Nhật Bản: Cân bằng khó khăn giữa đồng minh và an ninh năng lượng

09:09 | 05/04/2022

|
(PetroTimes) - CNBC, NHK (Nhật Bản) ngày 1/4/2022 đưa các phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda, cho biết Nhật Bản sẽ không rút khỏi các dự án dầu và khí đốt tự nhiên ở vùng Viễn Đông của Nga. Hiện nay, một số công ty năng lượng Nhật Bản đang đầu tư vào các dự án phát triển dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, bao gồm Sakhalin-1, Sakhalin-2 và Arctic LNG 2 (ARC 2).
Nhật Bản: Cân bằng khó khăn giữa đồng minh và an ninh năng lượng
Nhật Bản không có ý định rút khỏi các dự án dầu và khí LNG ở Nga, trong đó có dự án ngoài khơi Sakhalin, nằm ở phía bắc Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh:Kyodo.

Các công ty Nhật Bản như METI, Itochu, JAPEX, Marubeni và Inpex đầu tư vào dự án Sakhalin-1, trong khi đó, hai công ty Mitsui và Mitsubishi nằm trong số các nhà đầu tư của dự án Sakhalin-2. Công ty Mitsui cùng với Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đầu tư cho dự án ARC 2.

Phát biểu hôm Thứ Sáu (1/4), Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda Koichi nói rằng những dự án này hết sức cần thiết đối với nhu cầu năng lượng của Nhật Bản. Bộ trưởng Koichi Hagiuda cho biết: “Chúng tôi đã quyết định sẽ theo đuổi những dự án này lâu dài. Trong tình hình giá năng lượng tăng vọt như hiện nay, chúng tôi có thể thu mua năng lượng với giá rẻ hơn giá thị trường. Điều này cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước".

Bộ trưởng Koichi Hagiuda cho biết Nhật Bản nhập khẩu khoảng 90% dầu thô từ Trung Đông và dự án Sakhalin-1 là một nguồn năng lượng quan trọng bên ngoài khu vực đó. Ông cho biết thêm rằng dự án Sakhalin-2 chiếm khoảng 9% tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của Nhật Bản. "Nhật Bản có cổ phần trong cả hai dự án và đã đảm bảo nguồn cung lâu dài. Các dự án cung cấp năng lượng cho đất nước chúng ta với giá thấp hơn thị trường và chi phí năng lượng tăng cao đang khiến các dự án trở nên quan trọng hơn." Bộ trưởng Koichi Hagiuda cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án phát triển LNG ở Bắc Cực của Nga.

Nhật Bản không có ý định rút khỏi các dự án dầu và khí LNG ở Nga
Nhật Bản không có ý định rút khỏi các dự án dầu và khí LNG ở Nga.Ảnh: ARC 2/Novatek.

Trước đó hôm thứ Năm (31/3), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ không từ bỏ dự án khí đốt lớn của Nga khi nói với các quan chức hàng đầu của Nhật Bản rằng sẽ không mạo hiểm với an ninh năng lượng của Nhật Bản. Các nguồn tin cho biết, trong các cuộc họp vào đầu tháng Ba, Thủ tướng Fumio Kishida đảm bảo với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda, và các quan chức khác rằng Nhật Bản sẽ ở lại dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2 (LNG) vì việc rời đi sẽ ảnh hưởng nền kinh tế.

Phát biểu với Quốc hội Nhật Bản hôm thứ Năm (31/3), Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh “chính sách của chúng ta không phải là rút” khỏi Sakhalin-2. Đây là phát biểu công khai rõ ràng nhất của Nhật Bản về dự án năng lượng ngoài khơi này.

Sự cân bằng khó khăn giữa đồng minh và an ninh năng lượng

Đối mặt với cuộc bầu cử quốc gia vào tháng Bảy, Thủ tướng Kishida muốn tránh việc hóa đơn nhiên liệu tăng vọt và nguy cơ mất điện. Phát biểu ban đầu sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải đi song hành với G-7, đồng thời duy trì nguồn cung cấp năng lượng ổn định. Tuy nhiên, trong những tuần sau đó, các nhà hoạch định chính sách ngày càng nói nhiều về việc cổ phần của Nhật Bản tại các dự án LNG ở Nga có thể đối mặt với nguy cơ bị thu hồi như thế nào và tầm quan trọng của an ninh năng lượng.

Sự thay đổi tinh tế trong thông điệp công khai của cả Thủ tướng Fumio Kishida và các quan chức chính phủ khác trong những tuần sau đó đã cho thấy sự cân bằng khó khăn của Nhật Bản trong việc điều hướng phản ứng của mình cùng với các quốc gia G7 khác. Ngay cả khi đưa ra các lệnh cấm vận nhằm vào các ngân hàng và giới tài phiệt Nga, Nhật Bản có ít không gian hành động hơn so với một số đồng minh để cắt đứt quan hệ với khí đốt của Nga. Sau khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, Nhật Bản đã ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng của Nga.

Thông báo của Thủ tướng Fumio Kishida cũng có thể thể hiện một thắng lợi cho chính sách năng lượng của Bộ Thương mại Nhật Bản đối với hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao và có thể xoa dịu các nhà đầu tư vào các công ty Nhật Bản sở hữu cổ phần tại Sakhalin-2 và các dự án khác ở Nga.

Sự phụ thuộc vào LNG

Trong hơn một thập kỷ, Nhật Bản đã khai thác khí đốt của Nga để cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông và bù đắp năng lực hạt nhân đã mất. Mặc dù mới chiếm một tỷ trọng nhỏ trong LNG của Nhật Bản, khí đốt của Nga có giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá thị trường giao ngay, và cùng với khí đốt từ Úc và Đông Nam Á, đã thúc đẩy lượng tiêu thụ năng lượng LNG của Nhật Bản từ mức ít hơn một phần tư thập kỷ trước lên hơn một phần ba.

Nhật Bản: Cân bằng khó khăn giữa đồng minh và an ninh năng lượng
Tàu chở LNG Sohshu Maru đi vào cảng Futtsu Thermal Power Station, ở Futtsu, tỉnh Chiba, Nhật Bản.Ảnh: Kiyoshi Ota/Bloomberg/Getty Images.

Một quan chức cấp cao của cơ quan năng lượng Nhật Bản, yêu cầu dấu tên, cho biết nếu Nhật Bản buộc phải thay thế LNG của Nga bằng khí đốt mua trên thị trường giao ngay, điều đó có nghĩa là Nhật Bản phải chi phí bổ sung lên tới 3 nghìn tỷ yên (25 tỷ USD), theo giá giao ngay hiện tại. Các công ty điện và khí đốt của Nhật Bản đang sử dụng LNG của Nga. Hiroshima Gas, quê hương của Thủ tướng Kishida, phụ thuộc vào LNG của Nga cho một nửa nguồn cung của mình. LNG chiếm một phần tư tổng năng lượng hỗn hợp của Nhật Bản và tạo ra 36% điện năng của đất nước. Ken Koyama, Giám đốc điều hành cấp cao tại Viện Kinh tế Năng lượng cho biết ngay cả khi nguồn cung có thể được đảm bảo, chi phí khí đốt sẽ tăng lên rất nhiều.

Các lo ngại an ninh quốc gia

Dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất của Nhật Bản, chiếm khoảng hai phần năm (2/5) lượng tiêu thụ và gần như tất cả được vận chuyển từ Trung Đông trên các tuyến đường hàng hải. Đối với một số quan chức chính phủ, lo ngại lớn nhất là Nhật Bản sẽ mất quyền khai thác khí đốt từ Sakhalin, làm giảm khả năng độc lập năng lượng và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Một trong những nguồn tin cho biết, nếu Tokyo cấm khí đốt của Nga, Bắc Kinh có thể mua nó. Quan chức cơ quan năng lượng cho biết độc lập về năng lượng từ lâu đã là mối quan tâm của Nhật Bản, bày tỏ lo ngại “cuối cùng có thể gây căng thẳng với châu Âu và Mỹ”.

Cho đến nay, Nhóm G7 mới nhất trí giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga thay vì áp đặt lệnh ngừng mua năng lượng ngay lập tức. Đặc biệt, Đức lo ngại với việc cấm các nguồn cung năng lượng từ Nga, chiếm khoảng một phần ba nhu cầu về lượng khí đốt của Đức. Takayuki Homma, nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Corp Global Research cho biết nếu các thành viên khác của G7 quyết định cấm nhập khẩu năng lượng của Nga thì Nhật Bản cũng phải làm như vậy, nếu G7 quyết định không cấm, thì Nhật Bản có thể tránh phải làm việc này./.

Thanh Bình