Mỹ nghiên cứu lập Trung tâm năng lượng hydro sạch Tây Bắc Thái Bình Dương
Các dự án xây dựng Trung tâm năng lượng hydrogen tại Mỹ. Ảnh OCED |
Thành phố Richland thuộc tiểu bang Washington sắp bắt đầu xây dựng nền kinh tế hydro sạch với thông báo về việc cấp vốn cho Giai đoạn 1 từ Bộ Năng lượng. Khoản tài trợ này dành cho Hiệp hội Hydro Tây Bắc Thái Bình Dương (PNWH2) và có giá trị 27,5 triệu USD. Ngoài khoản tài trợ từ Bộ Năng lượng, các đối tác trong ngành sẽ hỗ trợ lên tới 125 triệu USD trong Giai đoạn 1 của dự án.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL) của DOE sẽ đóng vai trò là cố vấn cho PNWH2, bằng cách thực hiện phân tích vòng đời để dự đoán và hiểu rõ tác động của cơ sở hạ tầng năng lượng hydro đối với việc giảm lượng khí thải và hỗ trợ cộng đồng.
Các nhóm công và tư có đại diện tại Trung tâm PNWH2 đang hợp tác với các nhà lãnh đạo ở Washington, Oregon và Montana để tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo của khu vực nhằm sản xuất hydro sạch. Nếu thành công, khu vực này có thể nhận được tổng tài trợ lên tới 1 tỷ USD của DOE, và thêm hàng tỷ USD từ các đối tác trong ngành, để xây dựng một hệ sinh thái hydro sạch.
Giám đốc PNNL Steven Ashby cho biết: “Chúng tôi tại PNNL cùng với các đồng nghiệp của mình tại Hiệp hội Hydro Tây Bắc Thái Bình Dương vui mừng chúc mừng bước tiến quan trọng này, và muốn ghi nhận sự cống hiến và nỗ lực không ngừng để đạt được cột mốc quan trọng này. Chúng tôi mong muốn được cộng tác với Chính phủ và các đối tác trong ngành để giúp hiện thực hoá một hệ sinh thái hydro sạch cho Tây Bắc Thái Bình Dương và hơn thế nữa”.
Các nhà khoa học, kỹ sư và nhà phân tích của PNNL đang đưa ra các đánh giá về mặt kinh tế, công nghệ và mức giảm phát thải trong quá trình sản xuất hydro, khả năng tích hợp vào mạng lưới điện và đầu ra. Mục tiêu của Trung tâm PNWH2 là phát triển và tiếp thị các giải pháp năng lượng hydro sạch có chi phí hợp lí, để đáp ứng mục tiêu năng lượng sạch của Hoa Kỳ đồng thời đảm bảo ít nhất 40% lợi ích sẽ dành cho người có hoàn cảnh khó khăn. Hydro sẽ được sử dụng để giải quyết một số lĩnh vực công nghệ khó giảm phát thải carbon như giao thông công cộng (xe buýt), sản phẩm nông nghiệp (phân bón), vận tải hạng trung, hạng nặng và ngành điện.
Trung tâm PNWH2 và một cơ sở tương tự ở California là hai dự án đầu tiên trong mạng lưới quốc gia dự kiến của các nhà sản xuất, người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng kết nối hydro sạch, với mục tiêu hỗ trợ toàn diện các khía cạnh của sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hydro sạch.
Nh.Thạch
AFP
- Việc tái chế tấm pin mặt trời có thể sớm trở thành bắt buộc ở Nhật Bản
- Chuyển đổi số trong ngành năng lượng gió
- Ngành dầu khí chinh phục biên giới mới khi lựa chọn con đường đúng đắn cho vận hành từ xa
- Nỗi lo tràn dầu gia tăng khi tàu chở dầu từ chối sử dụng hoa tiêu của Đan Mạch
- Chuyển đổi số trong ngành dầu khí: Tận dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả và thúc đẩy bền vững