Liệu Ả rập Saudi có khơi mào một cuộc chiến giá dầu mới với Nga?

09:29 | 14/08/2020

|
(PetroTimes) - Tác giả Anna Koroleva của trang tin Expert.ru đã phân tích về việc Ả rập Saudi có thể đang tái khởi động lại cuộc chiến dầu mỏ mới trên thị trường nhằm tranh giành thêm thị phần xuất khẩu dầu thô khi OPEC+ quyết định nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản lượng từ ngày 1/08. 
lieu a rap saudi co khoi mao mot cuoc chien gia dau moi voi ngaOPEC+ gây sức ép buộc Iraq phải cắt giảm sản lượng sâu hơn
lieu a rap saudi co khoi mao mot cuoc chien gia dau moi voi ngaBản tin Dầu khí sáng 10/8: Venezuela tự vận chuyển dầu cho khách hàng
lieu a rap saudi co khoi mao mot cuoc chien gia dau moi voi nga

Theo hãng tin Bloomberg, Saudi Aramco sẽ quay trở lại chính sách giảm giá trên thị trường châu Âu. Theo công bố, giá dầu thô ngọt nhẹ của Ả rập Saudi cung cấp cho thị trường châu Âu được chiết khấu 2,5-2,8 USD/thùng. Trên thực tế, đây là sự vi phạm trực tiếp "thỏa thuận đình chiến" giữa Ả rập Saudi và Nga được thông qua hồi tháng tư năm nay do giá dầu sụt giảm mạnh.

Theo đó, giá dầu Aramco Arab Light tháng 9 của Ả rập Saudi, vốn phổ biến nhất ở Tây Bắc Âu, có đặc điểm tương tự với dầu Urals của Nga sẽ được bán với giá chiết khấu 2,5 USD/thùng so với tháng 8. Mức chiết khấu đối với giá dầu Brent tăng lên 1,8 USD/thùng so với mức 0,7 USD/thùng trong tháng 8. Giá dầu Arab Extra Light tháng 9 sẽ giảm 2,8 USD/thùng, tăng mức chiết khấu so với dầu Brent lên 1,3 USD/thùng. Đối với thị trường châu Á, Ả rập Saudi cũng quyết định giảm giá bán chính thức tháng 9. Theo đó, giá dầu Arab Super Light giảm 0,6 USD/thùng, dầu Arab Extra Light giảm 0,5 USD/thùng; dầu Arab Light giảm 0,3 USD/thùng. Các loại dầu nặng như Arab Medium và Arab Heavy cũng giảm 0,3 USD/thùng.

Theo trang tin Finanz, Ả rập Saudi cần giảm giá bán để bơm thêm dầu thô ra thị trường. Kể từ tháng 8 này, các nước thành viên OPEC+ đã tăng thêm sản lượng ít nhất 1,2 triệu thùng/ngày, trong khi Ả rập Saudi, UAE và Kuwait đã từ bỏ hạn ngạch cắt giảm bổ sung tự nguyện 1 triệu thùng/ngày. Nguồn dầu thô mới tràn vào thị trường đúng vào thời điểm Trung Quốc và Ấn Độ đang giảm mạnh lượng mua do cạn kiệt dung lượng lưu trữ trống và sự bùng phát mạnh của Covid-19 có thể khiến nhiều quốc gia tăng cường trở lại các biện pháp hạn chế đi lại, kiểm dịch.

Chuyên gia phân tích trưởng của ngân hàng Promsvyazbank Ekaterina Krylova nhận định, quyết định giảm giá bán dầu chính thức của Saudi Aramco cho khách hàng diễn ra trong bối cảnh OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản lượng từ tháng 8. Ưu tiên lúc này đối với Saudi Aramco là tiêu thụ dầu thô, gia tăng thị phần như trước đây. Đồng thời, các khoản chiết khấu mà phía Saudi Aramco đưa ra ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ đầu của cuộc chiến giá dầu với Nga cho thấy đây là tín hiệu bình thường. Đánh giá về tác động đến thị trường dầu thô toàn cầu, bà Krylova cho biết, về nguyên tắc, điều này sẽ không làm xấu bức tranh chung của thị trường hiện nay. Trong mọi trường hợp thì tình trạng dư cung dầu sẽ vẫn duy trì đến cuối năm 2021. Khả năng giá dầu Brent tại sàn giao dịch hàng hóa Saint-Petersburg sẽ giao động trong khoảng 40-42 USD/thùng vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích của Alor Broker (Nga) Aleksei Antonov cho biết, quyết định của Ả rập Saudi gây tò mò đối với thị trường. Ả rập Saudi công bố giảm giá bán đúng vào thời điểm giá dầu lặp lại mức 45 USD/thùng trong ngày từ 6-8/3 vừa qua. Thời điểm đó, Nga đã quyết định ra khỏi thỏa thuận OPEC+ về cắt giảm sản lượng. Có thể nói, bước đi mới về giảm giá bán dầu của Ả rập Saudi là một lời đề nghị đàm phán mới đối với Nga. Rất có thể Ả rập Saudi sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn với hy vọng đẩy Nga vào những điều kiện bất lợi hơn chẳng hạn như cắt giảm sản xuất triệt để và giảm thị phần tại thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, phía Ả rập Saudi không biết rằng, niềm tin của giới tinh hoa Nga và mức độ gắn kết của giới này xung quanh Tổng thống Nga rất mạnh mẽ. Ả rập Saudi chưa nhận thức được đầy đủ rằng, phía Nga có thể đi bao xa trong cuộc chiến giá dầu mà Ả rập Saudi đã khơi mào. Ả rập Saudi đang cố tình phớt lờ những bài học trong các cuộc đàm phán với Nga trước đây. Phía Ả rập Saudi cần lưu ý rằng, sự thống nhất của OPEC cũng như tầm ảnh hưởng của các nhà sản xuất dầu Trung Đông đến giá dầu đã suy giảm rất nhiều. Trong khi đó, Trung Quốc đang vừa tiến hành lấp đầy các kho lưu trữ dầu, vừa xúc tiến tạo ra một liên minh nhập khẩu dầu thô, hướng tới nguồn cung từ Nga và châu Phi. Quốc gia này đang ngày càng có sức ảnh hưởng hơn đến giá dầu từ phía nguồn cầu.

Theo chuyên gia Aleksei Antonov, giá dầu Brent sẽ bắt đầu giảm và có thể về mức 35 USD/thùng. Điều này có nghĩa ngân sách liên bang sẽ bị thâm hụt và đồng rúp suy yếu hơn. Bên cạnh đó, phía Nga cần tìm kiếm các giải pháp để giữ chân các khách hàng châu Âu mua dầu thô của mình. Trong bối cảnh của một cuộc chiến giá dầu mới, tỷ giá USD/rúp sẽ dễ dàng đạt mức 80 rúp đổi 1 USD, nhất là khi Mỹ cũng đang nắm lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Phía Mỹ đang cho thấy có thể làm bất cứ điều gì để nắm lợi thế này, nhất là vừa quyết định ngăn chặn các ứng dụng di động của Trung Quốc là TikTok và Wechat.

Nhận định

Những ý kiến của các chuyên gia thị trường về khả năng Ả rập Saudi khơi mào một cuộc chiến giá dầu mới với Nga là có thể xảy ra. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay khác so với thời điểm thị trường sụp đổ vào tháng 3 năm nay khi: Phần lớn các nước trên thế giới đang khởi động lại nền kinh tế sau thời gian phong tỏa, hạn chế và cách ly. Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ cơ bản đang trên đà phục hồi; Sản lượng khai thác dầu thô của các quốc gia sản xuất lớn ngoài OPEC+ như Mỹ, Canada, Na Uy sụt giảm mạnh do giá dầu thấp kéo dài và suy giảm đầu tư của các công ty dầu khí; Ngành hàng không thế giới vẫn đang bị tê liệt cộng thêm sự thay đổi thói quen đi lại, xu hướng chuyển dịch tiêu thụ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch của người dân tác động đáng kể đến triển vọng phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ; Trung Quốc đang nổi lên như một thế lực mới trên thị trường cung - cầu, ngày càng có vai trò hơn trong việc điều tiết giá dầu thế giới.

Vì vậy, Ả rập Saudi và các đồng minh trong OPEC sẽ phải cân nhắc rất kỹ nhiều rủi ro trước khi khởi động một cuộc chiến giá dầu mới nhằm chiếm lĩnh thị phần tiêu thụ từ các nhà sản xuất là Nga và Mỹ. Trong khi ngân sách của Ả rập Saudi vẫn đang bị thâm hụt nặng nề kể từ khi giá dầu sụp đổ hồi tháng 3 đến này, một bước đi leo thang không đúng thời điểm có thể đẩy Ả rập Saudi vào khủng hoảng kinh tế và nguy cơ vỡ nợ, chưa kể đến các rủi ro chính trị - quân sự đang rình rập tại khu vực.

Pham TT