Phương Tây có thể đã đánh giá quá thấp thị trường dầu mỏ khi áp giới hạn giá dầu lên Nga

09:00 | 11/10/2023

|
(PetroTimes) - Chính sách mức trần giá có thể đã đánh giá quá cao khả năng của các cơ quan quản lý trong việc thao túng giao dịch trên thị trường dầu mỏ, chuyên gia David Uren, một thành viên cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Áutralia (The Australian Strategic Policy Institute) nhận định.
Đã đến lúc xem xét lại giới hạn giá dầu của Nga?Đã đến lúc xem xét lại giới hạn giá dầu của Nga?
Cơ chế giới hạn giá dầu Nga có thực sự hiệu quả?Cơ chế giới hạn giá dầu Nga có thực sự hiệu quả?
Phương Tây có thể đã đánh giá quá thấp thị trường dầu mỏ khi áp giới hạn giá dầu lên Nga
Ảnh minh họa

Những nỗ lực của phương Tây nhằm bóp nghẹt lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga đang thất bại khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng với Ả Rập Xê-út đẩy giá thị trường lên 100 USD/thùng và các khách hàng lớn nhất của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu mua dầu với giá gần bằng giá thị trường.

Nga đang né tránh thành công nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với phần lớn doanh số bán dầu của nước này.

Giới hạn giá do Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đưa ra và có hiệu lực từ tháng 12 năm 2022, yêu cầu các công ty bảo hiểm phương Tây chỉ cung cấp bảo hiểm cho các chuyến hàng chở dầu của Nga nếu chúng được chứng nhận là được bán với giá không quá giới hạn trên.

Mục đích của chính sách này là nhằm hạn chế lợi nhuận của Nga trong khi vẫn cho phép dầu của nước này tiếp tục chảy ra thị trường thế giới. Lệnh cấm tuyệt đối đối với việc bán dầu của Nga, như Mỹ áp đặt đối với Iran và Venezuela, sẽ khiến giá toàn cầu tăng vọt và trong mọi trường hợp, được coi là không thực tế đối với một nhà cung cấp lớn như Nga.

Vì các công ty bảo hiểm phương Tây đảm trách khoảng 90% khối lượng vận chuyển hàng hóa trên thế giới nên chính sách này được kỳ vọng sẽ thành công. Thỏa thuận về giới hạn giá ràng buộc tất cả các thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), ngoại trừ Nhật Bản do nước này tham gia sâu vào dự án dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 của Nga.

Kết qua không như mong đợi

Ước tính của công ty tư vấn dữ liệu thương mại Kpler của Pháp cho thấy, trong tháng 8, chỉ có 24 triệu thùng dầu của Nga được vận chuyển bằng các tàu chở dầu có bảo hiểm, trong khi 67 triệu thùng còn lại được vận chuyển bằng các tàu chưa xác nhận có bảo hiểm. Tỷ trọng các tàu xác nhận có bảo hiểm khi vận chuyển dầu của Nga đã giảm từ 47% xuống 26% kể từ tháng Năm.

Theo Argus Media, dầu của Nga được bán với giá 87 USD một thùng vào ngày 22/9, chỉ kém vài USD so với giá dầu Biển Bắc là 94 USD và cao hơn nhiều so với mức trần quy định. Nga đã buộc phải chấp nhận mức chiết khấu lên tới 35 USD/thùng cho đến tháng 4 năm nay.

Cuối tuần trước, bà Yellen thừa nhận rằng giá dầu Nga đưa ra cho thấy mức trần giá không hoạt động như mong đợi. Bà nói: “Nó cho thấy hiệu quả của việc giới hạn giá đã giảm đi phần nào”.

“Nga đã chi rất nhiều tiền, thời gian và công sức để cung cấp dịch vụ cho việc xuất khẩu dầu của mình. Họ đã bổ sung thêm vào đội tàu “bóng tối” của mình, cung cấp nhiều bảo hiểm hơn và loại hình giao dịch đó không bị ảnh hưởng bởi giới hạn giá”, bà nói.

‘Hạm đội bóng tối’ mà bà Yellen nhắc đến được hiểu là bao gồm gần 500 tàu chở dầu, thường không có thông tin chi tiết về quyền sở hữu và bảo hiểm. Các chuyến hàng đôi khi được thực hiện bằng các tàu chở dầu nhỏ và sau đó được chuyển sang các tàu lớn hơn ở Địa Trung Hải để thực hiện hành trình đến châu Á.

Nhà phân tích Michelle Wiese Bockman của Lloyds List cho biết, giá của gần như tất cả các loại dầu thô và sản phẩm lọc dầu của Nga hiện cao hơn từ 28% đến 50% so với mức giá trần của G7. Bà cho biết một phần đáng kể các chuyến hàng dầu của Nga vẫn sử dụng bảo hiểm phương Tây, ngụ ý rằng họ đang tuân thủ mức trần.

Bà cho rằng tài liệu chứng thực không chính xác của các thương nhân phía Nga có thể giải thích cho việc quốc gia này đã vượt quá giới hạn giá như thế nào.

“Không có chứng cứ nào chứng minh những con tàu đó đã vi phạm các lệnh trừng phạt, nhưng tôi không thể biết khối lượng dầu tuân thủ theo mức giá đó là bao nhiêu. Những tài liệu này không được cung cấp công khai nhưng sẽ được cung cấp cho các cơ quan quản lý theo yêu cầu. Có lẽ cần phải quyết liệt hơn để tìm hiểu xem các giao dịch này đang được cấu trúc như thế nào để giá vẫn duy trì dưới mức trần”, bà nói.

Một cuộc điều tra của Financial Times cho thấy trên tuyến thương mại Nga - Ấn Độ, dầu được nạp tại các cảng Baltic của Nga với mức giá thấp hơn mức trần, nhưng đến Ấn Độ với giá cao hơn 18 USD/thùng, tức là gấp đôi chi phí vận chuyển.

Biện pháp đối phó mạnh mẽ nhất của Nga trước giới hạn giá của phương Tây là thỏa thuận mà nước này đã đạt được với Ả Rập Xê-út 12 tháng trước để cắt giảm sản lượng dầu, với tổng sản lượng cắt giảm của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga là 2 triệu thùng mỗi ngày. Việc cắt giảm đáng lẽ sẽ hết hạn vào tháng trước, nhưng Ả Rập Xê-út và Nga gần đây đã đồng ý gia hạn đến cuối năm nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận xét: “Liên minh Ả-rập Xê-út - Nga đang cho thấy một thách thức ghê gớm đối với thị trường dầu mỏ”.

Cơ quan này dự đoán nhu cầu sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm, với hầu hết về sự gia tăng đến từ Trung Quốc và cho biết nguồn cung sẽ thiếu hụt.

Đó là thị trường dầu của người bán và điều này giúp Nga có được mức giá mong muốn. Vận tải biển là một ngành quá phân tán để có thể áp đặt giới hạn giá của G7, đặc biệt khi những nước mua dầu lớn nhất của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là các bên tham gia dịch vụ này.

Bộ trưởng Yellen là một nhà kinh tế đáng gờm. Bà làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và Hội đồng Cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đồng thời đảm nhiệm các chức vụ quan trọng về mặt học thuật. Tuy nhiên, chính sách trần giá có thể đã cho thấy sự thông minh thái quá và đánh giá quá cao quyền lực của các cơ quan quản lý tài chính trong việc đưa ra các điều khoản thương mại đối với thị trường dầu mỏ.

Đã có những lo ngại rằng Nga có thể lợi dụng tình trạng thắt chặt của thị trường để tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sâu hơn trong mùa đông sắp tới, với nhiều điều gợi ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn làm cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trở nên khó khăn nhất có thể cho tới cuộc bầu cử Mỹ năm tới. Nga gần đây đã cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng với lý do nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong nước, điều này làm tăng thêm lo ngại toàn cầu về nguồn cung năng lượng.

Mặc dù một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể phù hợp với Nga nhưng nó lại không có lợi cho Ả Rập Xê-út. Sự liên minh giữa hai quốc gia chỉ là một sự thuận tiện. Ả Rập Xê-út muốn giữ giá dầu ở mức cao, nhưng không cao đến mức dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu hoặc sự gia tăng mới về sản lượng dầu đá phiến của Mỹ. Chỉ ba năm trước, sự bất đồng giữa Ả Rập Xê-út và Nga về việc cắt giảm sản lượng trước đại dịch đã dẫn đến một cuộc chiến giá cả toàn diện, có thời điểm khiến giá dầu toàn cầu âm.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông David Uren, một thành viên cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia.

Đỗ Khánh

ASPI