Kênh đào mới “Istanbul” sẽ trở thành điểm nóng địa chiến lược của các cường quốc

14:56 | 29/06/2021

|
(PetroTimes) - Reuters đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm thứ Bảy đã khởi động một dự án kênh đào 15 tỷ đô la, mở đầu bằng cách đặt nền móng cho cây cầu Sazlidere.
Kênh đào mới “Istanbul” sẽ trở thành điểm nóng địa chiến lược của các cường quốc
Bản đồ ghi vị trí Kênh đào Istanbul. Nguồn: Jamestown Foundation

Kênh đào Istanbul sẽ nằm giữa Biển Marmara và Biển Đen, song song với eo biển Bosphorus. Dự án Kênh Istanbul đã từng được Erdogan công bố vào năm 2011, chi phí từ 15 đến 65 tỷ USD - cao hơn nhiều so với chi phí cho Kênh đào Panama Mới (5 tỷ USD) và Kênh đào Suez (8 tỷ USD). Theo Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Kênh Istanbul sẽ đủ sâu và rộng để chứa các VLCC. Theo thiết kế, Kênh dài 45km, rộng 275m và sâu 20m, dự định trở thành huyết mạch hàng hải mới ở phía tây của Istanbul, nối Biển Đen và Biển Marmara.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc các tàu chở dầu di chuyển giữa Biển Đen và Biển Marmara qua eo biển Bosphorus bị tắc nghẽn. Hàng năm 43.000 lượt tàu đi qua đây, nhiều hơn nhiều so với 25.000 lượt mà chính phủ cho là an toàn, khiến thời gian chờ đợi ngày càng lâu hơn. Đến năm 2050, ước tính con số đó sẽ tăng lên 78.000 lượt.

Đảng AK của Erdogan nói rằng kênh đào này sẽ hỗ trợ lưu thông tàu thuyền trên eo biển Bosporus, chuyển một số trong số 48.000 tàu mỗi năm đi qua eo biển này sang một tuyến đường mới. Erdogan cho rằng con kênh mới là điều cần thiết để cải thiện an toàn hàng hải và giảm thời gian chờ đợi của tàu, cũng như đáp ứng nhu cầu vận tải biển tăng trưởng dự kiến. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt dự án vào tháng 4/2016, giao đất và đặt nền móng cho đấu thầu xây dựng, nhưng bản thân công việc trên tuyến đường thủy vẫn chưa bắt đầu.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát cho thấy hầu hết công dân, cũng như Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu và đảng CHP đối lập phản đối dự án. Những người chỉ trích nói rằng nó sẽ phá hủy một hệ sinh thái biển và gây nguy hiểm cho một số nguồn cung cấp nước ngọt của thành phố.

Các ngân hàng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã miễn cưỡng cấp vốn cho kênh đào do lo ngại về môi trường và rủi ro đầu tư.

Nga cũng lo ngại rằng con kênh này có thể không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước Montreux năm 1936, hạn chế tàu chiến của các quốc gia không thuộc Biển Đen qua eo biển Bosphorus.

Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng “Kênh đào sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi thông qua các biển. Bây giờ các tàu đã xếp hàng chờ đến 15 giờ. Các tàu lớn gặp khó khăn khi di chuyển qua eo biển Bosphorus. Kênh đào Istanbul sẽ an toàn hơn gấp 12 lần,” và “có thể tiếp nhận các tàu chở dầu và khí đốt dài tới 275 mét và các tàu chở container dài đến 300 mét”. Ông Erdogan cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không lo ngại về các khoản đầu tư, ước tính khoảng 15 tỷ đô la.

Trong khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Kênh Istanbul không mâu thuẫn với Công ước Montreux, mà chỉ củng cố chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, tăng tính quốc tế của nước này và tăng cường an ninh vận chuyển hàng hóa, thì các chuyên gia phân tích lại cho rằng con kênh này sẽ bỏ qua Công ước Montreux. Suy luận của các nhà phân tích dựa trên thực tế là con kênh mới "chen" vào tuyến đường Dardanelles - Biển Marmara – Bosphorus (Bản đồ trên). Con đường hàng hải này được coi là con đường duy nhất và không thể phân chia được, đã được nêu trong Công ước Montreux.

Bản thân Ông Erdogan đã nhiều lần tuyên bố rằng Công ước Montreux vẫn nguyên giá trị, nhưng những yêu cầu của Công ước sẽ không áp dụng cho kênh mới. Tuy nhiên, nếu kênh Istanbul không liên kết với Công ước Montreux, thì làm thế nào nó sẽ được chính thức hóa về mặt pháp lý, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế? Ankara vẫn chưa trả lời câu hỏi này.

Có thể ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng các quy định riêng cho kênh này, đáp ứng cả các tiêu chuẩn và hạn chế hiện tại của Công ước Montreux cũng như lợi ích thương mại của nước này. Đây là phương án có lợi nhất cho Nga, vì khi đó các vấn đề hạn chế giao thông quân sự sẽ không bị động chạm đến, và không còn lo ngại về việc hạn chế quân sự hóa Biển Đen. Về mặt pháp lý, điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được, đặc biệt nếu tính đến ngoại lệ thực hiện thông lệ pháp lý quốc tế đối với kênh đào này.

Đại sứ Nga tại Ankara Aleksey Yerkhov đã nói về điều này vào tháng 4, rằng các yêu cầu của Công Ước Montreux không nên bị hủy bỏ và thậm chí sẽ được áp dụng cho Kênh đào Istanbul.

Nếu kênh đào tuân thủ các tiêu chuẩn vận chuyển hàng hải chung, chẳng hạn như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS - không được Ankara ký nhưng được hầu hết tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế công nhận - thì tự do hóa việc qua lại của tàu chiến là hầu như không thể tránh khỏi. NATO có thể ở lại Biển Đen bao lâu cũng được mà không có trở ngại nào. Nhưng vấn đề là, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng nước này không cần hạm đội NATO hoành hành ở Biển Đen. Ankara coi khu vực này là của riêng mình và các cường quốc trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa sẵn sàng hy sinh quan hệ với Liên bang Nga - một đối tác chiến lược và rất quan trọng - cho tham vọng của phương Tây.

Có thể thấy rằng trong 5 năm tới, trong khi kênh đào đang được xây dựng, Ankara, Moscow và Washington sẽ khó tìm kiếm những thỏa hiệp. Các bên sẽ phải suy nghĩ về những cách có thể chấp nhận được lẫn nhau để giải quyết tình hình. Trong tình huống này, ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần có trọng tài. Trước hết, chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tìm kiếm và đề xuất các thỏa hiệp và điều chỉnh giữa lợi ích của các cường quốc đồng minh.

Elena