Libya và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác thăm dò dầu khí bất chấp bị châu Âu phản đối

19:39 | 06/10/2022

|
(PetroTimes) - Vào hôm 5/10, Libya và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận thăm dò triển vọng hydrocarbon ở vùng biển Libya sau 3 năm kể từ lúc ký phân định ranh giới biển - điều này làm dấy lên sự tranh cãi khắp nơi và thái độ phẫn nộ từ Liên minh châu Âu (EU).
Libya và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác thăm dò dầu khí bất chấp bị châu Âu phản đối

Trong một cuộc họp báo với bà Najla al-Mangoush - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Libya, ông Mevlut Cavusoglu - Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thông báo: “Chúng tôi đã ký một Biên bản ghi nhớ về việc khảo sát hydrocarbon trong khu vực lãnh hải và đất liền của Libya. Công việc sẽ do các công ty hai quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ - Libya thực hiện”. Theo ông Mohamed Hamouda - Phát ngôn viên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận sẽ bao gồm việc phát triển các dự án liên quan đến thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí.

Bản ghi nhớ đã được ký kết nhân dịp phái đoàn cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Tripoli. Thành viên phái đoàn bao gồm ông Fatih Dönmez - Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên, ông Hulusi Akar - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Mehmet Mus - Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Vào tháng 11/2019, ông Fayez el-Sarraj - nguyên là người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ, đã ký Thỏa thuận phân định ranh giới biển với Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này đã gây tranh cãi khắp nơi trên toàn thế giới.

Cụ thể, Thỏa thuận này cho phép Ankara khẳng định chủ quyền đối với vài khu vực rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải, gây nhiều bất bình cho Hy Lạp và EU.

Dù vậy, ông Mevlut Cavusoglu ủng hộ cả hai văn bản này. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Đây là thỏa thuận giữa hai quốc gia có chủ quyền và có lợi đôi bên. Các quốc gia khác không có quyền can thiệp vào những vấn đề này”.

Tương tự, bà Najla al-Mangoush cũng bày tỏ sự hoan nghênh với Thỏa thuận “rất quan trọng” này. Theo bà, Thỏa thuận sẽ phục vụ cho “lợi ích của cả hai quốc gia”.

Không hợp lệ

Để đáp lại Thỏa thuận phân định ranh giới biển, vào tháng 6/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Chính phủ Libya đẩy lùi cuộc tấn công vào thủ đô từ phe Thống chế Khalifa Haftar - một thế lực mạnh từ phía Đông.

Thật vậy, Ankara đã cử các cố vấn quân sự và máy bay không người lái đến Libya. Tại đây, lực lượng hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy lùi lực lượng của Nguyên soái Khalifa Haftar - được hỗ trợ bởi Nga và các đối thủ trong khu vực của Ankara như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập, khỏi cửa ngõ Tripoli.

Trong bối cảnh này, ông Aguila Saleh - Diễn giả Quốc hội Libya kiêm đồng minh của Thống chế Haftar, gọi Thỏa thuận này là “bất hợp pháp và không thể chấp nhận được”. Tương tự, phe chính phủ Haftar ở phía Đông cũng phản đối Thỏa thuận. Họ có dự định dùng “quyền thực hiện hành động pháp lý” để yêu cầu hủy hợp đồng.

Tương tự, ông Nikos Dendias - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp và ông Sameh Shoukry - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ai Cập đều nhận định rằng Chính phủ Tripoli chưa đủ “hợp pháp” để ký một thỏa thuận như vậy. Theo đó, ông Nikos Dendias sẽ đến Cairo vào ngày 9/10 này để tham gia “tham vấn” về chủ đề này.

Síp, Ai Cập và Hy Lạp đều tin rằng Thỏa thuận phân định biển Thổ Nhĩ Kỳ - Libya đã vi phạm quyền kinh tế của ba nước trong khu vực này. Được biết, vùng biển này đã có nhiều phát hiện mỏ khí khổng lồ trong những năm gần đây, thu hút sự chú ý từ các nước trong khu vực.

Vào tháng 8/2020, để phản ứng lại Thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - Libya, Ai Cập và Hy Lạp cũng đã ký văn bản phân định biên giới ở phía đông Địa Trung Hải.

Các nhà khai thác dầu khí phá kỷ lục dòng tiềnCác nhà khai thác dầu khí phá kỷ lục dòng tiền
Nam Phi thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí mớiNam Phi thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí mới
Gambia kéo dài thời gian cấp phép thăm dò lô A1 ngoài khơiGambia kéo dài thời gian cấp phép thăm dò lô A1 ngoài khơi
Shell và TotalEnergies tái khởi động các hoạt động thăm dò dầu khí ở Nam PhiShell và TotalEnergies tái khởi động các hoạt động thăm dò dầu khí ở Nam Phi

Ngọc Duyên

AFP