Không có cú sốc giá dầu khi Mỹ và Iran đàm phán hạt nhân

08:56 | 08/04/2021

|
CNBC ngày 6/4/2021 đưa tin quan chức các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) bắt đầu cuộc đàm phán ở Viên, Áo, nhằm làm sống lại thỏa thuận hạt nhân này.
Không có cú sốc giá dầu khi Mỹ và Iran đàm phán hạt nhân
Nguồn: Reuters

Mỹ và Iran tham gia đàm phán gián tiếp, thông qua vai trò trung gian của các quan chức EU, về các bước đi mà hai bên cần phải triển khai để quay trở lại tuân thủ JCPOA. Hai bên nỗ lực giải quyết bế tắc hạt nhân, một vấn đề đã khiến cho thị trường dầu thế giới ở trong tình trạng bấp bênh. Một bước đột phá trong cuộc đàm phán tại Viên có thể giúp Iran xuất khẩu một lượng lớn dầu ra thị trường.

Tuy vậy, các chuyên gia tỏ ra bi quan về khả năng đạt một tiến triển có ý nghĩa trong đàm phán, tin rằng sẽ không có “một cú sốc cung bất lợi” liên quan đến giá dầu. Theo Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường toàn cầu của Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, hiện nay là “giai đoạn nước rút” đối với các cuộc đàm phán; nếu không đạt đột phá quan trọng, tháng 6/2021 sẽ là giai đoạn bầu cử Tổng thống ở Iran và khi đó mọi việc sẽ bị đóng băng. Một số nhà phân tích cho rằng “thời gian đang dần cạn” đối với sự can dự của Mỹ vào giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran.

Cuộc đàm phán ở Viên là một bước tiến rất tích cực trong nỗ lực làm sống lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tuy nhiên, không bên nào kỳ vọng vào một đột phá quan trọng. Các quan chức Iran muốn Mỹ chấm dứt những biện pháp trừng phạt do Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra trước khi Iran quay lại thỏa thuận. Tuy nhiên, Mỹ không sẵn sàng chấp nhận bước đi nhượng bộ này.

Thái độ bi quan của các chuyên gia cũng bắt nguồn từ việc hai bên không có bất cứ đàm phán chính thức nào mà chỉ thông qua vai trò trung gian của quan chức châu Âu; cho rằng tại thời điểm hiện tại, cuộc đàm phán có vẻ sẽ “phá sản”.

Các quan chức Mỹ tỏ ra điềm tĩnh đối với cuộc đàm phán. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói Mỹ không “đánh giá thấp quy mô của những thách thức phía trước”; chỉ mới là những ngày đầu tiên nên “không trông đợi một sự đột phá sớm, ngay lập tức”; các cuộc đàm phán sẽ “khó khăn”; không kỳ vọng sẽ có các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran, dù Mỹ “cởi mở” với khả năng này.

Là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất của OPEC, xuất khẩu dầu của Iran đã bị cắt giảm đáng kể sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Nếu như hai bên quay lại thỏa thuận hạt nhân, việc gỡ bỏ biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với dầu thô của Iran có thể tác động đáng kể tới động năng của thị trường dầu mỏ.

Các chuyên gia cho rằng nếu đạt tiến bộ đàm phán thì một lượng lớn dầu mỏ của Iran có thể được đưa ra thị trường; nếu có đột phá trong vài tuần tới, lượng lớn dầu của Iran sẽ ra thị trường trong nửa cuối của năm 2021. Theo nhiều nhà quan sát thị trường, nếu Iran tăng sản lượng dầu trong năm 2021 thì tới năm 2022, Iran mới có thể khôi phục hoàn toàn sản lượng như trước cấm vận.

Theo công ty tư vấn S&P Global Platts, trong mấy tháng đầu năm 2021, sản xuất dầu của Iran đánh dấu một mức tăng đáng kể, đạt 2,14 triệu thùng/1 ngày trong tháng 2/2021, tăng 190.000 thùng/1 ngày so với mức thấp kỷ lục trong 33 năm qua là 1,95 triệu thùng/1 ngày trong tháng 8/2020. Sản lượng dầu của Iran tăng nhờ xuất khẩu dầu của Iran sang thị trường Trung Quốc gia tăng, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Chuyên gia Mỹ lo ngại rằng đòn bẩy kinh tế của Mỹ suy giảm khi giá dầu tăng; việc Iran tăng xuất khẩu cho Trung Quốc cho thấy Iran có vẻ không lo sợ bị Chính quyền Mỹ ngăn cản./.

Thanh Bình

Ấn Độ giảm đơn đặt hàng dầu thô của Ả Rập Xê-útẤn Độ giảm đơn đặt hàng dầu thô của Ả Rập Xê-út
Tullow Oil khởi động chiến dịch khoan ngoài khơi lớn nhất từ trước đến nayTullow Oil khởi động chiến dịch khoan ngoài khơi lớn nhất từ trước đến nay
Lebanon và Iraq ký thỏa thuận sơ bộ về đổi dầu lấy dịch vụ y tếLebanon và Iraq ký thỏa thuận sơ bộ về đổi dầu lấy dịch vụ y tế