phát triển của các kỹ thuật thăm dò khí đốt mới có thể đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng tăng này kể từ khi các trữ lượng mới được phát hiện. Trong 20 năm, trữ lượng khí đốt thông thường đã tăng gần 60%.

Tuy nhiên, bản đồ trữ lượng khí thông thường hiện đã được biết đến và tốc độ khám phá đang chậm lại. Trong 5 năm qua, nhiều chiến dịch thăm dò đã được tiến hành chủ yếu tìm kiếm khí phi truyền thống nhất là khí đá phiến.

Tương lai

Ước tính trữ lượng được dựa theo những thông số kinh tế và công nghệ. Do đó, rất khó để xác định chính xác 100% tiềm năng khai thác của trữ lượng khí đốt trong trung hạn hoặc dài hạn.

Tuy nhiên, sự phát triển và làm chủ những công nghệ tiên tiến sẽ giúp chúng ta có thể dự đoán một cách chắc chắn tỷ lệ thu hồi trong tương lai, cũng như giúp khai thác ngày càng nhiều trữ lượng khí phi truyền thống.

Hoạt động thăm dò đang được tăng cường ở những khu vực khó tiếp cận (khu vực Bắc Cực, cực sâu ngoài khơi) nhưng có khả năng chứa trữ lượng khí đốt đáng kể. Theo Viện Dầu khí Pháp (IFP Energies nouvelles), khai thác từ những trữ lượng ngoài khơi tăng 50% vào năm 2020.

Mỗi năm, năng lực thăm dò và khai thác khí đá phiến của Mỹ đều tăng trưởng vượt bậc. Vào năm 2009, Mỹ đã trở thành nước khai thác khí đốt hàng đầu thế giới, vượt qua cả Nga. Như những quốc gia “khai thác than” khác như Trung Quốc hay Ấn Độ, quốc gia này cũng đang phát triển các quy trình thu hồi khí than.

Nga đứng đầu thế giới về trữ lượng khí đốtNga đứng đầu thế giới về trữ lượng khí đốt
Phát hiện khí khổng lồ ở biển Caspi của Iran có thể làm thay đổi thị trường khí đốt trong tương laiPhát hiện khí khổng lồ ở biển Caspi của Iran có thể làm thay đổi thị trường khí đốt trong tương lai
Nga còn trữ lượng khí đốt để khai thác trong 100 năm tớiNga còn trữ lượng khí đốt để khai thác trong 100 năm tới
UAE thông báo phát hiện trữ lượng khí đốt mớiUAE thông báo phát hiện trữ lượng khí đốt mới

Ngọc Duyên

AFP