Năng lượng tái tạo - Từ nhận thức đến thực tế

11:46 | 08/12/2020

|
(PetroTimes) - Nguyên tắc cơ bản để phân biệt các loại năng lượng là sự phân biệt giữa “năng lượng sơ cấp” và “năng lượng cuối cùng”, có tác động lớn đến việc lựa chọn chính sách năng lượng. Tạp chí Năng lượng Mới giới thiệu bài viết của Samuel Furfari, giáo sư tại Đại học Tự do Brussels (ULB), về vấn đề này.

Sự khác biệt về năng lượng

Năng lượng sơ cấp là năng lượng thô có trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, dầu, khí đốt, uranium, sinh khối, gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Trong hầu hết các thống kê trên thế giới, năng lượng sơ cấp đến từ các nguồn được phân bố rộng rãi trong các nhóm dân cư nghèo nhất - đó là gỗ và chất thải gỗ, rơm rạ, than củi, phân động vật sấy khô - không được tính.

Năng lượng tái tạo - Từ nhận thức đến thực tế
Lâu nay người ta vẫn đánh đồng năng lượng tái tạo chỉ là liên quan đến điện gió và mặt trời

Vì năng lượng sơ cấp thường không dễ sử dụng (dầu từ giếng không thể được đưa trực tiếp vào động cơ...), nó cần được chuyển đổi chủ yếu trong các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu. Ở mỗi giai đoạn biến đổi, năng lượng sẽ suy giảm. Cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp nhất định, năng lượng sơ cấp có thể sử dụng được mà không chuyển hóa, ví dụ như khi khí đốt tự nhiên hoặc gỗ được đốt để sưởi ấm...

Năng lượng cuối cùng được cung cấp cho người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, lượng năng lượng cuối cùng luôn thấp hơn lượng năng lượng sơ cấp (tổn thất liên quan đến các quy trình chuyển hóa có thể và vận chuyển). Năng lượng cuối cùng thường đáp ứng mục đích sử dụng: Sản xuất hơi nóng và hơi lạnh, được gọi là “sử dụng cố định”, cho nhu cầu sinh hoạt (sưởi ấm, đun nước nóng sinh hoạt hoặc làm mát nhà) hoặc cho công nghiệp (lò nướng công nghiệp...), sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch hoặc sinh khối (gỗ).

Bên cạnh đó, giao thông vận tải phụ thuộc 94% vào các sản phẩm dầu mỏ (sản phẩm đạt được sau quá trình chuyển hóa dầu thô trong nhà máy lọc dầu). Điện được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch (bên cạnh điện hạt nhân, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác).

Năng lượng qua những thống kê

Hầu hết dữ liệu về năng lượng được sử dụng đến từ Eurostat của Ủy ban châu Âu (EC), nơi thu thập và xử lý số liệu thống kê từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Có nhiều cơ sở dữ liệu khác: Enerdata, Cơ quan Năng lượng quốc tế, đánh giá thống kê của BP (một trong những nguồn thông tin tốt nhất về năng lượng, được các tổ chức phi chính phủ về môi trường sử dụng), Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ...

Năng lượng tái tạo - Từ nhận thức đến thực tế
Biểu đồ mô tả mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở châu Âu năm 2018

Trong EU (không bao gồm Anh), hơn 1/3 năng lượng bị tiêu hao trong quá trình chuyển từ năng lượng sơ cấp thành năng lượng cuối cùng, theo dữ liệu mới nhất của Eurostat công bố tháng 7-2020.

Cũng cần lưu ý rằng, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong các chỉ thị của châu Âu được biểu hiện bằng % trên tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Do đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo này có thể tăng bằng cách tăng tử số, tức là bằng cách tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn, hoặc bằng cách giảm mẫu số, tức là bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã dẫn đến việc giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng, do đó sẽ giúp EU có thể tiếp cận mục tiêu 20% năng lượng tái tạo vào năm 2020.

Trong trí tưởng tượng của mọi người, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, năng lượng thường được liên tưởng đến điện năng. Theo nhiều người, tỷ lệ năng lượng tái tạo không liên tục (điện gió, mặt trời...) ngày càng tăng và đôi khi tăng rất đáng kể, nhưng họ không biết rằng, điện chỉ chiếm 23% năng lượng tiêu thụ cuối cùng vào năm 2018. Nói cách khác, khi chúng ta chỉ quan tâm đến điện năng, chúng ta đã bỏ qua hơn 3/4 năng lượng mà chúng ta tiêu thụ. Dĩ nhiên, chúng ta kỳ vọng trong trung hạn sẽ có nhiều điện năng tiêu thụ cuối cùng hơn và do đó tỷ trọng này sẽ tăng lên. Nhưng liệu chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý rằng, chúng ta cũng sẽ sưởi ấm 180 triệu ngôi nhà ở châu Âu bằng các nguồn điện tái tạo không liên tục?

Hãy xem xét kỹ hơn về dữ liệu điện. Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1/3 sản lượng điện năm 2018 (theo số liệu mới nhất của Eurostat) và riêng thủy điện chiếm 38% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (thuật ngữ “năng lượng tái tạo” thường bị coi là đồng nghĩa với điện gió và điện mặt trời một cách nhầm lẫn). Nhiều người đang lên tiếng đề nghị không nên coi lĩnh vực thủy điện là năng lượng tái tạo, bởi vì nó phá vỡ môi trường, bằng cách làm ngập vùng thượng nguồn khi tích nước và làm lụt các vùng hạ nguồn khi xả nước.

Vào năm 2018, năng lượng tái tạo được nói rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng chỉ chiếm 2,5% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở trong các quốc gia thành viên EU (1,4% ở Pháp, 1,8% ở Bỉ và 4,3% ở Đức...).

Tỷ lệ năng lượng tái tạo đã tăng lên đáng kể ở châu Âu trong nửa đầu năm 2020, trong khi tiêu thụ điện giảm khoảng 7% trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Covid-19. Điện gió và điện mặt trời được nối vào mạng lưới cũng tăng do được hưởng lợi từ điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng cộng, điện gió và điện mặt trời chiếm gần 20,2% sản lượng điện ở EU trong nửa đầu năm 2020, theo số liệu từ Ember (vẫn ít hơn điện hạt nhân, nguồn điện chính của EU).

Năm 2018, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 2,5% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở trong các quốc gia thành viên EU (1,4% ở Pháp, 1,8% ở Bỉ và 4,3% ở Đức...). Trong nửa đầu năm 2020, điện gió và điện mặt trời chiếm gần 20,2% sản lượng điện ở EU, theo số liệu từ Ember.

S.Phương