Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ ý tưởng xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới từ Turkmenistan
![]() |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow tại Awaza, Turkmenistan vào ngày 14 tháng 12 năm 2022 |
Thật vậy, ông Recep Tayyip Erdogan cho biết: “Chúng tôi vận chuyển khí đốt từ Biển Caspian đến châu Âu thông qua hành lang khí đốt hiện có: Đường ống dẫn khí đốt xuyên Anatolia”.
Đường ống dẫn khí đốt xuyên Anatolia (TANAP) dẫn khí khai thác được từ Azerbaijan và Georgia vào Thổ Nhĩ Kỳ. TANAP cũng là một phần của dự án dẫn khí xuyên Á - Âu mang tên Hành lang Khí đốt phía Nam.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục: “Chúng ta phải bắt đầu triển khai cách thức vận chuyển khí đốt từ Turkmenistan đến những thị trường phương Tây theo cách tương tự”.
Dự án mới có thể kết nối Turkmenistan với đường ống hiện có giữa Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là phát biểu của vị nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tại một Hội nghị thượng đỉnh ba bên với những người đồng cấp từ Azerbaijan và Turkmenistan. Hội nghị do Turkmenistan tổ chức tại quận Awaza hẻo lánh bên bờ đông Biển Caspian.
Cuộc họp này diễn ra vào thời điểm Liên minh châu Âu đang cố gắng giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, ông Recep Tayyip Erdogan đã duy trì mối quan hệ tốt với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn Ukraine.
Ông rất ủng hộ ý tưởng của ông Vladimir Putin về việc tạo ra một “trung tâm khí đốt” mới ở Thổ Nhĩ Kỳ để tạo điều kiện tiếp tục xuất khẩu khí đốt của Nga vào EU, thay vì qua hệ thống đường ống dẫn qua Ukraine hay xuyên lòng Biển Baltic hiện nay.
Theo ước tính của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Turkmenistan có trữ lượng khí đốt tự nhiên (đã được chứng minh) lớn thứ 6 trên toàn thế giới.
Cho đến nay, Turkmenistan đã xuất khẩu khí đốt vào thị trường Nga. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như tìm cách tiếp cận những thị trường khác thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ lâu, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã muốn tận dụng lợi thế về địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn giáp biên giới với Trung Đông và châu Âu, để biến quốc gia của ông thành một trong những trung tâm thương mại năng lượng hàng đầu thế giới.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến chống lại Ukraine, nhiều nước Trung Á cũng đã đánh giá lại mối quan hệ giữa họ với Moscow.
Trong khi đó, Nga quyết định cắt giảm khí đốt vận chuyển đến châu Âu như một đòn “trả đũa” cho những biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng ở các nước châu Âu vào giai đoạn mùa đông.
Ngọc Duyên
AFP
- Malaysia- thị trường chiến lược cho các dự án thượng nguồn và đường ống
- Séc sau 60 năm phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ Nga
- Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
- Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
- Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump