Hậu quả của việc phá bỏ hiệp ước OPEC+ đối với kinh tế Nga

15:49 | 05/04/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 01/4/2020, Thỏa thuận OPEC+ chấm dứt hiệu lực của mình trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do đại dịch Covid-19 và giá dầu thô toàn cầu đã giảm hơn 50%. Giá dầu Urals đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Sự sụp đổ của thỏa thuận là một cú sốc đối với thị trường, gây ra sự sụp đổ của giá dầu và thiệt hại cho những nhà xuất khẩu. Giá dầu Brent đã rơi xuống mốc 23 USD/thùng (31/3). Theo chuyên gia Maxim Nechaev của IHS Markit, không có khả năng Nga sẽ tăng sản lượng đáng kể sau khi chấm dứt Thỏa thuận OPEC+.

hau qua cua viec pha bo hiep uoc opec doi voi kinh te nga

Theo phân tích của Raiffeisenbank, thực tế là việc thỏa thuận hết hạn sẽ không còn ảnh hướng đến giá dầu nhưng khối lượng nhiên liệu bổ sung tung ra thị trường vào tháng 4/2020 sẽ gây áp lực lên báo giá. Giá dầu Brent giao tháng 5 ngày 31/3 ở mức 22,6 USD/thùng, giá tháng 6 là 26,1 USD/thùng. Trong khi đó, S&P Platts báo giá trung bình giao ngay đối với hỗn hợp Brent (Dated Brent) ngày 30/3 chỉ ở mức 17,8 USD/thùng, rẻ hơn gần 5 USD so với giá hợp đồng tương lai. Và dầu Urals của Nga hiện được bán với giá chiết khấu hơn 4,5 USD so với giá trung bình Dated Brent, tức chỉ còn 13,3 USD/thùng. Những người chơi trên thị trường không loại trừ khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài.

Điều gì sẽ xảy ra đối với sản xuất dầu?

Sau sự kiện 06/3, khi giá dầu Brent ở mức 30 -35 USD/thùng, nhiều người cho rằng Nga có thể sẽ tăng thêm 100.000 - 200.000 thùng/ngày trong tháng 4/2020, sau đó sẽ tăng thêm 300.000 thùng trong 6 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, chuyên gia Nechaev của IHS Markit cho rằng, giá dầu Brent đã rơi xuống dưới 25 USD/thùng. Vào tháng 4 nó có thể giảm xuống còn 10 USD/thùng và có thể duy trì ở mức dưới 20 USD/thùng cho đến hết năm 2020. Giá của một thùng dầu chưa đến 1500 Rúp khiến hoạt động đầu tư khoan kém hiệu quả về kinh tế ở các các dự án mới và đang vận hành. Trong trường hợp tỷ giá hối đoái ở mức 90 -100 Rúp/USD, lúc đó các nhà sản xuất dầu khí của Nga mới có lãi. Theo IHS Markit, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể giảm 20 triệu thùng/ngày cộng với giá dầu thấp sẽ sẽ khiến sản xuất dầu thô tại một số nước bị thu hẹp, trong đó có Mỹ, Canada, Venezuela, Iran, Iraq trong nửa đầu năm 2020, trong đó sản xuất dầu đá phiến được kỳ vọng giảm 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2020.

Giá dầu giảm tác động như thế nào đối với ngân sách của Nga?

Sau sự kiện 06/3, giá dầu Urals đã giảm từ 50 USD/thùng xuống 13 USD/thùng (30/3) (theo Argus media), mức thấp nhất kể từ năm 1999. Báo giá phản ánh chi phí của các lô dầu thô Urals được giao đến cảng Rotterdam, đã bao gồm cước vận chuyển. Nếu không tính cước vận chuyển và một số chi phí khác, giá FOB của dầu Urals tại cảng Primorsk sẽ ít hơn 11,4 USD/thùng.

Theo RBK, giá dầu Urals thấp hơn 15 USD/thùng ảnh hưởng rất lớn đối với ngân sách Nga: doanh thu dầu khí sẽ giảm sâu. Thuế xuất khẩu đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ được thiết lập lại, thu nhập từ thuế khai thác khoáng sản sẽ giảm mạnh. Với giá dầu Urals ở mức 13 USD/thùng, nguồn thuế từ dầu và khí đốt của ngân sách liên bang sẽ bị thất thu (dự toán ngân sách ở mức giá 42 USD/thùng), nhất là thuế xuất khẩu dầu và thuế khai thác khoáng sản đối với dầu, condensate và các sản phẩm dầu mỏ. Ước tính, khoản thuế thất thu ít nhất 5 tỷ USD mỗi tháng (gần 400 tỷ Rúp). Với cơ chế “giảm xóc”, bắt buộc các công ty dầu khí phải đóng góp thêm cho ngân sách khi giá dầu thấp, khoản thất thu sẽ vào khoảng 3,7 tỷ USD (300 tỷ Rúp) mỗi tháng.

Những tính toán trên không tính đến sự thất thu ngân sách do giá khí đốt giảm cũng như giảm doanh thu phi dầu khí do suy thoái kinh tế và các biện pháp tài khóa chống khủng hoảng của Chính phủ Nga. Ngày 26/3/2020, S&P ước tính thâm hụt ngân sách của Nga năm 2020 sẽ là 2,8% GDP trên cơ sở giả định không thay đổi chi tiêu. Điều này có nghĩa, ngân sách của Nga sẽ thiếu hụt tổng cộng gần 4000 tỷ Rúp.

Doanh thu bị mất phải được bù đắp bằng các khoản tiết kiệm của Quỹ phúc lợi quốc gia trị giá 150 tỷ USD (tính đến ngày 01/3). Ngay cả khi giá dầu duy trì ở mức cực thấp 15-20 USD/thùng, Bộ Tài chính Nga phải có đủ dự trữ ngoại tệ ít nhất trong 3 năm.

Giá dầu ảnh hưởng như thế nào đến đồng Rúp

Trong bối cảnh giá dầu giảm sâu, tỷ giá hối đoái USD/Rúp đã tăng lên mức 81-82, song những ngày gần đẩy ổn định ở mức 77-78 (trước khi thỏa thuận OPEC+ bị phá vỡ, tỷ giá ở mức 68). Đồng Rúp được hỗ trợ bởi Quy tắc ngân sách, bắt buộc Bộ tài chính Nga/Ngân hàng Trung ương phải bán ngoại tệ ra thị trường khi giá dầu Urals giảm xuống dưới 42 USD/thùng. Ngày 19/3, liên quan đến việc bán Sberbank cho Chính phủ, Ngân hàng TW Nga đã bắt đầu bán ngoại tệ. Trong khi giá dầu Urals đã giảm 3,8 lần kể từ đầu tháng 3, đồng Rúp chỉ mất giá 13%. Đây là giá trị của quy tắc ngân sách và chính sách chống khủng hoảng hợp lý của Ngân hàng trung ương Nga. Tỷ giá hối đoái đã linh hoạt hơn nhiều so với các đợt chấn động thị trường năm 2008 và 2014 mặc dù biến động giá dầu đang ở mức cao nhất lịch sử.

Trong tuần qua, Ngân hàng trung ương Nga đã bán ra thị trường khoảng 170 triệu USD/ngày (tương đương 13,5 tỷ Rúp). Lượng bán ra cân đối với nguồn thu bị mất từ hoạt động xuất khẩu dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt khi giá dầu dưới 25 USD/thùng.

Phạm TT.

hau qua cua viec pha bo hiep uoc opec doi voi kinh te ngaOPEC+ hoãn họp vì Saudi Arabia và Nga bất đồng
hau qua cua viec pha bo hiep uoc opec doi voi kinh te ngaOPEC+ tổ chức họp trực tuyến vào đầu tuần tới
hau qua cua viec pha bo hiep uoc opec doi voi kinh te ngaSaudi Aramco hủy thương vụ mua công ty dịch vụ dầu khí Novomet