Pháp đầu tư điện hạt nhân để đảm bảo trung hòa carbon

10:32 | 12/11/2021

|
(PetroTimes) - Tổng thống Pháp mới đây thông báo, nước này sẽ tiếp tục xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trên lãnh thổ của mình để đảm bảo an ninh năng lượng và các mục tiêu giảm phát thải, giúp Pháp đạt trạng thái trung hòa carbon đến năm 2050.
Pháp đầu tư điện hạt nhân để đảm bảo trung hòa carbon

Theo đó, Pháp sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới sau 10 năm trì hoãn. Việc xây dựng nhà máy mới một phần xuất phát từ sự gia tăng mạnh giá khí và điện ở châu Âu thời gian gần đây.

Chính phủ Pháp đã phải “đóng băng” giá khí đốt và phát hành các khoản trợ cấp cho người dân có thu nhập dưới 2000 euro/tháng. Tổng thống Macron nhấn mạnh, các khoản đầu tư vào sản xuất năng lượng không phát thải CO2 sẽ giúp điều chỉnh thuế quan năng lượng và không phụ thuộc vào các quốc gia khác. Tỷ trọng các nhà máy điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng của nước này đạt 75%, song việc xây dựng các lò phản ứng mới đã bị dừng lại từ lâu. Ngoại trừ việc xây dựng lò phản ứng EPR thế hệ mới (bắt đầu từ năm 2007) vẫn chưa hoàn thành, tính đến tháng 7/2020, Pháp đã có 56 lò phản ứng hạt nhân công nghiệp đang hoạt động với tổng công suất 61,4 GW.

Pháp hiện chiếm vị trí số 1 thế giới về tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia và chiếm vị trí số 2 thế giới về sản lượng năng lượng này. Pháp tham gia vào nghiên cứu và phát triển riêng các lĩnh vực như công nghệ sản xuất lò phản ứng, chế tạo nhiên liệu hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ. Sản lượng điện hiện nay của Pháp đã vượt 20% so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nhờ năng lượng hạt nhân, nước này trở thành nhà xuất khẩu điện cho các quốc gia láng giềng như Tây Ban Nha, Đức.

Trước đó vào ngày 12/10/2021, Tổng thống Macron đã đề xuất khoản đầu tư 30 tỷ USD cho kế hoạch phát triển giai đoạn 2026 - 2030, trong đó có 8 tỷ euro dành cho ngành năng lượng và 1 tỷ euro dành riêng cho phát triển các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ (SMR). Đây là công nghệ được đánh giá là hứa hẹn, có thể sản xuất quy mô dây chuyền công nghiệp. Kể từ năm 2019, Chính phủ Pháp đã hỗ trợ tập đoàn công nghiệp Nuward (Pháp) thiết kế các lò phản ứng SMR. Những nghiên cứu của Phòng thí nghiệm hạt nhân quốc gia của Anh cho biết, thị trường SMR toàn cầu vào năm 2035 có thể đạt 300 - 500 tỷ USD, tổng công suất lắp đặt có thể đạt 65-85 GW. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các SMR từ khía cạnh kinh tế sẽ phụ thuộc phần lớn vào quy mô thị trường để hỗ trợ sản xuất ở quy mô dây chuyền công nghiệp.

Viễn Đông