Nhu cầu dầu Dự báo bi quan

15:50 | 06/10/2020

|
(PetroTimes) - Mới đây có 3 báo cáo quốc tế đầy bi quan về nhu cầu dầu mỏ từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tiếp theo. Do dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều “ông lớn” dầu khí đã phải điều chỉnh chiến lược phát triển để thích ứng.

Ngày 15-9, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hạ dự báo về sự phát triển của nhu cầu dầu trong năm 2020 do sự gia tăng của các trường hợp nhiễm mới Covid-19 ở nhiều quốc gia, các biện pháp phong tỏa địa phương, sự yếu kém của lĩnh vực hàng không... IEA dự kiến nhu cầu toàn cầu giảm 8,4 triệu thùng/ngày (Mb/d) trong năm 2020, giảm so với 8,1 Mb/d dự kiến trong báo cáo trước đó. Theo IEA, năm 2021, nhu cầu dầu sẽ đạt mức 97,1 Mb/d, vẫn thấp hơn năm 2017.

0727-gian-khoan-cya-boem-ngoai-khyi-by-biyn-byc-carolina-my

OPEC dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2021 được điều chỉnh giảm 0,4 Mb/d so với dự báo hồi tháng 7-2020. Nhu cầu dầu sẽ chỉ phục hồi 6,6 Mb/d vào năm 2021, tăng lên 96,9 Mb/d.

Trong báo cáo được công bố vào tháng 8-2020, IEA mô tả việc tái cân bằng thị trường dầu là “khó khăn”. Giờ đây, triển vọng phục hồi nhu cầu dầu thậm chí còn mong manh hơn.

Trước IEA, ngày 14-9-2020, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng tỏ ra bi quan về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 và 2021 do sự suy yếu ở một số nước châu Á sau đại dịch Covid-19.

Trong báo cáo hằng tháng, OPEC đã điều chỉnh giảm 0,4 Mb/d so với dự báo hồi tháng 8. Theo đó, nhu cầu toàn cầu trong năm 2020 có thể sẽ giảm mạnh hơn so với dự đoán, giảm 9,5 Mb/d, chỉ đạt 90,2 Mb/d do cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19.

Khác với IEA, báo cáo của OPEC đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn mà một số nước châu Á đang đối mặt. OPEC cho biết: Cho đến nay, nhu cầu dầu ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines đã yếu hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Tình hình kinh tế tiêu cực ở một số nước châu Á sẽ còn tiếp tục được duy trì trong nửa đầu năm 2021.

Từ đó, OPEC dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2021 được điều chỉnh giảm 0,4 Mb/d so với dự báo hồi tháng 7-2020. Nhu cầu dầu sẽ chỉ phục hồi 6,6 Mb/d vào năm 2021, tăng lên 96,9 Mb/d.

OPEC đã cùng với các đồng minh, trong đó có Nga, hạn chế tự nguyện và hạn chế bắt buộc sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu thô. Tuy nhiên, một số nước thành viên OPEC đã không tuân thủ hạn ngạch sản xuất mà lại bơm nhiều hơn trong tháng 8 so với tháng 7-2020, hơn 763.000 thùng/ngày, khiến Ảrập Xêút cảm thấy “bực mình”. Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Abdel Aziz ben Salman phải tuyên bố: “Tuân thủ đầy đủ hạn mức sản lượng không phải là một hành động từ thiện, nó là một phần không thể thiếu trong nỗ lực tập thể của chúng ta nhằm đưa giá dầu tăng trở lại”.

Cũng trong ngày 14-9-2020, OPEC đưa ra đánh giá mới về thị trường dầu mỏ. Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) cũng nhận định rằng, thời kỳ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đã chấm dứt do hậu quả của đại dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo BP, nhu cầu dầu mỏ có thể đã chạm trần và sắp trải qua nhiều thập niên suy giảm chưa từng có.

Để đối phó với tình hình không khả quan, BP đang lên kế hoạch thay đổi mạnh mẽ cách thức làm việc của nhân viên theo hướng linh hoạt hơn như làm việc từ xa. Đây là thời điểm BP đang bắt đầu tái cấu trúc mạnh mẽ để xanh hóa các hoạt động và thích ứng với cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ, với kế hoạch cắt giảm chi phí và 10.000 việc làm. BP dự định cho nhân viên kết hợp làm việc tại nhà và văn phòng. BP cũng linh hoạt hơn trong các cuộc họp, chủ yếu được tổ chức trực tuyến.

Những phương pháp làm việc mới đó sẽ dẫn đến những thay đổi trong cách BP quản lý các khu vực khác nhau. BP có tổng 70.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó 30.000 nhân viên tại các điểm khai thác, trong các nhà máy, do đó họ không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về làm việc tại văn phòng. Khoảng 25% trong số 40.000 nhân viên còn lại làm việc trong văn phòng có khả năng bị ảnh hưởng bởi kế hoạch thay đổi cách thức làm việc.

Mặt khác, BP cũng đã đánh tụt giá trị tài sản lớn liên quan đến cuộc khủng hoảng thị trường dầu mỏ, giảm đầu tư, giảm 50% cổ tức... Các quyết định này sẽ giúp BP tiết kiệm nhiều hơn để vượt qua khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng khiến BP phải điều chỉnh chiến lược. BP dự định sẽ thực hiện một sự chuyển đổi lớn, không còn muốn trở thành một group dầu khí, mà là một group năng lượng tích hợp, nhằm đối phó với tình hình mới sau đại dịch và tôn trọng các cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Đồng thời, BP sẽ giảm sản xuất dầu khí, ít nhất 1 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, giảm 40% so với mức của năm 2019.

Để minh chứng cho sự chuyển đổi đó, mới đây, BP thông báo tham gia vào thị trường điện gió ngoài khơi thông qua hợp tác với Tập đoàn Equinor của Na Uy tại Mỹ. Theo đó, BP sẽ trả 1,1 tỉ USD cho Equinor để cùng phát triển các dự án điện gió hiện ở ngoài khơi New York và Massachusetts. BP cho biết, đây là khoản đầu tư đầu tiên của BP vào loại năng lượng đang bùng nổ trên toàn thế giới, giúp BP đạt được những mục tiêu lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vào mùa hè vừa qua, BP đã thông báo muốn tăng gấp 10 lần khoản đầu tư vào năng lượng có lượng phát thải carbon thấp vào năm 2030, đạt 5 tỉ USD mỗi năm, đặc biệt là đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ngoài BP, nhiều tập đoàn khác như Total, ENI và các tập đoàn dầu khí của Mỹ cũng đang làm những điều tương tự.

OPEC dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2021 được điều chỉnh giảm 0,4 Mb/d so với dự báo hồi tháng 7-2020. Nhu cầu dầu sẽ chỉ phục hồi 6,6 Mb/d vào năm 2021, tăng lên 96,9 Mb/d.

S.Phương