Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (13/12-19/12)

08:41 | 20/12/2021

|
(PetroTimes) - BP đạt thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc; ExxonMobil và Scepter hợp tác phát hiện khí mêtan từ vệ tinh; PetroChina xuất xưởng lô nhiên liệu hydro đầu tiên; Gazprom nghiên cứu khả năng cung cấp hydro cho châu Âu; TotalEnergies bán tài sản ở Gabon cho Perenco… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (13/12-19/12)

Gazprom Neft, chi nhánh dầu khí của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, dự kiến ​​sản lượng hydrocarbon của họ sẽ vượt quá 100 triệu tấn dầu tương đương vào năm 2021. Một kỷ lục mới. Công ty đang tích cực phát triển các khu vực phía bắc của Nga, chủ yếu là vùng Yamal. Vì các mỏ dầu chính của công ty ở Tây Siberia ngày càng cạn kiệt. Gazprom Neft cho biết thêm rằng việc gia tăng khối lượng khai thác trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc đưa vào vận hành khai thác mỏ Tazovskoye ở vùng Yamal-Nenets, cũng như việc đưa vào hoạt động một nhà máy xử lý khí tích hợp mới trên mỏ Vostochno-Messoyakhskoye.

Cũng trong tuần qua, Giám đốc Gazprom Neft ủng hộ quyết định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) trong việc duy trì sản lượng dầu tăng vào năm 2022. Theo ông Alexander Dyukov, nhu cầu dự kiến ​​sẽ vẫn duy trì bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron. Công ty con của Gazprom tuyên bố rằng họ muốn tăng sản lượng dầu và condensate lên 10% vào năm 2022. Một minh chứng cho thấy sự tự tin của ngành năng lượng Nga vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

ExxonMobil đạt thỏa thuận thăm dò dầu khí ở Síp bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này liên quan đến việc thăm dò và khai thác một số mỏ dầu và khí đốt, được cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Síp, phía Đông Nam của đảo Síp (block-5). Việc ký kết thỏa thuận đã diễn ra bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quy định trong các điều khoản của thỏa thuận liên danh, công ty Mỹ sẽ nắm giữ 60% cổ phần so với 40% của công ty Qatar. Do đó, ExxonMobil sẽ là nhà điều hành của liên doanh. Ngay sau thông báo trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức lên tiếng phản đối. Hoa Kỳ và Qatar đang cố gắng trấn an Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận thăm dò dầu khí trên.

Tại Ai Cập, công ty dầu khí quốc doanh Qatar Energy thông báo đã ký kết các thỏa thuận với Shell để mua lại cổ phần trực tiếp tại lô 3 và 4 nằm ở Biển Đỏ. Theo các điều khoản của các thỏa thuận này, Qatar Energy sẽ tham gia 2 lô này do Shell vận hành, tối đa 17% mỗi lô. Các thỏa thuận này, chi tiết tài chính chưa được nêu rõ, sẽ phải được các nhà chức trách Ai Cập phê duyệt. Sau khi thương vụ được ký kết, Shell sẽ giữ lại cổ phần điều hành 43% trên lô 3 và 21% trên lô 4. Số cổ phần còn lại sẽ được chia giữa BHP (30%) và Tharwa Petroleum (10%) trên lô 3, Mubadala (27%), BHP (25%) và Tharwa Petroleum (10%) tại lô 4. Hoạt động này sẽ đánh dấu bước đột phá đầu tiên của QatarEnergy vào quốc gia Bắc Phi.

Đối với Shell, việc mua bán này diễn ra như một phần trong chương trình thoái vốn lớn của công ty, nhằm tập trung vào các tài sản có giá trị gia tăng cao hơn. Tháng 9 vừa qua, công ty đã bán tài sản trị giá 926 triệu USD ở sa mạc Tây Ai Cập. Trong tương lai, công ty sẽ tập trung vào các khu vực Đồng bằng sông Nile, Tây Địa Trung Hải và Biển Đỏ.

Tuần qua, BP đã ký thỏa thuận với một công ty con của công ty Trung Quốc State Power Investment Corp (SPIC). Theo đó, tập đoàn Anh sẽ cung cấp 200.000 tấn khí đốt tự nhiên mỗi năm cho SPIC tại Quảng Đông trong khoảng thời gian 10 năm kể từ năm 2023.

Trước đó, BP là công ty dầu khí nước ngoài đầu tiên đầu tư vào một terminal khí đốt ở Trung Quốc. Cụ thể, công ty Anh sở hữu 30% cổ phần của terminal Dapeng LNG. Terminal này cung cấp 50% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ của tỉnh Quảng Đông.

ExxonMobil và Scepter hợp tác phát hiện khí mêtan từ vệ tinh. Thỏa thuận bao gồm việc triển khai công nghệ vệ tinh và các nền tảng xử lý dữ liệu để giám sát phát thải khí mêtan. Công nghệ này có lợi thế là ảnh hưởng đến hàng chục ngành công nghiệp. Chúng bao gồm nông nghiệp, năng lượng, sản xuất và vận tải, giúp giảm thiểu phát thải khí mêtan. Trên thực tế, ExxonMobil được tích hợp như một công ty hàng đầu trong các đổi mới công nghệ liên quan đến kiểm soát môi trường. Giai đoạn đầu sẽ chỉ liên quan đến các hoạt động của ExxonMobil trong lưu vực Permian (Hoa Kỳ). Sau đó, việc triển khai sẽ trên quy mô toàn cầu. Sau khi hoàn tất sẽ dẫn đến một mạng lưới các chòm sao, có khả năng giám sát các hoạt động trên khắp thế giới.

Tuần qua, nhà máy hóa dầu Huabei của PetroChina ở miền Bắc Trung Quốc đã vận chuyển lô hàng hydro đầu tiên đến các điểm tiếp nhiên liệu của công ty ở Bắc Kinh. PetroChina dự định tăng cường khả năng cung cấp nhiên liệu hydro như một phần của quá trình chuyển đổi sang các giải pháp thay thế năng lượng sạch. Huabei Petrochemical, công ty có công suất lọc dầu 10 triệu tấn mỗi năm, cho biết lô hàng nhiên liệu này đến từ dự án mới của họ. Cơ sở mới này nâng số dự án lọc hydro của PetroChina lên con số 19. Tất cả các dự án này đều sản xuất hydro xanh từ các cơ sở lọc dầu hiện tại của PetroChina với công nghệ CCUS. PetroChina cũng đã xây dựng 4 điểm tiếp nhiên liệu với tổng công suất cung cấp 5.500 kg/ngày tại Bắc Kinh, tại địa điểm diễn ra Thế vận hội Mùa đông.

Tập đoàn dầu khí Lukoil (Nga) đang tăng cổ phần tại mỏ khí đốt ngoài khơi Shah Deniz ở Azerbaijan. Sau một thỏa thuận được ký vào ngày 7/10/2021, Lukoil muốn mua toàn bộ cổ phần công ty Petronas của Malaysia tại mỏ khí đốt ngoài khơi Shah Deniz ở Azerbaijan với số tiền ước tính là 2,25 tỷ đô la. Ban đầu, Lukoil nắm giữ 15,5% trong liên doanh điều hành mỏ này. Sau thỏa thuận này cổ phần của công ty Nga sẽ tăng lên 25,5%. Tuy nhiên, British Petroleum (BP), cổ đông lớn nhất trong liên doanh khai thác mỏ Shah Deniz, đã thực thi quyền mua ưu đãi của mình. Do đó, việc sử dụng công cụ kinh tế này đã chặn giao dịch song phương giữa Lukoil và Petronas. Do đó, cổ phần của Petronas cuối cùng được chia cho BP, Lukoil và Công ty dầu khí quốc gia Azerbaijan SOCAR thuộc sở hữu nhà nước. Kể từ đó, Lukoil chỉ mua lại 9,99% trong tổng số 25,5% cổ phần của Petronas trong liên doanh với số tiền ước tính là 1,45 tỷ đô la. Công ty Nga hiện sở hữu 19,99% cổ phần của liên doanh. Tương tự, SOCAR mua 4,35% và BP mua 1,16% cổ phần còn lại của Petronas trong liên doanh.

Ngày 14/12, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị cho Chính phủ Nga và Gazprom cân nhắc việc cung cấp hydro cho châu Âu. Báo cáo phải được trình Điện Kremlin trước ngày 1/6/2022. Mọi hoạt động giao hàng sẽ được thực hiện dưới dạng hỗn hợp khí tự nhiên và hydro. Trước đó, đại diện thương mại của Liên bang Nga tại Đức Andrey Sobolev đã chỉ ra rằng các nhà chức trách của Vùng đất Mecklenburg-Western Pomerania đang đàm phán với Gazprom về khả năng xây dựng các nhà máy để sản xuất hydro từ khí đốt tự nhiên được cung cấp qua Dòng chảy Nord Stream 2.

Trong tuần qua, Tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp đã thông báo vào ngày 8/12/2021 rằng một giao dịch được thực hiện cách đây hơn 1 năm với Perenco liên quan đến việc bán một số cổ phần của họ tại nước này đã được hoàn tất. Sau khi nhận được sự chấp thuận của các nhà chức trách Gabon, tập đoàn của Pháp đã chốt thương vụ này với số tiền là 350 triệu đô la.

Cần lưu ý rằng giao dịch này, một mặt liên quan đến tài sản của TotalEnergies trong 7 mỏ ngoài khơi đã trưởng thành do Perenco điều hành. Đó là 65,3% cổ phần trong các mỏ Grondin, Gonelle, Barbier, Mandaros, Girelle, Pageau và Hylia. Mặt khác, nó liên quan đến 100% cổ phần của TotalEnergies tại cảng dầu Cap Lopez. Tất cả những tài sản này đã cho phép TotalEnergies tạo ra, thông qua công ty con ở Gabon (TotalEnergies EP Gabon), 8.400 thùng dầu tương đương mỗi ngày, trong chín tháng đầu năm nay. Theo nhận xét của Henri-Max Ndong-Nzue, chủ tịch chi nhánh TotalEnergies tại Gabon, “giao dịch này là một phần trong chiến lược của TotalEnergies nhằm làm phong phú thêm danh mục đầu tư của mình, bằng cách bán các mỏ đã trưởng thành với tỷ suất lợi nhuận cao. TotalEnergies EP Gabon hiện sẽ tái tập trung vào các tài sản ngoài khơi như ở mỏ Anguille và Torpille và vẫn cam kết là một đối tác trong ngành công nghiệp dầu mỏ Gabon”.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (6/12-12/12)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (6/12-12/12)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (29/11-5/12)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (29/11-5/12)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (22/11 - 28/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (22/11 - 28/11)

Nh.Thạch

AFP