Ngành khí đốt đến năm 2050 sẽ ra sao?

11:00 | 27/02/2020

|
(PetroTimes) - Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) ngày 14 tháng 2 đưa ra dự báo sự phát triển của thị trường khí đốt đến năm 2050. Theo đó, thị trường gas sau 30 năm tới vẫn phát triển tốt.
nganh khi dot den nam 2050 se ra sao
Hội nghị thượng đỉnh GECF lần thứ 5 tháng 11 năm 2019

Bản dự báo được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn cao nhất về sinh thái, trong đó có sử dụng giấy tái chế và mực thực vật. Các nhà phân tích GECF cho rằng, tới năm 2050 tiêu thụ khí đốt chiếm vị trí số 1 trong các nguồn năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Theo GECF, chìa khóa để ngành công nghiệp khí phát triển là tăng trưởng kinh tế và dân số. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu chững lại trong vài năm tới, song triển vọng dài hạn cho thấy GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình 3,2%/năm. Dân số thế giới đến năm 2050 sẽ tăng khoảng 2,2 tỷ người, đạt 9,8 tỷ người.

GECF nhận định, nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục thống trị trong các nguồn năng lượng toàn cầu, sẽ chiếm 71% vào năm 2050, giảm 10% so với mức 81% năm 2018. Đến năm 2050, dầu sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng quan trọng nhưng tỷ trọng giảm từ 32% xuống 26%. Tỷ trọng than giảm xuống còn 18%. Còn khí đốt thiên nhiên trở thành nguồn nhiên liệu hydrocarbon tăng tỷ trọng từ 23% (2018) lên 27% (2050) do nhận được hỗ trợ chính trị tại nhiều quốc gia đang giảm sử dụng nhiên liệu phát thải nhiều CO2 cũng như là lựa chọn linh hoạt để bổ sung cho các nguồn năng lượng tái tạo. Theo dự báo của GECF, đến năm 2050 mức tiêu thụ khí đốt thiên nhiên sẽ tăng 1,3%/năm lên mức 5.900 tỷ m3, trong đó tiêu thụ khí đốt tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Trung Đông sẽ ở mức cao nhất, lần lượt là 39%, 24% và 13%. Nhu cầu khí đốt tại châu Âu sẽ tăng đến năm 2030, sau đó suy giảm dần. Các khu vực sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới sẽ là Bắc Mỹ (Mỹ), Nga, châu Phi và Trung Đông (Iran), trong đó sản xuất khí đốt từ các nguồn phi truyền thống (như khí đá phiến) sẽ tăng tỷ trọng từ 25% đến 38% vào năm 2050.

Thương mại khí hóa lỏng (LNG) sẽ vượt khí đốt qua đường ống. Theo GECF, tính đến năm 2050, thương mại LNG toàn cầu sẽ tăng 2,9%/năm và đạt 1.077 tỷ m3 (2050), trong khi thương mại khí đốt bằng đường ống chỉ tăng trung bình 1,2%/năm và đạt 1.063 tỷ m3 (2050). Dự báo cũng chỉ ra rằng, công suất sản xuất LNG toàn cầu đang tăng nhanh với nhiều dự án sẽ triển khai trong vòng 7-10 năm tới. Mỹ, Úc, Qatar, Nga và Mozamque sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về tiềm năng xuất khẩu. Dự báo đến năm 2050, xuất khẩu khí đốt dưới dạng LNG sẽ tăng từ 37,2% (2018) lên mức 45,2% (2030) và 50,3% (2050). Số quốc gia xuất khẩu khí đốt sẽ tăng từ 28 (2018) lên 32 (2050). Số quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu khí đốt được dự báo sẽ tăng từ 63 (2018) lên 81 (2050). Các chuyên gia nhận định, cấu trúc thị trường khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục được phân chia theo khu vực địa lý đến năm 2035. Sau đó, với sự phát triển mạnh của nguồn cung LNG cũng như mạng lưới giao thông, thương mại thì thị trường khu vực sẽ hợp nhất và hình thành thị trường khí toàn cầu. Tại thị trường châu Âu, nguồn khí đốt vẫn chủ yếu là từ đường ống và sẽ giữ tỷ lệ 75% khối lượng. Tuy nhiên ở khu vực châu Á, LNG sẽ thống trị tuyệt đối.

TT Phạm

Oilcapital