Liên minh Trung Quốc - EU bù đắp khoảng trống của Mỹ trong cuộc chiến về khí hậu

10:19 | 29/04/2025

|
(PetroTimes) - Pháp đang kêu gọi xây dựng một mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, nhằm đối phó với khoảng trống mà Mỹ để lại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Dự kiến, một hội nghị thượng đỉnh về chủ đề này sẽ được tổ chức vào tháng 7/2025.
Liên minh Trung Quốc - EU bù đắp khoảng trống của Mỹ trong cuộc chiến về khí hậu
Pháp đang kêu gọi xây dựng một mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Ảnh AFP

Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Pháp, bà Agnès Pannier-Runacher, cho biết Paris mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với Bắc Kinh trong lĩnh vực khí hậu. Phát biểu tại hội nghị ChangeNow ở Paris, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc EU và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung về khí hậu, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang dần rút lui khỏi các cam kết quốc tế. “Tôi hy vọng chúng ta có thể cùng Trung Quốc đưa ra một tuyên bố chung, bởi cả hai bên hiện đều thể hiện tham vọng rất rõ ràng trong lĩnh vực này”, bà Pannier-Runacher nói.

Sáng kiến này được đưa ra khi EU và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ cùng nhau lấp vào vai trò của Mỹ trên sân chơi khí hậu toàn cầu. Trước đó, ngày 23/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Hướng tới một mặt trận chung trước thềm hội nghị COP30

Bà Pannier-Runacher cũng nhắc lại thỏa thuận khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands tháng 11/2023. Văn kiện này đã mở đường cho những cam kết quan trọng trước kỳ hội nghị COP28 ở Dubai, đặc biệt về việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch. Bà kỳ vọng EU và Trung Quốc có thể thực hiện một sáng kiến tương tự, nhằm duy trì sức ép đa phương và thúc đẩy các hành động cụ thể về khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh chuyên đề về khí hậu giữa EU và Trung Quốc hiện đã được lên kế hoạch vào tháng 7/2025.

Những chia rẽ nội bộ EU về mục tiêu khí hậu

Dù vậy, sáng kiến của Pháp có thể đối mặt với những bất đồng ngay trong nội bộ EU, do các nước thành viên vẫn chưa thống nhất được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho năm 2035. Một số quốc gia như Ý đang vận động cho các mục tiêu “dễ thở” hơn, so với đề xuất cắt giảm 90% lượng khí thải vào năm 2040 mà Ủy ban châu Âu đưa ra. Pháp đến nay vẫn chưa chính thức công bố lập trường của họ.

Trong bối cảnh đó, thách thức lớn nhất với Paris là làm sao vừa cân bằng được các quan điểm khác biệt trong EU, vừa thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, để cùng đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngành dầu khí Mỹ phản công các vụ kiện về biến đổi khí hậuNgành dầu khí Mỹ phản công các vụ kiện về biến đổi khí hậu
Biển Bắc có thể cung cấp một nửa lượng dầu khí mà Vương quốc Anh cần đến năm 2050Biển Bắc có thể cung cấp một nửa lượng dầu khí mà Vương quốc Anh cần đến năm 2050
Tham vọng dầu mỏ của Brazil thách thức các mục tiêu về khí hậuTham vọng dầu mỏ của Brazil thách thức các mục tiêu về khí hậu

Nh.Thạch

AFP