Thỏa thuận lịch sử của OPEC+ có lợi cho Trung Quốc

15:00 | 18/04/2020

|
(PetroTimes) - Giới chuyên gia vẫn còn hoài nghi về việc cắt giảm sản lượng có thể chỉ hỗ trợ giá dầu tăng trong một thời gian hay liệu có đủ để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh của nhu cầu do dịch bệnh.
thoa thuan lich su cua opec co loi cho trung quoc

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất liên minh gồm Nga (OPEC+) mới đây đã đồng ý cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng mỗi ngày, nhằm bình ổn giá dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc dường như đã được hưởng lợi từ sự sụp đổ giá dầu thời gian gần đây, song trên thực tế, một thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiệu quả có thể giúp giữ giá dầu trong một phạm vi hợp lý hơn và chắc chắn có lợi hơn cho nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Thực chất việc giá dầu tương đối thấp có thể giúp Trung Quốc phục hồi kinh tế bằng cách giảm bớt áp lực chi phí trong vận chuyển và các lĩnh vực sản xuất hóa chất khác. Ngoài ra, sự sụt giảm giá dầu thô quốc tế có nghĩa là Trung Quốc có thể chi tiêu ít hơn cho nhập khẩu dầu.

Một báo cáo gần đây của hãng tin Bloomberg nói rằng, Trung Quốc đã tận dụng sự sụt giảm giá dầu để tăng cường lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, Trung Quốc cũng không muốn thấy giá dầu xuống quá thấp.

Trước hết, ngành công nghiệp dầu mỏ của Trung Quốc có độ bao phủ toàn cầu, cần phải hoạt động ở mức độ thích hợp. Năm 2018, sản lượng dầu trong nước của Trung Quốc đạt 189 triệu tấn, đứng thứ 7 trên thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đầu tư vào một số lượng lớn các dự án dầu khí ở nước ngoài, với phần lớn đầu tư ở mức 80 USD/thùng hoặc thậm chí cao hơn.

Do đó, giá dầu xuống quá thấp sẽ không có lợi cho sự phát triển bền vững của ngành dầu khí trong nước, và gây rủi ro cho lợi nhuận đầu tư vào các dự án dầu khí của Trung Quốc.

Thứ hai, trong khi phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống như dầu mỏ, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới cũng tích cực tham gia điều chỉnh cơ cấu tiêu thụ của mình bằng cách khuyến khích và phát triển năng lượng sạch. Và giá dầu hợp lý sẽ là điều cần thiết để thúc đẩy thay thế năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào dầu và cải thiện hiệu quả năng lượng của Trung Quốc.

Như vậy, nếu thỏa thuận mới nhất về cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể thực sự giúp ổn định giá dầu, sẽ có lợi cho chiến lược năng lượng dài hạn của Trung Quốc, đòi hỏi giá cả phải tương đối ổn định.

Bình An

SPN