Khủng hoảng giá dầu sẽ khiến ông Trump thất cử?

12:16 | 24/04/2020

|
(PetroTimes) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm mọi cách để đẩy giá dầu đi lên sau khi dầu Mỹ (WTI) rớt xuống -38 USD/thùng. Chỉ còn 6 tháng nữa, người dân Mỹ sẽ đi bầu lại tổng thống. Theo giới chuyên gia, nếu tình hình kinh tế, việc làm và dịch bệnh không được giải quyết tốt, cái giá mà ứng cử viên Donald Trump phải trả trong kỳ bầu cử này là rất lớn.
khung hoang gia dau se khien ong trump that cu
Tổng thống Trump đang tìm mọi cách để đẩy giá dầu tăng

Đầu năm 2020, giá dầu của Mỹ ở mức 60 USD/thùng, để rồi đến ngày 20/4, dừng lại ở mức -37,63 USD/thùng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung vẫn là do cả thế giới bị phong tỏa để tránh Covid-19 lây lan. Điều này làm giảm nhu cầu sử dụng xăng dầu. Tình hình càng thêm trầm trọng khi Nga và Ả Rập Saudi lao vào cuộc chiến giá cả hồi trung tuần tháng 3/2020. Tức giận trước việc Nga từ chối cùng giảm bớt sản lượng 10 triệu thùng/ngày, mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử OPEC, Ả Rập Saudi thông báo mở thêm van dầu, tăng mức khai thác kể từ ngày 1/4, đẩy giá dầu lao dốc nhanh hơn nữa.

Theo chuyên gia Francis Perrin, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), cuộc khủng hoảng dầu khí hiện nay tuy chỉ là nhất thời, nhưng sẽ ảnh hưởng phần nào đến kinh tế và việc làm người dân Mỹ, vốn là một trong những ưu tiên trong chương trình tái tranh cử của ông Donald Trump.

“Dù gì đi chăng nữa, cuộc khủng hoảng dầu mỏ này đe dọa đến lĩnh vực dầu khí tại Mỹ. Đây là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Đừng quên rằng Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là nước sản xuất khí ga tự nhiên hàng đầu. Do vậy, có rất nhiều việc làm tại Mỹ có liên quan đến các ngành khai thác, phát triển và sản xuất dầu và khí ga. Và những hoạt động và việc làm này đang bị cuộc khủng hoảng dầu mỏ mà chúng ta đang chứng kiến giáng cho một đòn đau”, ông Perrin cho biết.

Theo một báo cáo thường niên được công bố bởi Sáng kiến ​​Tương lai Năng lượng (EFI) và Hiệp hội National Association of State Energy Officials (NASEO), ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ sử dụng gần 825.000 lao động, tính đến đầu năm nay. Ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên chỉ sử dụng hơn 636.000 công nhân. Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) ước tính trong năm 2017, ngành dầu khí đã sử dụng 10,3 triệu việc làm tại Hoa Kỳ và đóng góp gần 8% GDP.

Tuy nhiên, giá vàng đen xuống thấp lịch sử và sự sụp đổ của nhu cầu dầu đã giáng một đòn mạnh vào các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ. Tất cả các công ty này đều đã công bố giảm đầu tư. Do hậu quả đen tối này, giá trị cổ phiếu của các công ty lớn của Mỹ niêm yết ở Phố Wall đều đã rớt giá thê thảm. Kể từ đầu năm đến nay, giá trị vốn hóa của Occidental đã giảm hơn 70%, ExxonMobil đã giảm hơn 40% và Chevron đã giảm hơn 30% trên thị trường chứng khoán New York.

Nhiều nhà sản xuất độc lập vừa và nhỏ chìm trong nợ nần, thậm chí còn đứng trước nguy cơ phá sản nếu giá vàng đen không tăng nhanh. Trong số 9.000 công ty trong lĩnh vực này, khoảng 140 công ty có thể phá sản trong năm 2020 nếu giá dầu vẫn ở mức khoảng 20 USD/thùng và gần 400 doanh nghiệp sẽ phá sản vào năm 2021, theo dự báo của Rystad Energy hồi đầu tháng 4/2020.

Bản thân cuộc khủng hoảng dầu khí này là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, vốn dĩ cũng do từ cuộc khủng hoảng dịch tễ virus corona mà ra. Thế nên, đối với một quốc gia như Mỹ, đây là một mối họa. Dĩ nhiên, mối họa này là không như nhau trên toàn lãnh thổ nước Mỹ, Texas hay Bắc Dakota quan trọng hơn là New York, nhưng vụ việc ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm ở Mỹ.

Đương nhiên Tổng thống Trump phải lo lắng cho nền kinh tế đất nước, cho việc tái tranh cử của ông, kỳ hạn là vào tháng 11 năm nay, do vậy hành động chính yếu của ông Trump là phải duy trì một nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh, kể cả trong lĩnh vực dầu khí, hiện đang bị suy sụp, nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài bao lâu.

Ngoài việc ra lệnh cho các Bộ Tài chính và Năng lượng lập kế hoạch cứu trợ ngành dầu khí Mỹ, Tổng thống Trump còn thông báo mua 75 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược quốc gia. Một hình thức hỗ trợ các ngành công nghiệp dầu khí, đồng thời bảo đảm lá phiếu cử tri theo phe Cộng hòa, nhất là tại bang Texas, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng dầu lửa này.

Bên cạnh đó, ông cũng tìm cách đẩy cao căng thẳng với Iran ở vịnh Persic, tuyến đường xuất khẩu dầu mỏ chính từ các nước Trung Đông ra thế giới. Điều này đã giúp giá dầu tăng lên trong 3 ngày qua.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Perrin, điểm mấu chốt giúp dầu tăng giá vẫn là nhu cầu thế giới tăng trở lại bình thường, mà điều này lại phụ thuộc vào việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa của các nước trên thế giới. Trước mắt, chỉ một số ít quốc gia bắt dầu dỡ bỏ từng phần lệnh phong tỏa, phần đông các nước vẫn duy trì, thậm chí kéo dài thêm. Do vậy, nhu cầu dầu thế giới chưa thể sớm trở lại ở mức tiêu thụ bình thường cho dù hoạt động kinh tế đang dần hồi phục tại một số nước. Các nhà kinh tế dự báo mức tiêu thụ dầu giảm 10 triệu thùng/ngày cho toàn năm 2020. Giá dầu vẫn sẽ tiếp tục dao động khó lường.

Ông Perrin nhận định, nếu tình hình tại Mỹ không được cải thiện nhanh chóng, nhất là về thành quả trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh và mở phong tỏa nền kinh tế thì giá dầu vẫn chưa thể tăng. Những thủ thuật như kích động căng thẳng… của ông Trump chỉ là những yếu tố góp phần làm tăng giá dầu tạm thời chứ không phải là căn cơ, có tác dụng lâu dài. Từ giờ đến tháng 11 còn rất ít thời gian, chuyên gia Pháp cho rằng cử tri Mỹ sẽ phán xét những gì ứng cử viên Donald Trump làm từ nay cho đến đó.

khung hoang gia dau se khien ong trump that cuIran-Mỹ căng thẳng: Dầu tăng giá
khung hoang gia dau se khien ong trump that cuMỹ giảm mạnh nhập khẩu dầu
khung hoang gia dau se khien ong trump that cuÔng Trump ra lệnh cứu khẩn cấp lĩnh vực dầu khí của Mỹ
khung hoang gia dau se khien ong trump that cuGiá dầu lao dốc, tập đoàn Mỹ Halliburton cắt giảm chi tiêu

Nh.Thạch

AFP