Morgan Stanley dự đoán lợi nhuận của Big Oil sẽ suy giảm

12:26 | 13/05/2025

|
(PetroTimes) - Theo Morgan Stanley, lợi nhuận của các công ty dầu khí quốc tế lớn (Big Oil) dự kiến sẽ sụt giảm vào cuối năm nay và trong năm 2026. Điều này đe dọa tốc độ mua lại cổ phiếu, do tình trạng dư cung đáng kể trên thị trường dầu có thể gây áp lực lên giá.
Ảnh: PetroTimes
Ảnh: PetroTimes

Tuần trước, Morgan Stanley đã gia nhập hàng ngũ các ngân hàng đầu tư lớn trong việc hạ dự báo giá dầu, giữa lúc kỳ vọng rằng thị trường sẽ dư cung nhiều hơn vào cuối năm nay khi OPEC+ dự định tăng sản lượng nhiều hơn so với dự kiến ban đầu.

Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu cho phần còn lại của năm nay, với kỳ vọng về tình trạng dư cung lớn hơn. Ngân hàng này đã điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent xuống còn 62,50 USD/thùng trong Quý III và Quý IV năm nay, giảm 5 USD/thùng so với dự báo trước đó.

Giờ đây, ngân hàng Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống dưới 60 USD/thùng trong nửa đầu năm 2026 do nhu cầu suy yếu vì các biện pháp thuế quan và do nguồn cung gia tăng từ cả các thành viên thuộc OPEC+ lẫn ngoài OPEC+, theo một bản ghi chú gần đây được Reuters trích dẫn.

Do giá dầu được dự báo sẽ yếu hơn, Morgan Stanley kỳ vọng các chương trình mua lại cổ phiếu của các công ty dầu khí lớn sẽ bị cắt giảm từ 10% đến 50%, đồng thời nợ ròng của các ông lớn dầu khí quốc tế sẽ tăng lên.

Shell là lựa chọn hàng đầu của Morgan Stanley trong số các tập đoàn dầu khí lớn của Châu Âu, trong khi BP bị hạ xếp hạng xuống mức "kém khả quan", do tỷ lệ nợ của BP khiến công ty dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi trong điều kiện kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, tập đoàn TotalEnergies của Pháp có thể sẽ chứng kiến mức độ biến động lợi nhuận thấp hơn, nhờ có mức độ tích hợp cao hơn trong chuỗi giá trị, theo nhận định từ Morgan Stanley.

Trong báo cáo lợi nhuận Quý I, các công ty dầu khí lớn vẫn duy trì chính sách chi trả cổ tức và phân phối lợi nhuận cho cổ đông, khi hầu hết đều đạt hoặc vượt kỳ vọng của các nhà phân tích về lợi nhuận Quý I.

BP và Chevron đã giảm tốc độ mua lại cổ phiếu trong Quý II, trong khi các công ty còn lại như Exxon, Shell và TotalEnergies vẫn giữ nguyên kế hoạch mua lại cổ phiếu, bất chấp sự sụt giảm giá dầu vào đầu Quý II.

Bình An

OP