Cắt giảm khí thải: Một trong số ít lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc

19:47 | 13/05/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 12/5 đưa tin, theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn Rhodium Group, trụ sở ở Mỹ, lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc trong năm 2019 vượt quá lượng khí thải của Mỹ và các nước phát triển cộng lại. Báo cáo đưa ra hôm thứ Năm 12/5 cho biết lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc tăng gấp 3 lần trong 3 thập kỷ qua, chiếm hơn 27% tổng lượng khí thải toàn cầu. Mỹ là nước đứng thứ hai trên thế giới, chiếm 11% lượng khí thải toàn cầu. Ấn Độ chịu trách nhiệm 6,6% khí thải, nhiều hơn tổng lượng khí thải của 27 nước EU là 6,4%. Cắt giảm khí thải là một trong số ít lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc nhất trí hợp tác.
Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu: Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước cam kết hợp tác mặc dù còn tồn tại nhiều khác biệtHội nghị Thượng đỉnh về khí hậu: Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước cam kết hợp tác mặc dù còn tồn tại nhiều khác biệt
Cắt giảm khí thải: Một trong số ít lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc
Một nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg/Getty Images

Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ, có lượng khí thải vượt ngưỡng 14 gigaton carbon dioxide trong năm 2019, gấp 3 lần mức năm 1990 và tăng 25% trong 10 năm qua. Khí thải bình quân đầu người ở Trung Quốc là 10,1 tấn, gần gấp 3 lần trong 20 năm qua. Lượng khí thải của Trung Quốc trong năm 2020 tăng 1,7% trong khi tại đa số các nước lượng khí thải đã giảm do dịch Covid-19.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ đạt đỉnh khí thải vào năm 2030 và sẽ đạt cân bằng khí thải vào năm 2050; cam kết chủ nghĩa đa phương, hợp tác với cộng đồng quốc tế, với Mỹ. Trung Quốc cũng cam kết kiểm soát các dự án phát điện bằng than, hạn chế tiêu thụ than trong 5 năm tới và bắt đầu cắt giảm trong 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng than, than vẫn còn là một ưu tiên; vẫn tăng xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Điện than cung cấp hơn một nửa phát điện nội địa Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm 2020, hai ngân hàng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cấp vốn 474 triệu USD cho các dự án than ở bên ngoài Trung Quốc.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu J. Kerry đã thăm Thượng Hải, trao đổi với các quan chức Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu. Hai bên đã đưa ra tuyên bố chung, cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu “một cách nghiêm túc và khẩn cấp”. Tổng thống Mỹ Biden đã cam kết cắt giảm khí thải của Mỹ từ 50% đến 52% vào năm 2030, hơn gấp 2 lần cam kết của Mỹ trước đó theo Thỏa thuận Paris.

Thanh Bình