Làm gì để kìm hãm sự nóng lên của Trái đất?

10:00 | 08/12/2023

|
(PetroTimes) - Trong lúc COP28 đang diễn ra, trong một bài bình luận được xuất bản mới đây, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol kêu gọi thực hiện “5 biện pháp phụ thuộc lẫn nhau” nhằm “giữ cánh cửa mở” cho quỹ đạo “1,5°C”.
Làm gì để kìm hãm sự nóng lên của Trái đất?

Năm biện pháp cho giai đoạn từ nay cho đến năm 2030

IEA kêu gọi thực hiện đồng thời những biện pháp sau cho đến năm 2030:

  • Nâng gấp ba công suất điện tái tạo được lắp đặt trên toàn thế giới. Theo IEA, nếu chỉ theo đuổi riêng lẻ mục tiêu này, “thế giới sẽ bị đẩy vào con đường dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu đầy nguy hiểm, với nhiệt độ tăng trên 2°C”.
  • Nâng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng.
  • Đảm bảo ngành nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là những công ty dầu khí, phải đưa ra cam kết “điều chỉnh các hoạt động của họ sao cho phù hợp với Thỏa thuận chung Paris về khí hậu”, bắt đầu với việc giảm 75% lượng khí thải metan từ hoạt động của họ.
  • Thiết lập những cơ chế tài chính quy mô lớn, giúp nâng gấp ba mức đầu tư vào năng lượng “sạch” tại những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
  • Cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo “giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách có trật tự”, bao gồm cả việc tước hoạt động của những nhà máy nhiệt điện than mới nếu họ không thu giữ CO2.

Vào ngày 2/12, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber đã công bố một cam kết (không ràng buộc), kêu gọi 118 quốc gia - tức hơn một nửa số quốc gia có mặt tại COP28, “cùng nhau làm việc” nhằm hướng đến mục tiêu đạt 11.000 GW công suất tái tạo trên toàn thế giới vào năm 2030, so với 3.372 GW vào cuối năm 2022 (theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế IRENA).

Đáng chú ý, vào năm 2022, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm gần 82% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp và khoảng 61% sản lượng điện trên toàn thế giới. Đáng chú ý, trong năm 2022, hoạt động tiêu thụ than toàn cầu, vốn bị chỉ trích nặng nề vì gây phát thải quá nhiều CO2 trong quá trình tiêu thụ, đã tăng thêm 0,6%. Nhiệt điện than cũng chiếm 35,4% sản lượng điện toàn cầu năm 2022.

Năng lượng tái tạo vẫn đang tiếp tục phát triển, nhất là trong ngành điện: Sản xuất điện từ các ngành năng lượng tái tạo (không tính thủy điện - vốn vẫn là ngành năng lượng tái tạo chính trong cơ cấu nguồn điện toàn cầu) tăng 14% vào năm 2022 (so với mức tăng 16% trong năm 2021). Trung Quốc vẫn chiếm vị trí trọng tâm trong việc phát triển những lĩnh vực này. Vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 37% tổng công suất năng lượng mặt trời mới trên thế giới, cũng như 41% công suất điện gió.

Theo báo cáo Triển vọng Chuyển dịch Năng lượng Toàn cầu năm 2023 (World Energy Transitions Outlook 2023) của IRENA, nếu muôn hy vọng đạt được mục tiêu 1,5°C, lượng khí thải CO2 từ hoạt động năng lượng toàn cầu cần phải giảm xuống còn gần 23 Gt vào năm 2030 (so với mức 36,8 Gt vào năm 2022). Theo nhà cung cấp dịch vụ quản lý rủi ro DNV, đây là nhiệm vụ bất khả thi. Kịch bản của họ cho thấy tỷ lệ phát thải trên sẽ chỉ giảm được 4% vào năm 2030 (với khả năng đã đạt đỉnh vào năm 2024).

Tuy nhiên, IRENA tiếp tục phác thảo một quỹ đạo tương thích với kịch bản “+1,5°C”, chủ yếu dựa vào những tiến bộ lớn về hiệu quả năng lượng, cũng như vào xu hướng nhanh chóng điện khí hóa trong những lĩnh vực năng lượng tái tạo và hydro “sạch”. Cụ thể, kịch bản "1,5°C" của IRENA có điểm tương đồng với kịch bản "Net Zero vào năm 2050" của IEA: Họ dự đoán công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trên thế giới sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2022 (3.382 GW) đến năm 2030 (11.174 GW).

Ả Rập Xê-út đề xuất hai sáng kiến vì khí hậu trái đấtẢ Rập Xê-út đề xuất hai sáng kiến vì khí hậu trái đất
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thành lập nhóm chuyên gia thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thành lập nhóm chuyên gia thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0
“Chỉ một Trái đất“Chỉ một Trái đất" là mệnh lệnh khẩn cấp

Ngọc Duyên

AFP