Sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh trong thập kỷ qua

11:08 | 27/02/2023

|
Theo Đánh giá thống kê năng lượng thế giới năm 2022 của BP, Venezuela có trữ lượng dầu đã được chứng minh nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh trong thập kỷ qua

Trữ lượng đã được chứng minh là 304 tỷ thùng của Venezuela vượt xa 298 tỷ thùng của Ả Rập Xê-út. Cả hai đều vượt xa trữ lượng đã được chứng minh của Mỹ là 69 tỷ thùng.

Tuy nhiên, 3 nhà khai thác dầu hàng đầu vào năm 2021 lại là Mỹ với 11,1 triệu thùng/ngày, Nga với 10,5 triệu thùng/ngày và Ả Rập Xê-út với 9,4 triệu thùng/ngày. Venezuela tụt hạng ở vị trí thứ 25 với 605.000 thùng/ngày.

Dầu thô nặng của Venezuela đặc biệt được các nhà máy lọc dầu của Mỹ đánh giá cao. Làm thế nào mà một quốc gia có quá nhiều dầu lại khai thác được quá ít như vậy? Và tại sao quốc gia Nam Mỹ lại chứng kiến ​​sản lượng dầu giảm mạnh hơn 75% trong thập kỷ qua?

Một lý do cho sự suy giảm của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela là nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Venezuela trong những năm qua. Gần đây nhất, chính quyền Trump đã đưa ngành dầu mỏ của Venezuela vào diện bị trừng phạt vào năm 2019.

Trên thực tế, sự sụt giảm nghiêm trọng kể trên, xảy ra trước các lệnh trừng phạt của ông Trump, phần lớn là kết quả từ các chính sách của Venezuela.

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, giá dầu tăng chóng mặt. Từ mức trung bình hàng năm là 26 USD/thùng vào năm 2002, đến năm 2007, giá toàn cầu đã lên tới 80 USD/thùng. Chính phủ Venezuela, do cố Tổng thống Hugo Chávez lãnh đạo đã tìm cách chia sẻ doanh thu lớn hơn khi các khoản đầu tư của các công ty dầu mỏ quốc tế bắt đầu mang lại kết quả. Chính phủ Venezuela đã cố gắng lấy một khoản tiền đáng kể từ ngành công nghiệp dầu mỏ để trả cho các chương trình xã hội, song vẫn chưa đủ.

Venezuela yêu cầu thay đổi các thỏa thuận được thực hiện bởi các công ty dầu mỏ quốc tế sẽ trao cho PDVSA quyền kiểm soát phần lớn các dự án. Tuy nhiên, ExxonMobil XOM và ConocoPhillips COP đã từ chối, và kết quả là tài sản của họ đã bị sung công. Những hành vi sung công này sau đó được cho là bất hợp pháp và cả hai công ty đều được bồi thường.

Hầu hết trữ lượng dầu đã được chứng minh của Venezuela bao gồm dầu thô siêu nặng ở Vành đai Orinoco. Loại dầu này đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao từ các công ty quốc tế để có thể khai thác và phát triển hiệu quả. Song thực tế là hầu hết các công ty quốc tế về cơ bản đã bị đuổi khỏi quốc gia Nam Mỹ. Bên cạnh đó, chính phủ của ông Chávez còn tiến hành sa thải nhiều nhân viên có kinh nghiệm của PDVSA vào năm 2003 và lấp đầy những vị trí đó bằng những người trung thành với ông.

Kết quả cuối cùng của những chính sách kể trên là các lệnh trừng phạt quốc tế, không tái đầu tư vào ngành dầu mỏ và giá dầu giảm trong năm 2015.

Sự suy giảm sản lượng kể trên đã ảnh hưởng đặc biệt đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Dầu của Venezuela nặng, có nghĩa là nó cần được xử lý nhiều hơn bởi các nhà máy lọc dầu. Nhưng các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc xử lý dầu nặng. Các nhà tinh chế kiếm được nhiều tiền hơn khi xử lý loại dầu thô này thành các sản phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ gần đây đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt, cho phép Chevron mở rộng khai thác trong một liên doanh với PDVSA, và vận chuyển số dầu đó đến Mỹ.

Reuters tuần trước đưa tin rằng Chevron đã nhận được giấy phép từ Bộ Tài chính Mỹ cho phép công ty này vận chuyển hơn 100.000 thùng/ngày dầu thô của Venezuela tới Mỹ trong tháng 2.

Thỏa thuận này cuối cùng có thể giúp Venezuela tăng sản lượng dầu sau hơn một thập kỷ suy giảm. Trên giấy tờ, chỉ riêng Venezuela có thể đáp ứng nhu cầu dầu toàn cầu trong gần một thập kỷ. Venezuela có thể trở nên giàu có trong quá trình này, nhưng có một số việc cần phải làm.

Iran giúp Venezuela đại tu tổ hợp nhà máy lọc dầu lớn nhất Iran giúp Venezuela đại tu tổ hợp nhà máy lọc dầu lớn nhất
Mỹ sẽ nhận 3 triệu thùng dầu thô của Venezuela trong tháng 2 Mỹ sẽ nhận 3 triệu thùng dầu thô của Venezuela trong tháng 2