Châu Âu "mắc kẹt" trong tiến trình thúc đẩy năng lượng tái tạo giữa xung đột Ukraine

17:54 | 10/11/2022

|
(PetroTimes) - Sản xuất năng lượng tái tạo ở châu Âu ở mức kỷ lục sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến một số nhà phân tích dự đoán rằng châu lục này đã sẵn sàng trong việc thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch.
Châu Âu

Al Jazeera dẫn báo cáo của các tổ chức nghiên cứu năng lượng E3G và Ember cho thấy, từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, lượng điện năng được tạo ra từ gió và quang điện Mặt Trời ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng kỷ lục 13% so với cùng kỳ năm ngoái - từ 311TWh lên 350TWh.

Vào thời điểm Nga đang cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu, dấy lên những lo ngại về tình trạng thiếu điện, sự phát triển của năng lượng tái tạo dường như mang ý nghĩa to lớn. Đây được cho là nguồn cung năng lượng đảm bảo với mức giá ổn định. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nhà khai thác nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả Nga, đã thu được 2 nghìn tỷ USD sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

E3G và Ember cho biết việc sản xuất điện mặt trời và điện gió của EU đã giúp lục địa này không phải nhập khẩu khoảng 70 tỷ m3 khí đốt, trị giá 99 tỷ USD.

Song, một số nhà phân tích khác lại dự báo lượng khí thải của châu Âu sẽ giảm do suy thoái kinh tế, chính sách “thắt lưng buộc bụng” năng lượng và phi công nghiệp hóa trong năm tới. Giáo sư Jonathan Stern, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, tỏ ra không mấy lạc quan: “Chúng ta đang trải qua cuộc suy thoái kinh tế lớn ở châu Âu. Tôi nghĩ nó có thể còn tồi tệ hơn suy thoái do đại dịch Covid-19 trong năm 2020, dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa, buộc các ngành công nghiệp phải chuyển hướng sang thị trường Trung Đông và Mỹ. Không điều gì trong số đó là tín hiệu tốt và chúng cho thấy sự bất ổn chính trị”, ông Stern nói với Al Jazeera.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như kim loại, thì nói rằng giá năng lượng cao có thể khiến họ phải “tháo chạy” khỏi thị trường châu Âu.

Giáo sư Stern thêm rằng năng lượng tái tạo vẫn sẽ hấp dẫn, nhưng các chính phủ châu Âu sẽ không có đủ tiền để mở rộng quy mô vì trước đó đã cam kết chi 500 tỷ USD để hỗ trợ ngành các công nghiệp và người tiêu dùng khi giá nhiên liệu tăng cao. Con số này cao gấp đôi so với việc EU đang cung cấp các khoản bảo lãnh cho vay đối với công suất năng lượng tái tạo mới thông qua Quỹ Phục hồi của mình trong giai đoạn 2020 - 2027.

“Các tham vọng đều cần tiền, và một trong những vấn đề đó là đầu tư vào năng lượng tái tạo đang chậm lại, ít nhất là ở nhiều nước châu Âu. Cách để khắc phục điều này là các chính phủ phải vào cuộc và chi tiền để đảm bảo tiến trình chuyển đổi năng lượng. Nhưng trớ trêu, các chính phủ lại đang thiếu tiền”.

Sôi động cuộc đua năng lượng tái tạo Sôi động cuộc đua năng lượng tái tạo
EU phê duyệt thêm 5,2 tỷ USD cho các dự án hydro xanh EU phê duyệt thêm 5,2 tỷ USD cho các dự án hydro xanh

Bình An