Năng lượng tái tạo ở châu Phi: Tiềm năng chưa được khai thác

09:00 | 16/11/2022

|
(PetroTimes) - COP27 bước vào tuần thứ hai tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. Tại hội nghị về khí hậu này, công ty BloombergNEF đã đưa ra một báo cáo chỉ ra rằng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Phi còn thấp.
Năng lượng tái tạo ở châu Phi: Tiềm năng chưa được khai thác

Mức đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Phi thậm chí còn được BloombergNEF coi là “đáng báo động”. Năm vừa qua, mức đầu tư này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Thậm chí so với năm 2020, các khoản đầu tư đã giảm 35% vào năm 2021, trong khi đó, các khoản đầu tư trên toàn cầu tăng 9%.

Trong số 434 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, chỉ có 2,6 tỷ USD được đầu tư vào châu Phi cho năng lượng mặt trời, gió hoặc năng lượng địa nhiệt, chiếm 0,6% tổng lượng đầu tư thế giới.

Tiềm năng to lớn của Châu Phi

Cơ quan Năng lượng Quốc tế tính toán rằng 60% các địa điểm tốt nhất để sản xuất điện mặt trời nằm tại lục địa châu Phi. Tuy nhiên, hiện tại, châu Phi là nơi chỉ có 1,3% công suất lắp đặt năng lượng mặt trời trên thế giới, tập trung ở một số quốc gia nhỏ như Ai Cập, Maroc và Nam Phi.

Điều gì hạn chế các khoản đầu tư này?

86% quốc gia châu Phi có mục tiêu dài hạn cho cái gọi là năng lượng sạch, so với 57% vào năm 2019. Nhưng báo cáo cho thấy cơ chế thực hiện vẫn còn yếu. Những điểm cần được cải thiện: cần có kế hoạch đẩy mạnh mở rộng mạng lưới điện hoặc các điều kiện mua bán. BloombergNEF đề nghị sử dụng thường xuyên hơn các hệ thống đấu giá hoặc đấu thầu.

Trang bị kiến thức tốt hơn về các cơ hội liên quan đến năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư cũng có thể giúp loại bỏ các rào cản.

Tài chính là một trong những chìa khóa của nền kinh tế khử cacbon

Tuy nhiên, các quốc gia phát triển, chủ yếu gây dựng sự giàu có từ nhiên liệu hóa thạch, vẫn không thực hiện lời hứa tăng viện trợ lên 100 tỷ USD mỗi năm nhằm giúp các nước nghèo giảm phát thải và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Vấn đề về “các giải pháp thay thế công nghệ và tài chính” cho quá trình chuyển đổi sinh thái là trọng tâm trong các bài phát biểu của chính quyền Congo trong cuộc họp chuẩn bị vào tháng trước ở Kinshasa. Trong khi đó, Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) và Senegal đang đòi quyền khai thác các nguồn hydrocacbon mới được phát hiện gần đây của mình.

Tại hội nghị COP27, Macky Sall, Tổng thống Senegal kêu gọi “một quá trình chuyển đổi xanh công bằng và bình đẳng thay vì những quyết định gây tổn hại đến quá trình phát triển” ở đất nước của ông. Không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Các nhà hoạt động khí hậu ở Sharm el-Sheikh đang lo ngại về cơn sốt khí đốt ở châu Âu. Bà Thuli Makama thuộc Oil Change International tin rằng, cơn khát khí đốt của châu Âu do cuộc chiến Ukraine gây ra sẽ “rất ngắn hạn”. Vì vậy, bà Makama lo ngại rằng các quốc gia châu Phi đã đầu tư vào những phát hiện dầu khí mới sẽ rơi vào tình trạng “tài sản mắc kẹt”.

Một báo cáo của Carbon Tracker vừa công bố dự đoán sự suy yếu của các khoản đầu tư từ phương Tây và đưa ra lời khuyên nên đặt cược vào năng lượng mặt trời. Theo Carbon Tracker, châu Phi có thể tăng từ 14 GW công suất mặt trời hiện tại lên hơn 400 GW vào năm 2050.

Chiến lược năng lượng hạt nhân của Pháp đối mặt với những vấn đề lớn trong mùa đông nàyChiến lược năng lượng hạt nhân của Pháp đối mặt với những vấn đề lớn trong mùa đông này
Mozambique nhận gói tài trợ 2,5 triệu USD để phát triển năng lượng tái tạoMozambique nhận gói tài trợ 2,5 triệu USD để phát triển năng lượng tái tạo
Châu Âu Châu Âu "mắc kẹt" trong tiến trình thúc đẩy năng lượng tái tạo giữa xung đột Ukraine

Nh.Thạch

AFP