Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu: Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước cam kết hợp tác mặc dù còn tồn tại nhiều khác biệt

12:22 | 26/04/2021

|
Theo CNBC, Reuters, BBC ngày 22-23/4, thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu trong hai ngày 22-23/4/2021 với sự tham dự của lãnh đạo 40 nước, trong đó có Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Macron, lãnh đạo EU và lãnh đạo một số nước khác, lãnh đạo một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn... Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước đã cam kết hợp tác mặc dù còn tồn tại nhiều khác biệt.
Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu: Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước cam kết hợp tác mặc dù còn tồn tại nhiều khác biệt
Lãnh đạo các nước cam kết hành động tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu

Phát biểu khai mạc vào ngày Trái đất 22/4, Tổng thống Mỹ cho biết việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu là nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu về ngăn chặn khí thải nhà kính, giảm trái đất nóng lên và giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu; cho rằng biến đổi khí hậu là “cuộc khủng hoảng hiện sinh của thời đại chúng ta”, hiện nay là “thập kỷ quyết định”, không một nước nào có thể tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng này, mà tất cả các nước, đặc biệt là những nước đại diện cho những nền kinh tế lớn nhất thế giới, cần phải đẩy mạnh. Tổng thống Biden cho rằng đây là “một sự khởi đầu đáng khích lệ”, và các nước “đang bắt đầu đạt được một số tiến bộ thật sự”. Tổng thống Mỹ cam kết giảm khí thải của Mỹ vào năm 2030 xuống ít nhất bằng 50% mức khí thải năm 2005, cam kết này cao gấp hai lần so với cam kết trước đó của Mỹ vào năm 2015.

Chính quyền Biden ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, mong muốn các nước tăng gấp đôi các cam kết trước đó và bảo đảm rằng có thể đạt các mục tiêu đề ra ngay cả sau khi Mỹ có chính quyền mới; cho rằng dù là chính quyền nào, ngành công nghiệp cũng đang chuyển dịch về phía năng lượng sạch hơn, xe điện và năng lượng tái tạo.

Tại họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh, Đặc phái viên của Tổng thống về vấn đề khí hậu John Kerry bày tỏ tin rằng “thế giới như một thực thể thống nhất đang vận hành về hướng năng lượng sạch hơn”; “các công ty đang có sự đánh giá thị trường mang tính chiến lược, rất quan trọng và lâu dài, và đó là cung cách thị trường đang dịch chuyển”; “không một chính trị gia nào có thể thay đổi xu hướng vận động này của thị trường”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh, lãnh đạo một số nước cũng nâng cao hơn nữa cam kết giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh Boris Johnson đóng vai trò tích cực với tư cách là Chủ tịch COP 26 tại Glasgow tháng 11/2021, cho rằng cam kết của Tổng thống Mỹ Biden về cắt giảm 50-52% khí thải có ý nghĩa “thay đổi cuộc chơi”; “các nước trên thế giới có thể cùng hợp tác”, “cam kết của các nước giàu có hơn có thể vượt mức 100 tỷ USD đã cam kết từ năm 2009”.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản, nước xả khí thải đứng thứ 5 trên thế giới, cam kết giảm khí thải vào năm 2030 xuống 46% so với mức của năm 2013, trong khi mức cam kết trước đó là 26% và bị chỉ trích là không đủ hiệu quả; khẳng định “Nhật Bản sẵn sàng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình vì một thế giới phi các bon hóa”. Cũng như Mỹ, Nhật Bản cam kết đạt mức cân bằng khí thải (net-zero) vào năm 2050.

Tổng thống Braxin Jair Bolsonaro cam kết chấm dứt nạn phá rừng trái phép vào năm 2030 và đạt mức cân bằng các-bon vào năm 2050. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết Canada sẽ cắt giảm mức khí thải xuống từ 40% đến 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2005, cam kết cân bằng khí thải vào năm 2050.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi không đưa ra mục tiêu mới nhưng tái khẳng định cam kết thiết lập 450 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030. Ấn Độ là nước xả khí thải lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc vào Mỹ. Thủ tướng Ấn Độ đã tuyên bố về việc thiết lập Chương trình Nghị sự Quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ về Khí hậu và Năng lượng sạch tới năm 2030.

Tổng thống Nga Putin cam kết giảm đáng kể khí thải của Nga trong 3 thập kỷ tới và Nga sẽ đóng góp tích cực cho việc thu hút khí các-bon di-o-xin thế giới; cho biết Nga đã giảm một nửa mức xả khí thải so với mức của năm 1990 và kêu gọi giảm toàn cầu việc xả khí methane.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đưa ra cam kết mới, khẳng định trong 5 năm tới sẽ kiểm soát và hạn chế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than; tái khẳng định cam kết việc xả khí thải sẽ lên mức cao nhất trước năm 2030 và đạt cân bằng khí thải vào năm 2060. Trung Quốc và Mỹ nhất trí hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng bất đồng trong việc phân chia trách nhiệm. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng các nước cần thể hiện chính sách “nhất quán và đáng tin cậy”; các nước phát triển cần nâng cao tham vọng và hành động, cần có hành động cụ thể giúp đỡ các nước đang phát triển trong việc tăng cường năng lực và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp tài chính, công nghệ và kiềm chế việc tạo ra những rào cản thương mại xanh, giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phát triển xanh và các-bon thấp.

Trong ngày Thứ Sáu, Hội nghị tập trung vào vai trò công nghệ giúp chống biến đổi khí hậu, nền kinh tế thích nghi với biến đổi khí hậu, cân bằng khí thải, cơ hội việc làm, với sự tham gia của một số quan chức chính quyền Mỹ như Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg, Đại diện Thương mại Katherine Tai, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, đại diện doanh nghiệp lớn như Bill Gate, Michael Bloomberg, là những doanh nhân quan tâm vấn đề biến đổi khí hậu. Vừa qua, Bill Gates đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD cho việc phát triển những công nghệ sạch, như phát điện và thu giữ các-bon./.

Thanh Bình