OPEC+, Covid-19, chuyển đổi năng lượng - 3 tác động cơ bản đối với dầu mỏ 2021

15:00 | 01/02/2021

|
(PetroTimes) - Báo cáo triển vọng mới nhất của hãng phân tích Wood Mackenzie cho thấy, khả năng cân bằng thị trường dầu mỏ năm 2021 sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: sản xuất dầu trong khuôn khổ OPEC+, tình hình đại dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi năng lượng.
Dự báo giá dầu: Giá dầu không sụt giảm sâuDự báo giá dầu: Giá dầu không sụt giảm sâu
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng gió toàn cầuSự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng gió toàn cầu
OPEC+, Covid-19, chuyển đổi năng lượng - 3 tác động cơ bản đối với dầu mỏ 2021

Sau cú sốc nhu cầu dầu chưa từng có xảy ra vào năm 2020 trong bối cảnh bùng phát đại dịch, Wood Mackenzie dự báo, tổng nhu cầu nhiên liệu lỏng toàn cầu (các loại xăng, dầu) năm 2021 sẽ đạt trung bình 96,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 6,3 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2020.

Phó Chủ tịch của Wood Mackenzie Ann-Louise Hittle cho biết, dự báo ngắn hạn của hãng giả định việc phân phối vắc-xin sẽ tăng tốc trong năm nay và được củng cố bởi mức tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt 5% sau sự suy giảm -5,4% vào năm 2020. Tốc độ và sức mạnh phục hồi nhu cầu nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tốc độ phân phối vắc-xin Covid-19 và sự phục hồi kinh tế thế giới. Về nguồn cung, thị trường sẽ dồn sự chú ý vào kế hoạch nới lỏng hạn chế sản xuất dầu thô của OPEC+. Liên minh đã đạt được đồng thuận trong tháng 1/2021 về việc nới lỏng hạn chế sản xuất 2 triệu thùng/ngày xuống còn 5,8 triệu thùng/ngày trong tháng này. Điều này còn được hỗ trợ bởi một thỏa thuận đạt được giữa các bên rằng, việc tăng sản lượng sẽ trở lại theo mức tăng giá dầu thô và được quyết định vào đầu mỗi tháng, cùng với việc cắt giảm bổ sung tự nguyện trong tháng 2 và tháng 3 tới của KSA.

Wood Mackenzie đang giả định sản lượng khai thác dầu sẽ tăng dần từ tháng 4/2021 khi liên minh này sẽ nới lỏng hạn chế sản lượng xuống 5,8 triệu thùng/ngày theo kế hoạch vào quý 3/2021. Tuy nhiên, các quyết định của OPEC+ còn gặp nhiều rủi ro trong năm nay. Vấn đề đặt ra là OPEC+ có thể đàm phán về thỏa thuận mỗi tháng mà vẫn cam kết hạn chế sản xuất dầu hay không. Một số biện pháp hạn chế khai thác là cần thiết trong năm 2021 để cân bằng thị trường, nhưng cam kết cắt giảm có thể không được tuân thủ nghiêm túc khi nhu cầu dầu phục hồi. Tại Mỹ, chuyên gia Hittle dự báo, sản lượng khai thác sẽ sụt giảm khoảng 500.000 thùng/ngày trong năm 2021. Hoạt động khoan được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng phần lớn sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào giá dầu và mức độ sẵn sàng đầu tư của ngành để tăng trưởng sản lượng trở lại.

Trong khi có hy vọng về gia tăng sản lượng dầu thô toàn cầu trong năm nay, lĩnh vực lọc dầu tiếp tục đối mặt với những thách thức phức tạp do đại dịch Covid-19, nhất là OPEC+ cắt giảm sản lượng và một số dây chuyền tinh chế dầu thô mới đi vào vận hành. Ngay cả khi nhu cầu dự kiến tăng mạnh, công suất vận hành của các nhà máy lọc dầu năm 2021 dự kiến vẫn ở mức thấp. Do đó, việc tiếp tục gia tăng các dây chuyền lọc dầu mới trong năm nay sẽ là mối đe dọa đối với lĩnh vực này. Công suất lắp đặt lọc dầu trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng thêm 1 triệu thùng/ngày, phân bổ tại khu vực Trung Đông và châu Á. Bên cạnh đó, những người tham gia thị trường cũng cần phải chú ý đến các địa điểm xây dựng các dây chuyền lọc dầu mới có thúc đẩy quá trình mở rộng tinh chế dầu thế ở châu Á và các khu vực khác tại châu Á hay không.

Phó Chủ tịch của Wood Mackenzie Alan Gelder cho biết, lượng sản phẩm dự trữ trong năm 2020 tăng đột biến, đặc biệt đối với các sản phẩm chưng cất do nhu cầu nhiên liệu máy bay suy giảm mạnh. Nhu cầu xăng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch sẽ thúc đẩy gia tăng nhanh chóng công suất lọc dầu. Điều này có thể khiến giá các loại nhiên liệu chưng cất (chủ yếu là nhiên liệu máy bay và xăng) sụt giảm. Do đó, cần phải theo dõi sự phục hồi tương đối về nhu cầu giữa các sản phẩm dầu mỏ. Quá trình hội nhập trong lĩnh vực lọc dầu và giá cước vận tải thấp đã thay đổi động lực định giá toàn cầu đối với dầu diesel vào đầu năm nay, làm giảm giá dầu diesel tại châu Âu, suy giảm hoạt động lọc dầu và lợi nhuận. Giá dầu diesel của châu Âu hiện thấp hơn giá của Singapore do các nhà máy lọc dầu châu Á đang hoạt động với giá thành phẩm cao. Nhu cầu dầu ở châu Á đã phục hồi nhanh hơn châu Âu, đồng thời lĩnh vực lọc/hóa dầu tích hợp của khu vực này đang đạt tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn.

Việc cước vận tải hàng hóa còn khá rẻ, đặc biệt đối với các tàu loại VLCC mới sử dụng nhiên liệu sạch đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dầu diesel từ châu Á sang châu Âu. Điều này góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn cung ở châu Âu và hỗ trợ giá nội địa, nhưng tiềm ẩn nguy cơ dư thừa nguồn cung và gia tăng dự trữ sản phẩm dầu mỏ. Ông Gelder nhận định, những người tham gia thị trường cần theo dõi việc hoàn thành các tàu loại VLCC thế hệ mới, tốc độ phục hồi nhu cầu dầu diesel tại khu vực châu Âu và dự trữ trên các kho nổi giảm. Vấn đề quan trọng là thời điểm nhu cầu phục hồi hoàn toàn, sẽ thúc đẩy liên minh OPEC+ xuất khẩu dầu thô nhiều hơn, thúc đẩy hoạt động vận tải dầu mỏ cũng như giá cước vận tải tăng.

Một trong những chủ đề nóng nhất trong lĩnh vực lọc dầu năm nay là nhiên liệu tái tạo dạng lỏng (renewable liquid fuels) như: methanol, ethanol sinh học, diesel sinh học và nhiên liệu hydro tái tạo. Quá trình chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa carbon của nhiều công ty dầu khí mang lại hy vọng tồn tại cho các nhà máy lọc dầu đang có nguy cơ phải đóng cửa. Theo Wood Mackenzie, lộ trình đóng cửa theo kế hoạch đối với một số nhà máy lọc dầu là chuyển đổi thành một nhà ga/bến cảng nhằm duy trì vai trò cơ sở hạ tầng trong phân phối nhiên liệu lỏng. Giờ đây, các dây chuyền lọc dầu có cơ hội được tái sử dụng để sản xuất nhiên liệu tái tạo lỏng. Một ví dụ điển hình là tại bang California, Mỹ. Tiêu chuẩn về nhiên liệu carbon thấp của tiểu bang này đang hỗ trợ việc chuyển đổi như vậy để sản xuất dầu diesel tái tạo, thu hút nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở Mỹ.

Lựa chọn nguyên liệu thô là chìa khóa quan trọng vì không phải nguyên liệu thô nào cũng sẵn có, ví dụ như dầu ăn đã qua sử dụng. Do đó cần chú ý đến chính sách xuất khẩu nguyên liệu thô của các nước châu Á nhằm hỗ trợ sản xuất và sản xuất dầu diesel sinh học trong nước. Chính sách này có thể sẽ gây khó khăn cho một số khu vực có nhu cầu nhập khẩu lớn như châu Âu và Bắc Mỹ.

Viễn Dông