Phát triển năng lượng tái tạo ở châu Âu có tác động đến nguồn cung khí đốt từ Nga?

08:51 | 03/02/2021

|
(PetroTimes) - Với sự phát triển thành công của năng lượng tái tạo (NLTT) ở châu Âu, một câu hỏi được đặt ra là tại sao giá khí đốt hiện nay trở nên đắt hơn ở thị trường này? Các chuyên gia dầu khí của trang tin oilcapital.ru đã đưa ra những phân tích sâu về vấn đề này.
Gã khổng lồ Ý Enel đẩy mạnh công suất năng lượng tái tạo toàn cầuGã khổng lồ Ý Enel đẩy mạnh công suất năng lượng tái tạo toàn cầu
OPEC+, Covid-19, chuyển đổi năng lượng - 3 tác động cơ bản đối với dầu mỏ 2021OPEC+, Covid-19, chuyển đổi năng lượng - 3 tác động cơ bản đối với dầu mỏ 2021
Phát triển năng lượng tái tạo ở châu Âu có tác động đến nguồn cung khí đốt từ Nga?
Sơ đồ các đường ống khí đốt từ Nga sang châu Âu

Tại thị trường châu Âu, có nguồn tin cho rằng, tỷ trọng NLTT trong sản xuất điện ở liên minh trong năm 2020 lần đầu tiên vượt qua tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch, bao gồm khí đốt và than đá. Đây không phải là con số thống kê chính thức mà dựa trên kết quả báo cáo thường niên của tổ chức tư vấn Ember (Anh) và Viện nghiên cứu Agora Energiewende (Đức). Báo cáo này hoàn toàn phù hợp với đường lối và chính sách “xanh” của EU là đạt được sự trung hòa carbon. Theo ước tính của các nhà phân tích Đức và Anh, vào năm 2020, các nước EU lần đầu tiên sản xuất điện năng từ các nguồn NLTT (38%) nhiều hơn từ nhiên liệu hóa thạch (37%). Các chuyên gia Nga nhận định, báo cáo của Ember và Agora Energiewende không chỉ ra 25% tỷ trọng còn lại được sản xuất từ đâu. Ngoài ra không rõ các tác giả của tài liệu cho rằng loại hình sản xuất điện nào phát điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch và loại nào dựa trên NLTT.

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng, sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự gia tăng sử dụng năng lượng gió và mặt trời, đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015. Các tác giả của tài liệu cũng tin rằng châu Âu dựa vào năng lượng gió và mặt trời, sẽ không chỉ loại bỏ dần nhiên liệu than vào năm 2030 mà còn loại bỏ dần các nhà máy sản xuất điện khí và điện hạt nhân cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện. Báo cáo cho thấy một số quốc gia có tỷ trọng điện gió và mặt trời cao nhất ở châu Âu gồm: Đan Mạch (61%), Ireland (35%), Đức (33%) và Tây Ban Nha (29%). Trong những năm gần đây, xu hướng gia tăng kích thước tuabin và quy mô dự án đã trở thành đặc trưng của năng lượng gió tại châu Âu. Tại công viên năng lượng gió trên bờ lớn nhất châu Âu Markbygden đang được xây dựng ở Thụy Điển, nhà thầu sẽ lắp đặt các tuabin gió có chiều cao lên tới 300 m, tương đương với chiều cao của tháp Eiffel.

Cũng trong báo cáo của Ember và Agora Energiewende, các tác giả tập trung phân tích nhiều vào năng lượng mặt trời, năng lượng gió, trong khi ít đề cập đến thủy điện - nguồn NLTT hàng đầu ở nhiều nước EU và năng lượng sinh học. Một số chuyên gia cho rằng, điều này xuất phát từ cơ cấu đầu tư tài chính vào lĩnh vực NLTT ở EU. Trong năm 2018, năng lượng gió đã thu hút 60% tổng số khoản đầu tư vào năng lượng ở châu Âu, tiếp theo là năng lượng mặt trời. Những nỗ lực tài chính và tiếp thị để phát triển NLTT đã mang lại những kết quả nhất định. Trong năm 2020, năng lượng gió đã có thể đáp ứng 11,6% tổng nhu cầu điện của EU. Đây là một mốc thực sự quan trọng trong việc phát triển các nguồn NLTT. Do đó, các dự án NLTT quy mô lớn, sự phát triển công nghệ NLTT cũng như nỗ lực sáng tạo để thoát khỏi quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng chứng minh cho triển vọng thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng NLTT trong tương lai không xa.

Bên cạnh đó, với sự phát triển thành công của năng lượng gió, mặt trời, một câu hỏi đặt ra là tại sao giá khí đốt hiện nay lại trở nên đắt đỏ hơn ở châu Âu? Các chuyên gia Nga nhận định, đây không phải là tình huống mang tính bất khả kháng mà chủ yếu xuất phát từ những đợt lạnh bất thường xảy ra vào tháng 1/2021 tại châu Âu. Những đợt lạnh sâu xảy ra vào thời điểm các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất ở EU đã được nạp khoảng 60%. Mặc dù một lượng lớn nguồn lực đầu tư đã được dành cho lĩnh vực điện gió, giúp gia tăng mạnh nguồn cung điện ở EU, song có thể thấy rằng, bức tranh nhu cầu năng lượng của EU vào mùa đông thay đổi đáng kể. Thay vì điện năng, giới thương mại dầu khí đã ngay lập tức gia tăng thu mua nhiên liệu hóa thạch (khí đốt).

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu trên, các chuyên gia xuất phát từ thực tế là châu Âu vẫn đang là khách hàng nhập khẩu khí đốt truyền thống và lớn nhất của Nga. Sự phát triển các dự án NLTT có thể đe dọa đến việc xuất khẩu dầu khí của Nga sang thị trường châu Âu. Các công ty EU có thể yêu cầu giảm giá đối với sản phẩm hydrocarbon của Nga do sự phát triển mạnh của NLTT. Các chuyên gia cho rằng, chưa thấy lý do khách quan nào khiến NLTT của châu Âu có thể ảnh hưởng đến việc hình thành giá khí đốt. Tuy nhiên, thông điệp từ sự phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT ở châu Âu là minh chứng rõ ràng về việc hình thành một hệ tư tưởng khí hậu mới, nhằm chống lại hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang thị trường này.

Nhu cầu khí đốt để sưởi ấm cao hơn nhu cầu cho sản xuất điện năng

Theo đánh giá của Trung tâm Năng lượng, Trường quản lý Skolkovo Mátxcơva, sự phát triển của lĩnh vực NLTT ảnh hưởng đến vị thế của bất kỳ nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch nào cho châu Âu, không chỉ riêng Nga. Tuy nhiên, phần lớn khí đốt thiên nhiên ở châu Âu được sử dụng để sinh nhiệt và đun nấu trong các lĩnh vực thương mại và dân dụng. Sản xuất điện chỉ chiếm chưa đến 30% trong số 550 tỷ m3 khí tiêu thụ ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm. Ở Đức, tỷ lệ này chỉ ở mức 20% tổng lượng khí đốt tiêu thụ trong nước. Khu vực công nghiệp cũng là một lĩnh vực tiêu thụ khí đốt quan trọng ở châu Âu và việc chuyển đổi nó sang các nguồn NLTT bằng các biện pháp điện khí hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2020, nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Nga là Gazprom đã thông báo hết hạn một số hợp đồng cung cấp khí cho thị trường châu Âu với tổng khối lượng khoảng 70 tỷ m3. Tổng khối lượng theo các hợp đồng còn lại đến năm 2030 là vào khoảng 115 tỷ m3/năm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh sản lượng khí đốt của các nhà sản xuất EU giảm mạnh, phía Nga có thể kỳ vọng gia hạn thêm một số hợp đồng.

Sau năm 2030, ngành năng lượng châu Âu sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu hơn. Điều này sẽ có tác động mạnh đến xuất khẩu khí đốt của Nga. Với chính sách ưu tiên phát triển năng lượng hydro, lĩnh vực xuất khẩu khí đốt của Nga sang thị trường này sẽ tiếp tục phát triển, bao gồm cả việc đưa hydro vào giỏ hàng xuất khẩu. Đối với vấn đề giá, giá khí trong các hợp đồng được quy định theo một công thức gắn với rổ sản phẩm xăng dầu hoặc theo giá tại các trung tâm giao dịch khí ở châu Âu. Qua một vài dẫn chứng nêu trên có thể thấy, các nguồn NLTT mới đang ảnh hưởng gián tiếp đến triển vọng xuất khẩu khí đốt của Nga trong 10 năm tới. Ngoài ra, giá khí cũng không liên quan nhiều đến tiềm năng phát triển NLTT.

Mục đích chính trị trong các số liệu công bố

Phát triển năng lượng tái tạo ở châu Âu có tác động đến nguồn cung khí đốt từ Nga?

Chuyên gia Igor Yushkov của Đại học Tài chính thuộc Chính phủ LB Nga cho biết, các số liệu thống kê năng lượng của Eurostat trong năm 2020 có những điểm “kỳ lạ”. Năm vừa qua ghi nhận nhu cầu tốt đối với các nguồn năng lượng hóa thạch khi giá nhiên liệu truyền thống sụt giảm mạnh. Từ tháng 02/2020, giá khí đốt đã giảm khi mùa đông của châu Âu và châu Á ấm áp hơn so với mọi năm và sau đó là sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Kết thúc năm 2020, trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu phải tiếp tục phong tỏa, nhu cầu xăng dầu vẫn đang ở mức thấp thì giá khí đốt tại thị trường này đã tăng kỷ lục ngay trong tháng 1/2020. Điều này cho thấy, khí đốt thiên nhiên đã giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giữa các loại hình nhiên liệu.

Với chính sách ưu tiên phát triển các nguồn NLTT, EU hoàn toàn có thể sử dụng lý lẽ gây áp lực rằng, khí đốt phải đáp ứng yêu cầu cạnh tranh giữa các loại hình nhiên liệu trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng sự cạnh tranh của NLTT đối với khí đốt thiên nhiên là không đáng kể. Áp lực tương tự đối với Gazprom trong năm 2020 đã được áp dụng tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một số hợp đồng cung cấp khí đã kết thúc. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ công khai gây áp lực lên công ty Nga, cố gắng đẩy giá xuống trong khi tuyên bố rằng đã phát hiện một mỏ khí mới trên thềm lục địa Biển Đen, có thể giúp giảm nhập khẩu khí đốt tới 30%, mặc dù chưa khai thác được gì tại đó. Các chuyên gia nhận định, phía EU sẽ đưa ra các tuyên bố rõ ràng hơn nhằm vào các công ty dầu khí của Nga sau khi xác định các thông số của chính sách thuế carbon. Các số liệu cụ thể sẽ xuất hiện để tạo áp lực cho các nhà cung cấp như Gazprom và Novatek.

Một số chuyên gia Nga cho rằng, năm 2020 chứng kiến sự bất thường cả về nhiệt độ và nhu cầu. Nhiệt năng luôn được coi là năng lượng có nhu cầu cao điểm và nhu cầu cao điểm được đáp ứng chủ yếu bằng khí đốt. Liệu NLTT ở mức tải cao điểm có đáp ứng được nhu cầu gia tăng hay không đang là một câu hỏi lớn. Những số liệu thống kê của Eurostat có dấu hiệu động cơ chính trị nhằm ủng hộ chương trình nghị sự “xanh”.

Thị trường đang chứng kiến nhu cầu rất cao đối với nguyên liệu thô của Nga, nhất là các loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh đáng kể. Điều này đã đưa dầu Urals trở thành phân khúc cao cấp. Trong phần lớn thời gian của năm 2020, dầu thô Urals được giao dịch ở mức giá cao hơn giá dầu Brent. Nhu cầu dầu Urals đến từ cả thị trường châu Âu và châu Á. Do đó, nếu không có nhu cầu theo hướng châu Âu, các cơ sở tài nguyên dầu Urals sẽ chuyển hướng sang châu Á.

Một số chuyên gia cho rằng, châu Âu đang đánh mất một đối tác tin cậy về nguồn tài nguyên khí đốt thiên nhiên sẵn có. Nga cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết giá trên thị trường. Nguồn khí đốt của Nga có thể đến bất kỳ quốc gia nào tại châu Âu, bất kể vị trí chính trị của quốc gia đó. Nguồn cung khí đốt của Nga còn tăng thêm độ tin cậy đối với danh mục đầu tư chiến lược của châu Âu. Nếu có vấn đề chính trị hoặc thuế carbon, nguồn cung sẽ kém ổn định hơn đối với EU. Về mặt chiến lược, vị thế của những người mua châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Tóm tắt tất cả những điều trên có thể thấy rằng, vị trí dẫn đầu thế giới trong quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh” phải là Trung Quốc. Nước này không chỉ tăng cường mua nhiên liệu hóa thạch mà còn trở thành quốc gia đi đầu trong sản xuất điện từ các nguồn NLTT. Theo Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), tổng sản lượng điện gió của nước này đã đạt 466,5 TWh. Mặc dù có nhiều nhà máy điện hạt nhân lớn, song ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này chỉ sản xuất được 366,2 TWh trong năm vừa qua. Và EU không nên quá tự hào về tỷ lệ cung cấp điện từ năng lượng gió và hạt nhân của mình trong năm 2020 vừa qua.

Viễn Đông