Khủng hoảng giá dầu gây ra làn sóng sáp nhập ngân hàng ở Trung Đông

15:10 | 13/07/2020

|
(PetroTimes) - Sự sụp đổ giá dầu lịch sử và đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà sản xuất lớn gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, trong khi việc Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+, tiến hành cắt giảm sản lượng đã làm trầm trọng thêm tình hình khi tiếp tục hạ thấp dòng vốn xuất khẩu cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ.
khung hoang gia dau gay ra lan song sap nhap ngan hang o trung dong

Một số quốc gia, như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã cố gắng thể hiện một sức mạnh tài chính vượt trội thông qua hệ thống ngân hàng của họ và tuyên bố rằng họ có thể chịu được các cú sốc ở bất kỳ quy mô nào. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại: Một làn sóng sáp nhập ngân hàng đang càn quét khắp Trung Đông khi lĩnh vực này đang phải vật lộn để duy trì hoạt động trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Ả Rập Xê-út

Ngân hàng thương mại quốc gia, nhà tài chính lớn nhất của Ả Rập Xê-út đã lên kế hoạch mua lại đối thủ Samba Financial Group với giá 15,6 tỷ USD. Khoản định giá 15,6 tỷ USD này tương ứng với 30% trị giá của Samba trước khi thỏa thuận được công bố. Thỏa thuận tiềm năng này hứa hẹn tạo ra một khối tài sản kếch xù lên tới 210 tỷ USD.

Qatar

Vào tháng 6, Masraf Al Rayan (QSC) và Ngân hàng thương mại Al Khalij (PQSC) đã khởi động các cuộc đàm phán để hợp nhất các hoạt động của họ. Việc sáp nhập tiềm năng có thể tạo ra một thực thể với hơn 45 tỷ USD tài sản, hay một trong những ngân hàng lớn nhất trong khu vực.

Thỏa thuận này diễn ra sau khi một đề nghị sáp nhập hồi năm 2018 giữa Ngân hàng Barwa, Ngân hàng Quốc tế Qatar và Masraf Al Rayan bị bỏ qua.

Được biết, Qatar là nhà sản xuất dầu lớn thứ 17 trên thế giới, bơm 1,5 triệu thùng dầu/ngày. Nền kinh tế của nước này phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm hơn 60% GDP, 85% nguồn thu từ xuất khẩu và khoảng 70% tổng doanh thu của chính phủ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo Qatar là 1 trong 7 quốc gia dự kiến ​​sẽ điều hành thặng dư ngân sách trong năm tài chính hiện tại nhờ chi tiêu vốn đầu tư rất lớn.

UAE

Hồi tháng 1, Ngân hàng Hồi giáo Dubai (DIB) thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã hoàn tất thỏa thuận mua đối thủ nhỏ hơn Noor Bank trong một thỏa thuận chia sẻ toàn bộ. Thực thể kết hợp hiện nắm giữ hơn 75 tỷ USD tài sản. Kể từ đó, ngân hàng khổng lồ này đã nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 40%.

Mặc dù, UAE có một trong những nền kinh tế đa dạng nhất khu vực, song nước này vẫn cực kỳ phụ thuộc vào dầu mỏ, ngoại trừ Dubai. UAE là nhà sản xuất dầu lớn thứ 8 thế giới, bơm 3,1 triệu thùng/ngày với xuất khẩu dầu chiếm khoảng 30% GDP.

IMF đã ước tính rằng UAE cần giá dầu ở ngưỡng 69,1 USD/thùng để cân bằng các khoản ngân sách của mình.

Kuwait

Ngân hàng Kuwait Finance House (KFH) đã hoãn kế hoạch sáp nhập với Ahli United Bank - ngân hàng lớn nhất Bahrain, cho đến tháng 12. Nhà tài chính Kuwait đã nhận được thư của Ngân hàng Trung ương Kuwait để xem xét giao dịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Việc sáp nhập này đánh dấu một trong những liên kết ngân hàng xuyên biên giới hiếm hoi của khu vực và tạo ra một thực thể với tổng tài sản trị giá 104 tỷ USD.

Kuwait là thành viên của OPEC và là nhà sản xuất dầu lớn thứ 9 thế giới với sản lượng 2,9 triệu thùng/ ngày. Theo IMF, mức hòa vốn của Kuwait ít nhất là 61,1 USD/thùng, có nghĩa là Kuwait là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ​​vụ sụp đổ giá dầu.

Oman

Ngân hàng Oman Arab (OAB) đã hoàn tất kế hoạch mua lại đối thủ cạnh tranh Alizz Muslim sau khi Omnivest, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của Oman bán 12% cổ phần của ngân hàng này. Theo đó, thực thể hợp nhất sẽ trở thành một đơn vị thuộc sở hữu hoàn toàn của OAB với tài sản 8.4 tỷ USD.

Được biết, Oman là nhà sản xuất dầu lớn thứ 19 thế giới, với sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Cũng như hầu hết các nước Trung Đông, Oman phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên dầu khí, chiếm 68% GDP và 85% doanh thu của chính phủ.

Oman dự kiến ​​sẽ ghi nhận thâm hụt ngân sách lớn nhất trong năm nay.

Bình An

Oilprice