Chiến lược năng lượng hạt nhân của Pháp đối mặt với những vấn đề lớn trong mùa đông này

15:47 | 14/10/2022

|
(PetroTimes) - Các nhà phân tích năng lượng cho biết Pháp đang đối mặt với một mùa đông đáng thất vọng vì các vấn đề sâu xa liên quan tới chiến lược năng lượng hạt nhân của nước này.
Chiến lược năng lượng hạt nhân của Pháp đối mặt với những vấn đề lớn trong mùa đông này

Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ đội tàu hạt nhân gồm 56 lò phản ứng, tất cả đều do công ty nhà nước EDF vận hành. Pháp là nước có số lò phản ứng lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ, đảm bảo Paris ít bị ảnh hưởng hơn các nước láng giềng trước việc cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Pháp không chỉ mất vị trí là nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu trong năm nay mà còn nhập khẩu nhiều điện hơn lượng điện xuất khẩu. Để bù đắp, Pháp đã nhập khẩu điện đắt tiền từ Anh, Đức, Tây Ban Nha và các nước khác. Để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong những tháng tới, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch giới hạn mức tăng giá điện và khí đốt ở mức 15% trong năm tới.

Chiến lược năng lượng hạt nhân của Pháp đối mặt với những vấn đề lớn trong mùa đông này
Các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động tại Pháp. Nguồn: WNA.

Tuy nhiên, hơn một nửa số lò phản ứng hạt nhân của EDF đã phải ngừng hoạt động vì các vấn đề ăn mòn, bảo trì và các vấn đề kỹ thuật trong những tháng gần đây, một phần do các đợt nắng nóng khắc nghiệt và sự chậm trễ sửa chữa do đại dịch Covid-19. Sản lượng điện của Pháp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết EDF đã cam kết khởi động lại tất cả các lò phản ứng hạt nhân vào mùa đông này, với các lò phản ứng đã đóng cửa sẽ mở lại mỗi tuần kể từ tháng 10.

Giá điện của Pháp đã tăng lên cao nhất mọi thời đại vào mùa hè này, đạt đỉnh ở mức 1.100 euro (1.073 USD) mỗi megawatt giờ vào cuối tháng 8. Các nhà phân tích lo ngại Pháp có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu của chính mình và các nước láng giềng trong những tháng tới.

Sản lượng điện ốm yếu của Pháp diễn ra trong bối cảnh nhiều nước khác ở châu Âu đang chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân để thay thế cho sự thiếu hụt khí đốt của Nga. Đức, quốc gia ban đầu có kế hoạch đóng cửa 3 lò phản ứng còn lại của mình vào cuối năm nay, đã quyết định trì hoãn giai đoạn ngừng hoạt động hạt nhân để tăng cường nguồn cung cấp năng lượng vào mùa đông này. Vương quốc Anh đang tìm cách tăng cường sản xuất điện hạt nhân và EU đã liệt kê năng lượng hạt nhân vào danh sách các khoản đầu tư “xanh” của mình.

Thanh Bình